(Baonghean) - Hơn 60% trường hợp sinh con thứ 3 là con trai và đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính ngày càng cao ở Nghệ An hiện nay. Sự chênh lệch giới tính của trẻ sơ sinh chắc chắn sẽ dẫn tới hệ lụy khó lường nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời, và giải pháp quan trọng nhất vẫn là vận động để người dân thực hiện đúng Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
Để giảm thiểu mất cân bằng giới tính thì cách hiệu quả nhất vẫn là vận động người dân không sinh thêm con thứ 3. Tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, gần 5 năm trở lại đây không có tình trạng mất cân bằng giới tính. Theo chị Đào Thị Dương, chuyên trách dân số xã Vĩnh Sơn, điều ấy là nhờ nhiều năm nay người dân trong xã đã có ý thức việc thực hiện nghiêm túc chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con. Khi đã xác định được điều này, họ cũng không quá nặng nề việc sinh con trai hay con gái, mà quan trọng là làm sao phải nuôi dạy được con cho tốt. Vì thế, việc sinh con hoàn toàn theo tự nhiên, hầu như người dân ít sử dụng các biện pháp để lựa chọn giới tính khi sinh.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Thực tế, ở một xã miền núi với hơn 80% dân số làm nông nghiệp như Vĩnh Sơn, để làm thay đổi nhận thức của một bộ phận lớn dân cư như thế là điều không dễ dàng, đặc biệt là khi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, phải có con trai để nối dõi tông đường vẫn còn cố hữu. Nhưng với quyết tâm phải sớm hạ được tỷ lệ sinh con thứ 3, xã đã huy động tất cả các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc, từ hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và cả hội người cao tuổi. Kết quả, tỷ lệ sinh con thứ 3 toàn xã trong 5 năm đã giảm nhanh từ 17 - 18% xuống còn 12,9%, trong xã có 4/9 xóm nhiều năm nay không có người sinh con thứ 3, đặc biệt ở các xóm 9, 15 năm nay không có gia đình nào vi phạm Chính sách dân số.
Theo dõi sự gia tăng dân số và tình trạng mất cân bằng giới tính trên địa bàn huyện Anh Sơn, bà Lê Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện cho biết: Những xã sinh con thứ 3 ít như Vĩnh Sơn, Cao Sơn, Tam Sơn thì tỷ lệ mất cân bằng giới tính thấp, bởi tại đây người dân chủ yếu sinh con theo tự nhiên và họ không có ý định sinh thêm con nếu chỉ sinh con gái một bề. Hiện Anh Sơn là một trong những huyện có mức sinh thấp nhất trong cả tỉnh, nên tỷ lệ mất cân bằng giới tính cũng chỉ dao động ở 112 nam/100 nữ (thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả tỉnh và nhiều địa phương khác trong vùng); riêng năm 2014 chỉ có 109 bé trai/100 bé gái. Qua tổng hợp về mất cân bằng giới tính cũng cho thấy, ở nơi nào người dân ít có điều kiện tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật hiện đại thì tỷ lệ sinh con trai và con gái sẽ không chênh lệch nhiều, như Quế Phong 106 bé trai/100 bé gái, Kỳ Sơn 105 bé trai/100 bé gái, Con Cuông 102 bé trai/100 bé gái, Tương Dương 108 bé trai/100 bé gái…
Xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) cũng là một điểm sáng về công tác dân số khi 10 năm trở lại đây, trung bình tỷ lệ sinh con thứ 3 trong xã chỉ dao động từ 2,6 - 5%, cá biệt có những năm cả xã chỉ có 2 - 3 trường hợp sinh con thứ 3 như các năm 2011, 2012, 2014. Đây cũng là xã duy nhất trong cả tỉnh hiện có nhiều xóm đang giữ “kỷ lục” nhiều năm liền không có trường hợp sinh con thứ 3 như xóm 2 (21 năm), xóm 1, xóm 3, xóm 4 từ 10 - 15 năm. Kết quả này có được, theo chị Hồ Thị Huế, Chuyên trách dân số xã, đó là nhờ địa phương đã năng động, sáng tạo và làm rất tốt công tác truyền thông, tuyên truyền. Cụ thể, ở đây việc tuyên truyền về kế hoạch gia đình được xã lên kế hoạch cụ thể cho từng xóm, từng tổ dân cư theo từng tuần, từng tháng. Trong đó, định kỳ 3 tháng 1 lần, các Câu lạc bộ Dân số - Mái ấm gia đình, Câu lạc bộ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình sẽ tổ chức sinh hoạt một lần. Để buổi sinh hoạt phong phú và sinh động, ngoài một lần một chủ điểm, các tổ còn phải xây dựng tiểu phẩm. Trong buổi sinh hoạt, chủ nhiệm câu lạc bộ (cộng tác viên dân số) và các thành viên khác của Ban chủ nhiệm (trưởng các đoàn thể) cũng sẽ tổ chức tư vấn, nói chuyện về công tác dân số, trực tiếp giải đáp các thắc mắc của chị em. Bên cạnh đó, một tháng 2 lần, xã sẽ tổ chức các buổi tư vấn nhóm theo từng đối tượng đã được phân nhóm như nhóm có nguy cơ sinh con thứ 3 (những gia đình sinh con 1 bề), nhóm cần phải sử dụng biện pháp tránh thai và nhóm mới sinh con nhỏ hoặc đang mang thai. Một năm từ 2 - 3 lần xã tổ chức các buổi truyền thông với quy mô lớn, có sự tham gia của cán bộ làm công tác dân số từ tỉnh đến huyện như tổ chức giao lưu tìm hiểu kiến thức Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, đối thoại về công tác dân số, dân hỏi - cán bộ dân số trả lời. Chị Hồ Thị Mùi, cộng tác viên dân số xóm 6 chia sẻ kinh nghiệm: Cộng tác viên dân số muốn thực sự hiệu quả phải tận tâm, trách nhiệm, say mê với công việc và phải nắm rõ được từng hoàn cảnh của các gia đình, đặc biệt là những gia đình sinh con một bề. Trong quá trình tuyên truyền vận động phải làm theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, khi cần tỷ tê thì phải tỷ tê, ngược lại cũng có những khi phải có sự vận động của tất cả các ban ngành. Người làm cộng tác viên dân số cũng phải là người gương mẫu, đi đầu. Như chị Mùi, dù sinh con một bề nhưng vợ chồng chị vẫn thống nhất dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt; nay 2 cô con gái của chị đều học hành giỏi giang, thành đạt.
