(Baonghean) - Nhiều ngày qua, giữa sự nóng hổi của các tin tức về việc tàu Bình Minh 2, rồi đến tàu Vi King II của Việt Nam bị tàu hải giám, tàu cá Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí ngay trong phạm vi 200 hải lý thuộc chủ quyền Việt Nam, tôi lại nghĩ nhiều về Trường Sa- nơi mà tôi may mắn có chuyến tác nghiệp hơn 1 năm về trước.

Đó là vào dịp tháng 5/2010, tôi và một số cán bộ phóng viên Báo Nghệ An, Báo Công an Nghệ An được tham gia đoàn công tác của tỉnh thăm Trường Sa. Dù đã đọc nhiều, nghe và xem nhiều về Trường Sa, nhưng cảm giác háo hức chờ ngày lên tàu, háo hức được sớm đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc là cảm giác của rất nhiều thành viên trong đoàn.
 
Sau hơn 48 giờ hành trình liên tục trên con tàu HQ 957, đảo Đá Lớn đã rõ dần trong nắng sớm. Mọi người dường như quên hết mệt nhọc vì say sóng, tất cả ùa lên boong tàu, mong sớm được đặt chân lên đảo. Đến hôm nay, tôi vẫn nhớ như in những gương mặt rạng rỡ, những cái xiết tay thật chặt của lính đảo. Cảm giác rưng rưng, xúc động, cảm phục và tự hào cứ tươi mới, cứ dày lên trong chúng tôi mỗi lần được đặt chân lên các hòn đảo thiêng liêng của tổ quốc. Các đảo Len Đao, Đá Đông, Đá Tây và đảo Đá lớn là đảo chìm. Để có được  những tòa nhà 3 tầng như pháo đài sừng sững giữa biển trời như thế, khó có thể hình dung được biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của lớp lớp chiến sĩ đã thấm vào mỗi viên đá, hạt cát, hòa vào lòng biển cả.

766358_small_63840.jpg
 Đồng chí Tô Hồng Hải - Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An tặng quà cho cán bộ, chiến sỹ Trường Sa.


 Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên Quần đảo Trường Sa.

Ấn tượng về Trường Sa đó là cái nắng và gió biển. Mới sáng sớm, nắng đã chói chang. Nắng sáng lóa trên mặt biển mênh mông. Nắng thêm nóng hơn khi dội xuống những hòn đảo chìm không một bóng cây. Nắng bỏng rát và khó chịu hơn trước vô vàn cơn gió biển thổi ào ạt, liên tục quất vào da thịt những con sóng mặn chát. Chỉ qua hành trình 12 ngày đêm trên biển đảo mà cả đoàn, nhất là cánh đàn ông, ai nấy đều đen cháy. Dường như không ở đâu mà bầu trời lại cao và trong xanh đến thăm thẳm như ở Trường Sa. Chính vì vậy mà có lẽ không ở đâu mà con người lại khát khao những cơn mưa như người lính Trường sa. Cả mùa khô đằng đẵng, những bể nước mưa dự trữ cứ cạn dần. Ngày chúng tôi ra thăm đảo, từ cán bộ đến chiến sĩ mỗi người chỉ được dùng không quá 5 lít nước trong ngày. Chừng ấy thôi đã hiểu hơn phần nào sự khắc nghiệt của quần đảo được gọi là “bão tố”, thấm thía hơn và cảm phục trước sự gian khổ hy sinh của những người lính hàng năm trời bám trụ với biển đảo của Tổ quốc.

