(Baonghean) - FIFA xếp những cú tắc bóng từ phía sau, những cú đạp thẳng vào ống đồng và những cú giật chỏ là những pha phạm lỗi cực kỳ nguy hiểm trong bóng đá. Trọng tài có thể rút ngay thẻ đỏ trên sân, thậm chí còn có hình thức phạt nguội khi xét thấy hành vi phi thể thao đó cần phải răn đe.
 
images1128277_dsc_0105.jpgPhạm lỗi đánh nguội Mạnh Hùng trong trận gặp SLNA, tiền đạo Gonzalo (Hà Nội T&T) bị trọng tài rút thẻ đỏ trực tiếp. Ảnh: Đ.C
Tất nhiên BTC giải đấu chuyên nghiệp Việt Nam cũng không cổ suý cho lối chơi bạo lực và luôn có những án phạt - chế tài đủ mạnh cho các trường hợp vi phạm. Rất may, trong 5 vòng đấu đầu tiên, những người có trách nhiệm với bóng đá mừng thầm vì số lượng thẻ phạt do các trọng tài rút ra giảm đi trông thấy, điều đó đồng nghĩa bóng đá đẹp, cống hiến đang trở lại. Nhưng nếu ai suy nghĩ bóng đá Việt Nam đã hết bạo lực là nhầm, bằng chứng chỉ trong 7 trận đấu ở vòng 6 V-League, các trọng tài đã rút ra 36 thẻ vàng, 5 thẻ đỏ trực tiếp (số thẻ đỏ ở vòng 6 nhiều bằng tổng số thẻ đỏ 5 vòng đấu trước đó cộng lại) và chỉ trong trận đầu tiên của vòng 7 giữa SLNA và Hà Nội T&T, trọng tài cũng phải rút ra 1 thẻ đỏ 6 thẻ vàng. Khi xem lại những tình huống bị phạt thẻ đỏ, thì các cầu thủ Việt Nam đều vi phạm những lỗi “cực kỳ nguy hiểm” như đánh giá của FIFA. Đơn cử trong trận đấu SHB Đà Nẵng gặp Hải Phòng, trọng tài rút thẻ đỏ trực tiếp với Gomez khi ngoại binh này đạp thẳng vào “ống đồng” hậu vệ Văn Nhiên, hay trên sân Hàng Đẫy, tiền đạo Samson “giật cùi chỏ” với hậu vệ Đồng Nai. Hay như trận đấu giữa SLNA và Hà Nội T&T, đội trưởng Gonzalo của Hà Nội T&T cũng có hành động “giật cùi chỏ” vào mặt hậu vệ Mạnh Hùng… Có thể nói, chỉ sau hai vòng đấu vừa qua V. League đã bùng phát thẻ phạt. Nếu tiếp tục không có sự điều chỉnh thì chắc chắn V.League sẽ trở thành những “võ đài”. BTC đã vào cuộc và có những án phạt “nguội”, như: phạt Gomez 10 triệu đồng và đình chỉ thi đấu 3 trận; phạt Samson nghỉ 2 trận. Nhưng có vẻ như những án phạt này chưa thể đủ sức răn đe. Không muốn để tình cảnh xấu tiếp diễn, Tổng Cục TDTT do Phó Tổng cục trưởng Phạm Văn Tuấn ký công văn yêu cầu VFF và VPF xử lý nghiêm các tình huống bạo lực, kiên quyết loại bỏ các hành vi bạo lực sân cỏ.
 
Nếu căn cứ vào số lượng thẻ thì hiện nay, sau 6 vòng đấu HAGL đang là đội chơi đẹp nhất khi chỉ nhận 8 thẻ vàng và không có thẻ đỏ. Có ý kiến cho rằng các trọng tài “nương tay” với HAGL, tuy nhiên nếu xem HAGL thi đấu thì tất cả đều chung nhận định là lối chơi của đội này rất ít khi bị nhận thẻ. Các cầu thủ HAGL dùng lối chơi ngắn, nhanh để tránh va chạm với đối phương. Bản thân đội bóng này cũng đã thể hiện sự “chơi đẹp” khi có nhiều cầu thủ góp mặt trong đội tuyển U.19 quốc gia. Nhưng B.Bình Dương mới là đội được đánh giá là đội chơi đẹp nhất khi họ mới chỉ nhận 7 thẻ vàng từ đầu giải.Trong khi đó Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đồng Nai đang có số thẻ vàng khá cao. Đây hầu hết là những đội bóng ở tầm trung, nên đôi khi phải dùng lối chơi rắn để phá đối phương. Qua đó cho thấy vấn đề bạo lực sân cỏ chưa bao giờ giảm nhiệt ở V.League, cho dù “bóng đá là cuộc chơi của những người đàn ông mạnh mẽ” như cách nói của cựu HLV SLNA Nguyễn Hữu Thắng. Nhưng đa phần các HLV đều cho rằng trọng tài là nguyên nhân để các cầu thủ đá bạo lực như phát biểu của HLV Phan Thanh Hùng (HN T&T) “Tôi biết Gonzalo rất hiền, nhưng khi bị khiêu khích và phạm lỗi trước đó mà trọng tài không thổi phạt đỗi phương nên cầu ta đã trả đũa”. 
 
Điều đó cho thấy các HLV ở V.League ít khi chú trọng đến việc giáo dục các học trò chơi đẹp, chơi cống hiến, ngược lại họ còn cổ suý cho lối đá rát, đá rắn không ngại va chạm để phá lối chơi đối phương. Để không còn hiện tượng “đấu võ trên sân”, ngoài việc chỉ bảo của các HLV thì cầu thủ cũng phải học cách tôn trọng đối thủ như phát biểu của HLV Nguyễn Văn Sỹ: "Mong các cầu thủ cần phải biết tôn trọng cái "cần câu cơm" của các đồng nghiệp...". Có như vậy, may ra chúng ta mới có thể thể hy vọng về một V-League giảm bớt vấn nạn bạo lực trong thời gian tới.
 
Đại Nghĩa