Xã Tam Thái (Tương Dương) là xã duy nhất cả tỉnh 3 năm liên tục (2012, 2013, 2014) không có người sinh con thứ 3. Ông Nguyễn Trọng Tân, Chủ tịch xã và đã có 10 năm làm Trưởng ban dân số xã chia sẻ: “Ở Tam Thái, trước đây và hiện nay vẫn còn nhiều bản giao thông đi lại hết sức khó khăn, không có sóng điện thoại và hệ thống truyền thanh, vì vậy, chuyên trách dân số và đại diện các ban ngành phải thường xuyên trực tiếp xuống tại bản để tuyên truyền, vận động bà con. Trong bất cứ buổi họp nào, như tập huấn khuyến nông cũng lồng ghép nội dung tuyên truyền về dân số vào. Bản nào cũng thành lập Câu lạc bộ không sinh con thứ 3, Câu lạc bộ sinh sản để vận động bà con tham gia, nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và vị thành niên. Tại xã Sơn Thành (Yên Thành), xã đầu tiên của tỉnh về đích trong phong trào xây dựng nông thôn mới, thì có cách làm hay đó là tác động vào kinh tế. Thực tế, qua phân tích của lãnh đạo xã, 10 năm trước Sơn Thành vẫn còn là một trong những xã nghèo nhất nhì của huyện vì các gia đình sinh con quá đông, từ đó dẫn theo những hệ lụy như thất học, nghèo, không có công ăn việc làm ổn định. Để hạn chế sinh con, xã có nhiều chủ trương như những gia đình thực hiện đúng chính sách dân số được ưu tiên cho vay vốn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật và làm tốt công tác thi đua khen thưởng; tổ chức các cuộc phát động thiết thực, cụ thể như phát động thi đua gia đình ít con, phát động đăng ký hình thức tránh thai…
Để hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính, từ đầu năm 2012, tỉnh cũng đã triển khai Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính và đã triển khai xuống 225 xã, phường thị trấn thuộc 21 huyện thành thị trong toàn tỉnh. Nhờ đó đã tổ chức được nhiều hoạt động như mỗi năm một lần tuyên dương các gia đình tiêu biểu, góp phần động viên, khuyến khích các gia đình sinh con một bề có con chăm ngoan, học giỏi, thành đạt, gia đình hạnh phúc. Bên cạnh đó, còn tổ chức nhiều lớp tập huấn nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, tư vấn cho cán bộ các trung tâm dân số và các chuyên trách dân số. Đồng thời tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về giới tính, về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình… Từ đó đã góp phần giúp tỉnh ta giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính từ 116 bé trai/100 bé gái (2012) xuống còn 115 bé trai/100 bé gái và năm 2014 là 113 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn. Ông Phan Văn Huê, Trưởng phòng Dân số - Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng: Dù tỷ lệ mất cân bằng giới tính của tỉnh ta có giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao. Điều này, nếu kéo dài, hậu quả tiêu cực đối với gia đình và xã hội sẽ khó lường. Vì vậy cần có những biện pháp kịp thời như: thay đổi cơ cấu giới tính trong tương lai, bởi thiếu hụt phụ nữ trong độ tuổi lập gia đình, nhiều nam giới sẽ mất quyền làm chồng, làm bố. Vì vậy, để từng bước khống chế tốc độ gia tăng dân số, ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thì công tác tuyên truyền về giới tính phải được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân. Nội dung tuyên truyền phải phong phú, thiết thực, hấp dẫn có tác động mạnh để thay đổi hành vi của người dân; phải đa dạng hóa và đáp ứng nhu cầu cung cấp các biện pháp tránh thai an toàn tới các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là đối với những đối tượng sinh con một bề. Các địa phương cần gắn công tác dân số với các tiêu chí xây dựng Làng văn hóa, Gia đình văn hóa một cách bền vững...
Và tựu trung lại, điều quan trọng vẫn là nâng cao ý thức mỗi người dân theo việc quyết định sinh con dù gái hay trai chỉ 2 là đủ; nhận thức cao về thực hiện tốt bình đẳng giới trong xã hội. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong triển khai thực hiện Chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình để đưa lại hiệu quả thiết thực, cũng chính là cách để góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống.
Mỹ Hà - Minh Quân