Cảm phục hơn, khi trong rất nhiều cuộc gặp gỡ, những người lính Trường Sa không hề nói đến sự gian khổ, hy sinh. Như các anh nói, tất cả những khó khăn ấy đã quen, nên trở nên bình thường. Nhưng chỉ sau những giờ phút ngắn ngủi trên các đảo tiền tiêu, chúng tôi càng hiểu rõ hơn về cuộc sống, tinh thần luôn sẵn sàng chiến đấu của bộ đội Trường Sa. Tôi nhớ tâm sự của đại úy Nguyễn Văn Thọ - Đảo trưởng Đảo Sinh Tồn:  Hàng ngày các anh luôn phải xử lý các hành động lấn sâu khai thác đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước; phải đề cao cảnh giác trước âm mưu khiêu khích của thế lực bên ngoài. Mỗi hòn đảo nhỏ là điểm tựa niềm tin vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển; là chỗ dựa an toàn mỗi khi có bão hay bị ốm đau, thiếu dầu, nước ngọt, thiếu lương thực. Ấn tượng mãi trong tôi là gương mặt rắn rỏi, yêu đời của những người lính biển tuổi mới tròn 18 đôi mươi. Tôi rưng rưng xúc động trước lời nhắn gửi mẹ qua sóng PT-TH của chiến sĩ trẻ Hà Văn Duẩn- quê ở huyện Diễn Châu: Mong mẹ hãy giữ gìn sức khỏe và đừng lo cho con. Chắc mẹ không hình dung được là con đã trưởng thành như thế nào sau gần một năm trong màu áo chiến sĩ hải quân...


 Bà Bùi Thị Thu Hương - Phó chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An giao lưu với bộ đội Trường Sa.

Khó khăn, gian khổ là vậy nhưng trên mỗi hành trình chúng tôi tới các đảo, từ Nam Yết, Len Đao, Đá Đông, Trường Sa lớn đến nhà dàn DK1 đều tràn trề sức sống. Ngay trên các đảo chìm và nhà dàn, nhiều loại rau vẫn xanh tốt. Tiếng cục tác tìm ổ của những chú gà mái, tiếng kêu đòi ăn của đàn lợn dưới bóng mát cây bàng vuông khi có người tới gần... như đưa khách về khung cảnh của một làng quê Việt. Và Trường Sa hôm nay đã thành miền quê mới của nhiều gia đình từ mọi miền tới lập nghiệp. Ngày mới bắt đầu của các gia đình ở đây là khi những người đàn ông vừa đi biển về, với mẻ lưới nặng cá; khi những người phụ nữ dậy sớm chăm vườn, cho lợn gà ăn và chuẩn bị bữa sáng cho con trẻ tới trường. Những em nhỏ hồn nhiên như tuổi thơ các em, lớn lên trong nắng gió, như những cây phong ba non mỗi ngày bám sâu vào lòng biển đảo của Tổ quốc. Trường Sa giờ đây đã không còn xa xôi với Đất Mẹ Việt Nam. Sức sống Trường Sa càng thêm trỗi dậy, sinh sôi ngay từ nơi khắc nghiệt nhất.
 
Trở về từ Trường Sa, tôi cứ ám ảnh mãi về Lễ tưởng niệm các liệt sỹ đã hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo vào ngày 14/3/1988. Sáng hôm ấy, mùi hương trầm theo gió hòa cứ vào trời biển mênh mông. Vòng hoa kết hình cờ Tổ quốc và những bông cúc vàng được giữ gìn suốt chuyến đi đã được lặng lẽ thả vào lòng biển. Vị mặn mòi của biển đã lẫn theo nước mắt của những người trên boong tàu. Càng thấm thía hơn sự thiêng liêng, vô giá trong hai tiếng “Chủ quyền” của Tổ quốc! Càng hiểu sâu sắc hơn về khát vọng hòa bình, hòa hiếu của dân tộc ta từ ngàn xưa và hôm nay. 


 Trồng rau trên nhà dàn DK1.

Từ chuyến thăm Trường Sa và nhà dàn DK1 với hành trình 12 ngày đêm hòa mình giữa lòng biển đảo, tôi đã có được những trải nghiệm đầy đủ hơn về Tổ quốc, về chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của đất nước Việt Nam giữa mênh mông sóng nước. Tổ quốc hiện hữu từ những lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên những cột mốc chủ quyền vững chãi; từ những gương mặt cương nghị, những cánh tay rắn rỏi bồng súng đứng gác giữa biển trời xanh thẳm. Tổ quốc, Trường Sa - chủ quyền biển đảo thiêng liêng mãi sẽ bất khả xâm phạm, bởi đã và luôn có biết bao người con kiên trung nơi hải đảo xa xôi, và bởi cả dân tộc này đang ngày đêm hướng về các anh- những người lính Trường Sa !


Nguyễn Như Khôi