(Baonghean) - Sự kiện Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại đã trở thành dấu ấn văn hóa trọng đại, mang đến nhiều thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong lộ trình bảo tồn và phát huy vốn di sản ấy. PV Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với Nghệ nhân dân gian Cao Xuân Thưởng về vấn đề này.
 
-  Xin chúc mừng bác Cao Xuân Thưởng nhân bác vừa được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Sự ghi nhận ấy, hẳn được đổi bằng rất nhiều tâm huyết, trăn trở, yêu quý và có công giữ gìn, phát triển Dân ca xứ Nghệ của bác? 
 
- Cảm ơn bạn về lời chúc. Quả thực, khi nghe báo tin được đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, thì ngoài niềm vui là sự xúc động. Mấy chục năm tôi đến với Dân ca ví, giặm, sáng tác hàng trăm tác phẩm nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc mình làm để được phong tặng này kia. Tôi yêu Dân ca ví, giặm như điều không thể khác, bởi may mắn là được sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân chất phác nhưng say mê nghệ thuật vô cùng. Tuổi thơ tôi là tháng ngày theo chân cụ thân sinh đi hát ví, giặm, hát ca trù, hát tuồng… và cứ thế, dân ca thấm vào tâm hồn lúc nào không hay.
 
Đến tuổi đôi mươi là sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thì tôi bắt đầu có những sáng tác đầu tiên mang âm hưởng Dân ca ví, giặm. Càng viết, tôi càng nhận ra, nhân dân mình yêu ví, giặm vô cùng, họ thực sự “khát” những ca khúc, vở diễn nói lên tiếng lòng, thỏa mãn được ý chí, nguyện vọng, mong muốn của họ. Chất liệu ấy dồi dào lắm, chỉ cần tinh ý và đam mê là nắm bắt được, rồi chuyển tải vào ca từ. Tôi có những tác phẩm như “Khúc ca đồng ruộng”, “Trên bến sông quê”, “O Thất mất bò”, “Vợ chồng anh Khóa”… nhiều lần đạt giải A tại các kỳ hội diễn, liên hoan dân ca trong và ngoài tỉnh, đều lấy cảm hứng từ chất liệu thực tế quanh mình. Muốn người dân nhiệt tình, yêu dân ca như vậy, thì mình phải thể hiện tình yêu và lòng đam mê trước. Ở địa phương, hễ có việc gì cần là tôi sẵn sàng, có thể hát, có thể sáng tác, có thể đạo diễn chương trình, mọi việc chu đáo mà hoàn toàn không công xá, vụ lợi gì. 
 
- Có thể nói, việc UNESCO vinh danh Dân ca ví, giặm là một thuận lợi để các CLB Dân ca tỉnh nhà phát triển, nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ đối với mục tiêu làm thế nào để bảo tồn dân ca ví giặm “đúng cách”. Bác có suy nghĩ như thế nào về điều này?
 
- Đúng là như vậy. Phải sáng suốt để nhìn thấy cả thuận lợi và thách thức, từ đó đề ra hướng đi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của lịch sử - xã hội. Thuận lợi là ở chỗ: việc công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hóa nhân loại đồng nghĩa với việc khẳng định Dân ca ví, giặm chưa bao giờ mất đi, nó vẫn sống trong lòng nhân dân xứ Nghệ; và sự công nhận ấy đã khơi dậy lòng tự hào, tình yêu quê hương, đất nước. Chưa có thống kê nào, nhưng tôi tin chắc rằng, trên các trang mạng, thời điểm Dân ca ví, giặm được vinh danh, hẳn giới trẻ xứ Nghệ nói riêng và giới trẻ cả nước nói chung cũng xôn xao về điều này và tất yếu là họ sẽ có những tìm hiểu và đưa ví, giặm lại gần với thế hệ trẻ hơn. Thuận lợi nữa là đối với các nhà quản lý văn hóa, họ có điểm tựa vững chắc để đề ra các đề án, dự án bảo tồn và phát huy di sản…
 
