LTS: Để giới thiệu tiềm năng biển, đảo của Nghệ An - một tỉnh có chiều dài bờ biển 82 Km, từ 14/6, Báo Nghệ An mở chuyên mục trên báo in và báo Nghệ An Điện tử, với Tiêu đề: “Bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”
Bờ biển Nghệ An dài hơn 82 km, từ Quỳnh Lưu cho đến Cửa Hội với 29 xã biển và ven biển với hơn 20 vạn dân, trong đó 1/3 lao động phục vụ ngư nghiệp và nông nghiệp ven bờ. Các huyện vùng biển quản lý hơn 4500 tàu, thuyền. Dọc theo bờ biển của tỉnh mật độ dân số đông, có nhiều bãi tắm đẹp như: Cửa Lò, Diễn Thành, Quỳnh Phương, có nhiều di tích lịch sử văn hoá, khu công nghiệp. Đặc biệt, biển Nghệ An có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh, là một trong ba tỉnh của cả nước được Bộ Quốc phòng chọn thành lập trung đội dân quân biển của xã Diễn Ngọc, Diễn Châu. Trong những năm qua Nghệ An đã phát động nhiều phong trào xanh, sạch, đẹp ở vùng ven biển, như thu gom rác, bao ni lông, xây dựng nhà vệ sinh. Nổi bật lên là các địa phương thuộc Thị xã Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu,...
Tuy nhiên, việc bảo vệ môi trường biển nói chung, trong đó có việc làm sạch bờ biển nói riêng thời gian qua còn nhiều hạn chế. Việc tổ chức tuyên truyền và chỉ đạo thực hiện chưa thường xuyên. Một số địa phương còn coi nhẹ, chưa quản lý tốt để một bộ phận nhân dân tuỳ tiện vứt, đổ rác, kinh doanh dịch vụ lộn xộn, chưa thực sự gắn việc bảo vệ môi trường biển, làm sạch bờ biển với việc xây dựng đời sống văn hoá, gia đình văn hoá nơi cộng đồng dân cư. v.v...
Biển, Đại dương nói chung, trong đó có biển Việt Nam và một phần biển của Nghệ An đang ngày càng thu hút đông đảo con người cùng với các phương tiện vật chất kỹ thuật đến để khai thác tài nguyên khoáng sản, thuỷ sản, vận tải, du lịch....
Sự khai thác biển của con người đang tác động theo hai hướng chủ yếu.
Một là, theo hướng tích cực, thân thiện với con người và ngày càng đưa lại cuộc sống ấm no, văn minh cho con người, cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Hai là, không thân thiện, thiếu nhận thức về biển, không nắm vững và thực hiện đúng các nguyên tắc quốc gia, quốc tế về biển; can thiệp và xử sự với biển một cách thô bạo, dẫn đến nguy cơ đe doạ cuộc sống con người.
Vì vậy, bảo vệ biển nói chung, trong đó có bảo vệ môi trường biển và làm sạch bờ biển nói riêng có ý nghĩa thiết thực và vô cùng quan trọng. Hưởng ứng "Ngày Đại dương thế giới và chiến dịch ra quân làm sạch bờ biển", trong thời gian tới chúng ta phải tập trung làm tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Nắm vững quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về chiến lược biển của nước ta từ đây đến năm 2020. Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh làm cho đất nước ta giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển... Từ đó, nắm vững các định hướng phát triển về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ; kết cấu hạ tầng; đặc biệt là định hướng điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển. Định hướng bảo vệ môi trường biển và ven biển, chống thiên tai.
2. Tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển nói chung đặc biệt là vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng của việc bảo vệ môi trường biển và ven biển ở nước ta cho cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp và cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các xã biển và ven biển.
3. Bảo vệ môi trường biển, ven biển là nhiệm vụ của toàn xã hội mà trước hết là cấp uỷ, chính quyền và các đoàn thể chính trị các cấp. Các ban, ngành từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên - môi trường, trong đó có cơ quan quản lý tài nguyên và môi trường biển. Các lực lượng bảo vệ biển như Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển; Hải quan; Bộ đội Hải quân vàngư dân...
4. Rà soát, quy hoạch và tổ chức quản lý theo pháp luật các khu công nghiệp, đô thị, vui chơi giải trí ven biển. Tạo môi trường xã hội - pháp luật tốt, yêu cầu các tổ chức và cá nhân thực hiện nghiêm túc luật tài nguyên, môi trường của Việt Nam. Đặc biệt có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội và tạo ra nhiều bức xúc trong nhân dân.
5. Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc chỉ đạo thực hiện và kiểm tra bảo vệ tài nguyên môi trường biển một cách thường xuyên và có trọng tâm, trọng điểm.
6. Các địa phương ven biển cần phát động phong trào thi đua bảo vệ môi trường biển và làm sạch bờ biển gắn với việc xây dựng gia đình văn hoá, đơn vị văn hoá, đời sống văn hóa nơi cộng đồng dân cư. Đồng thời gắn với việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh một cách sáng tạo, thiết thực có hiệu quả.
7. Tiến hành sơ kết, tổng kết một cách nghiêm túc, chỉ ra được những ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, kinh nghiệm và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới, nhằm phát huy những ưu điểm và khắc phục các hạn chế, khuyết điểm. Chú ý làm tốt công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật để tạo thêm động lực cổ vũ, động viên mọi người thi đua, hăng hái bảo vệ môi trường biển ngày càng thu được kết quả cao hơn.