P.V: Xin đồng chí cho biết những điểm nổi bật của Luật Biên phòng Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua?
Thượng tá Hồ Quyết Thắng: Luật Biên phòng Việt Nam có 6 chương, 36 điều quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng... có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2022. Luật có những điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, Luật Biên phòng Việt Nam có phạm vi điều chỉnh rộng hơn so với Pháp lệnh BĐBP. Cụ thể Luật này quy định chính sách, nguyên tắc, nhiệm vụ, hoạt động, lực lượng, bảo đảm và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về biên phòng. Pháp lệnh BĐBP chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, trong khi đó Luật Biên phòng Việt Nam quy định nhiệm vụ cho các lực lượng chuyên trách và lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ biên giới. Luật cũng đưa ra định nghĩa về “Biên phòng”: là tổng thể các hoạt động, biện pháp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới bằng sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc”. Khái niệm này là vấn đề cơ bản quyết định đến kết cấu nội dung, bố cục của Luật.
Thứ hai, chính sách của Nhà nước về Biên phòng hướng đến mục tiêu thể chế đầy đủ đường lối đối nội, đối ngoại, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ biên giới quốc gia, đồng thời ghi nhận những chính sách lớn nhằm xây dựng, huy động tiềm lực mọi mặt của quốc gia, tăng cường quốc phòng, an ninh để bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, làm cơ sở để xây dựng những chính sách cụ thể.
Thứ ba, Luật Biên phòng Việt Nam chỉ quy định các nhiệm vụ chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng mà không quy định cụ thể cho từng lực lượng. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân này có nghĩa vụ thực thi nhiệm vụ biên phòng dựa trên các nguyên tắc sau: (1) Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, biên giới quốc gia của các nước. (2) Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước. (3) Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, hệ thống chính trị, dựa vào Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân. (4) Kết hợp Quốc phòng, an ninh với kinh tế -xã hội và kinh tế - xã hội với Quốc phòng, an ninh; kết hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng với xây dựng củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại ở khu vực biên giới.
Nhiệm vụ biên phòng là trách nhiệm chung của hệ thống chính trị và toàn xã hội. Luật đưa ra các quy định về trách nhiệm, chế độ và chính sách của cơ quan, tổ chức và công dân tham gia, phối hợp, cộng tác, giúp đỡ lực lương thực thi nhiệm vụ biên phòng. Trong đó cần lưu ý đến quy định về trách nhiệm của công dân về biên phòng, cụ thể: “Công dân ở khu vực biên giới có trách nhiệm tham gia xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân và các phong trào bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu”.
Thứ tư, Luật Biên phòng Việt Nam đã đưa ra khái niệm của hai thuật ngữ quan trọng là “nền biên phòng toàn dân” và “thế trận biên phòng toàn dân”. Trước khi có Luật Biên phòng Việt Nam, một số quy định về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân chưa được luật hóa, mới quy định có tính nguyên tắc về chủ trương, nguyên tắc, nội dung tại Luật Biên giới quốc gia năm 2003. Do đó, Luật Biên phòng Việt Nam đã quy định nội dung cơ bản về nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trên cơ sở thể chế hóa mục tiêu, quan điểm, phương châm Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Thứ năm, Luật quy định: “BĐBP là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của QĐND Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới”. Luật quy định lực lượng BĐBP chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. BĐBP thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên từng lĩnh vực, phạm vi ở địa bàn xã, phường, thị trấn tiếp giáp với đường biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển và cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý đã được xác định trong điều ước quốc tế và quy định của pháp luật Việt Nam, không chồng chéo với nhiệm vụ của lực lượng khác hoạt động ở khu vực biên giới và cửa khẩu.
Thứ sáu, các hình thức quản lý, bảo vệ biên giới và thẩm quyền chuyển đổi các hình thức này được quy định, gồm: Quản lý bảo vệ biên giới thường xuyên; Quản lý bảo vệ biên giới tăng cường; Quản lý bảo vệ biên giới trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, thiết quân luật, giới nghiêm, tình trạng chiến tranh, thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc phòng. Luật chỉ quy định về trường hợp áp dụng hình thức quản lý, bảo vệ biên giới thường xuyên và tăng cường của BĐBP, còn nội dung cụ thể giao Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết.