Về thách thức nhiều, thì như chúng ta biết,  cơn bão công nghệ thông tin và thế giới phẳng đặt ra cho người dân nhiều lựa chọn giải trí. Hơn nữa, môi trường diễn xướng ngày xưa như phường vải, phường củi, phường nón… không còn, thì đặt ra vấn đề cần làm thế nào để đưa Dân ca ví, giặm hòa vào đời sống đương đại, tạo cho nó môi trường diễn xướng mới mẻ, phù hợp với tâm lý người dân? Mặt khác, các sáng tác Dân ca ví, giặm mang hơi thở cuộc sống ngày nay còn thiếu, cần đến sự vào cuộc nhiệt tình, tâm huyết của các nhà văn, nhà thơ, nhạc sỹ, không thể dựa mãi vào các sáng tác cổ, bởi như thế thì các bạn trẻ làm sao hiểu được mà yêu! Theo tôi, bảo tồn và phát huy Dân ca ví, giặm đúng cách là phải bắt nhịp được nhu cầu của nhân dân, họ muốn gì, cần gì, làm thế nào để phù hợp với họ. Khó nhưng không phải không thể, ví dụ như tại sao chúng ta không thử in các đĩa karaoke về Dân ca ví, giặm để nhân dân có thêm lựa chọn giải trí?
 
- Đồng ý với nhận định của bác, rằng bảo tồn và phát huy dân ca đúng cách là phải bắt nhịp được nhu cầu của nhân dân. Sự bắt nhịp ấy, gần đây nhiều nhà quản lý và nghiên cứu văn hóa cũng đã đặt ra. Ví dụ như trong những hội thảo, tọa đàm về tương lai nào cho ví, giặm. Là người làm văn hóa ở cơ sở, bác nghĩ gì về tương lai ấy? 
 
-Tôi cho rằng tương lai nào cho ví, giặm cũng đều thuộc về nhân dân. Hàng trăm năm tồn tại trong lòng đời sống xứ Nghệ như một dấu ấn văn hóa đậm nét, thì dù có biến động đến đâu, ví, giặm cũng không thể mất đi được. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thẳng thắn rằng nó cũng sẽ không trở lại đỉnh cao, thịnh vượng như trước đâu, bởi cuộc sống hiện đại cho nhân dân quá nhiều lựa chọn... 
 
- Huyện Diễn Châu nói chung và xã Diễn Hoa nói riêng được đánh giá là địa phương có phong trào Dân ca ví, giặm rất mạnh. Được xem như là người vừa “khơi lửa” vừa “tiếp lửa” cho phong trào dân ca trên địa bàn, bác có những kinh nghiệm gì để đẩy mạnh, phát triển phong trào ở cơ sở?
 
- Mấy chục năm gắn bó với phong trào dân ca cơ sở, vui buồn nhiều, kỷ niệm lắm, nên nói về kinh nghiệm thì tôi đúc rút thế này: trước hết, phải có thái độ tôn trọng, yêu quý những người hát dân ca, đánh giá đúng những cống hiến của họ cho phong trào chung. Đừng bao giờ nghĩ rằng đi hát là chuyện đơn giản, chuyện giải trí đơn thuần. Đằng sau cuộc hát, họ còn có gia đình, con cái, công việc riêng chung… Vì yêu dân ca, vì phong trào tập thể, họ tạm gác lại để lên sân khấu, tốn thời gian và công sức lắm! Đôi khi chỉ một lời nói không đúng làm họ nguội đi niềm đam mê của mình.
 
Sau nữa, là chế độ đãi ngộ, để có một cuộc diễn ngắn trên sân khấu, các “ca sỹ, nhạc sỹ” nông dân phải tập luyện có khi cả tháng trời, rồi chưa kể trang phục, phấn son, loa đài… Cùng với đó là phải có người sáng tác và đạo diễn thật hay, thật nhuần nhuyễn. Khắp các địa phương trong tỉnh không thiếu người viết giỏi, hát giỏi, việc quan trọng là khơi gợi họ, thu hút họ. Như ở Diễn Châu, rất nhiều nghệ nhân dân ca hát hay mê mẩn dù ngoài đời họ chỉ là nông dân, tiểu thương… Với phong trào dân ca cơ sở, muốn mạnh, cần cả sự động viên, đầu tư cả về tinh thần lẫn vật chất. 
 
- Vâng, xin cảm ơn bác về cuộc trò chuyện này. Chúc bác sức khỏe để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê và cống hiến cho phong trào Dân ca ví, giặm tỉnh nhà!
 
T. Vinh - P. Chi (Thực hiện)