Tiếp tục phiên làm việc của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (19/6) Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Biên phòng. Đa số các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành luật, tán thành với nhiều nội dung của dự thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh.
Tuy nhiên, cũng đặt ra một yêu cầu rất lớn, đó là phải nghiên cứu kỹ, đánh giá đầy đủ để thể chế, quy định được các chủ trương, chính sách lớn về công tác nhiệm vụ biên phòng, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, khả thi.
Tham gia vào buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đưa ra 3 nội dung cần quan tâm.
Thứ nhất, đại biểu Hiền băn khoăn công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng, tại Điểm a, b, Khoản 1 chưa rõ ràng về mặt quy phạm, cũng không đảm bảo nguyên tắc một công việc do nhiều chủ thể thực hiện nhưng chỉ do một chủ thể chủ trì, vì theo quy định tại Điểm a, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý bảo vệ biên giới Quốc gia.
Theo quy định tại Điểm b, các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình cũng chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng. Quy định này dẫn đến xung đột về nguyên tắc, bảo đảm sự điều hành tập trung thống nhất của Điểm b, Khoản 2 điều này.
Thứ hai,về cơ sở pháp lý. Thực hiện quy định của Hiến pháp năm 2013, việc thực thi chế độ pháp lý đối với biên giới Quốc gia, khu vực biên giới như ra, vào, xuất, nhập cảnh, các vận động biên mậu đều cần được quản lý thông qua hoạt động cấp giấy phép kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chuyên trách. Trong đó có lực lượng bộ đội biên phòng, nhưng hoạt động quản lý này liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nếu vẫn thực thi theo quy định của Pháp lệnh Bộ đội biên phòng là không phù hợp với quy định của Hiến pháp. Theo đó, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực biên phòng nói chung và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ, chính sách đối với lực lượng chuyên trách về biên phòng nói riêng phải được quy định trong Luật Biên phòng Việt Nam thì mới bảo đảm sự đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biên giới Quốc gia và khu vực biên giới.
Thứ ba, về cơ sở thực tiễn. Nghiên cứu dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, về cơ bản, Chính phủ đã đưa vào luật đều là những hoạt động biên phòng đã và đang được triển khai trên thực tế, có hiệu quả, ngay cả trong thời điểm khó khăn vừa qua, khi xảy ra đại dịch Covid-19 sự phối hợp giữa bộ đội biên phòng, công an, hải quan, kiểm dịch về cơ bản là thuận lợi nên việc tổ chức thực thi các chế độ pháp lý trên thực tế thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam sẽ đảm bảo sự minh bạch của pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Quốc gia trong tình hình mới.
Trong Luật Biên giới Quốc gia và văn bản hướng dẫn thi hành đã quy định về chế độ pháp lý biên giới Quốc gia, về việc xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới Quốc gia và khu vực biên giới. Như vậy, trong quy định cũng như trong thực tiễn đã có những sự giao thoa, chồng chéo giữa một số quy định. Do đó, đại biểu Hiền đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát toàn diện các quy định pháp luật hiện hành để phân định cụ thể về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam với các luật khác, tránh chồng chéo hoặc bỏ sót các quan hệ xã hội chưa được điều chỉnh.
Sau hơn 20 ngày làm việc, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình kỳ họp thứ 9. Chiều nay, Quốc hội bế mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.