Thứ bảy, Luật Biên phòng Việt Nam quy định bảo đảm các vấn đề về nguồn nhân lực, tài chính, tài sản để phục vụ các vấn đề về biên phòng và một số đối tượng ưu tiên, cụ thể như sau:
Bảo đảm nguồn nhân lực: Nhà nước có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; ưu tiên cư dân ở khu vực biên giới. Cán bộ, chiến sỹ BĐBP được đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng các kiến thức và nghiệp vụ cần thiết phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Nhà nước ưu tiên, khuyến khích người dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, người có tài năng phục vụ lâu dài trong BĐBP.
Bảo đảm nguồn tài chính: Nhà nước bảo đảm ngân sách và huy động các nguồn lực tài chính cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật; ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình biên giới, cửa khẩu và xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ biên phòng.
Bảo đảm tài sản: Nhà nước bảo đảm tài sản cho nhiệm vụ biên phòng theo quy định của pháp luật; ưu tiên các cơ quan, đơn vị ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn khu vực biên giới. Tùy theo tính chất công tác và địa bàn hoạt động, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới và cán bộ, chiến sỹ BĐBP được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.
P.V: Sự ra đời của Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa như thế nào trong thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của lực lượng Biên phòng, thưa đồng chí?
Thượng tá Hồ Quyết Thắng: Thứ nhất, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế kịp thời ý chí của Đảng, nguyện vọng của nhân dân trong hoạt động bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Thứ hai, việc ra đời Luật Biên phòng Việt Nam đã bổ sung, hoàn thiện cơ sở pháp lý một cách đầy đủ, có giá trị pháp lý cao nhất về lĩnh vực biên phòng, bao gồm các chính sách của Nhà nước về biên phòng; xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BĐBP; bảo đảm biên phòng và chế độ, chính sách đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng..
Thứ ba, Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động hợp tác quốc tế về biên phòng, đối ngoại biên phòng, ngoại giao nhân dân, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, ổn định lâu dài, nhất là trong việc thiết lập, phát triển quan hệ biên giới; đàm phán, giải quyết các vấn đề, vụ việc về biên giới, cửa khẩu, tuần tra biên giới, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật...
Thứ tư, Luật Biên phòng Việt Nam thể hiện tư tưởng xuyên suốt rằng biên phòng là trách nhiệm của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, trong đó nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, trong đó lực lượng BĐBP làm nòng cốt chuyên trách.
Thứ năm, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có giá trị rất lớn về mặt tinh thần, tạo sự yên tâm, phấn khởi, động viên toàn bộ cán bộ, chiến sỹ BĐBP và các cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân ở khu vực biên giới, cửa khẩu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu trong điều kiện mới hiện nay.
P.V: Vậy, xin đồng chí cho biết, Bộ Chỉ huy BĐBP Nghệ An đã có kế hoạch như thế nào để chuẩn bị cho công tác triển khai Luật Biên phòng Việt Nam trong thời gian tới?
Thượng tá Hồ Quyết Thắng: Hiện tại Luật Biên phòng Việt Nam đã được Quốc hội phê chuẩn, để Luật sớm đi vào cuộc sống, hiện nay các cơ quan chức năng đang tiến hành soạn thảo các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật, với tư cách là đơn vị thực thi nhiệm vụ Biên phòng, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Nghệ An sẽ tích cực trong đóng góp các ý kiến vào dự thảo hệ thống Nghị định, Thông tư có liên quan đến thi hành Luật Biên phòng Việt Nam để trình Chính phủ, Bộ Quốc phòng thẩm định và ban hành.
Mặt khác, trên cơ sở các nội dung của Luật Biên phòng Việt Nam, căn cứ chương trình giáo dục, huấn luyện hàng năm của cấp trên, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh xây dựng kế hoạch giáo dục, huấn luyện cho cán bộ, chiến sỹ trong BĐBP tỉnh các nội dung cơ bản của Luật Biên phòng Việt Nam. Chỉ đạo các đồn Biên phòng triển khai các nội dung tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn khu vực biên giới, địa bàn đơn vị đóng quân, trong đó có các nội dung của Luật Biên phòng Việt Nam.
Trong thời gian tới, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh sẽ có kế hoạch tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt các nội dung của Luật Biên phòng Việt Nam cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnh và cấp huyện, thị, thành; phối hợp với các huyện, thị tổ chức hội nghị quán triệt đến mọi cán bộ, chiến sỹ, nhân dân trên địa bàn.
P.V:Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!