(Baonghean) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng của phong trào thể dục thể thao quần chúng, những năm qua, thể thao thành tích cao của tỉnh Nghệ An cũng có bước tiến nhất định trên đấu trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển bền vững thể thao thành tích cao lại đang gặp thách thức không nhỏ, bởi công tác tạo nguồn VĐV đang gặp nhiều khó khăn.
Cùng với CLB SLNA ở môn bóng đá, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT Nghệ An là đơn vị chịu trách nhiệm tuyển chọn, đào tạo VĐV thành tích cao của tỉnh. Số lượng các môn thể thao mà Trung tâm đang phụ trách khá lớn, với 18 môn gồm: điền kinh, cử tạ, cầu mây, đá cầu, bi sắt, cờ vua, bơi lội, lặn, bóng chuyền và các môn võ (taekwondo, wushu, boxing, võ cổ truyền, karatedo, pencak silat, kickboxing, vovinam và vật)…
Câu hỏi được đặt ra với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, HLV của Trung tâm là: Làm thế nào phát hiện ra những VĐV tài năng trong số hàng vạn VĐV nghiệp dư có năng khiếu đang tập luyện tại cơ sở, nhất là với một địa bàn rộng, dân số đông như Nghệ An? Theo Phó Giám đốc Nguyễn Hoàng Trung, từ trước đến nay, trung tâm xác định nguồn tuyển sinh chính là tại cơ sở, thông qua hệ thống các giải thể thao trong tỉnh và các huấn luyện viên (HLV) tự tìm kiếm, phát hiện. Với hình thức đào tạo tại cơ sở, Trung tâm ký kết hợp đồng với các trung tâm VH-TT các huyện mở các lớp năng khiếu nghiệp dư để phát hiện, cung cấp cho trung tâm những VĐV có tố chất nổi bật. Tuy nhiên, từ năm 2013 đến nay, do khó khăn về kinh phí nên các lớp nghiệp dư này đã phải đóng cửa, chỉ còn một số lớp nhỏ lẻ ở các huyện có phong trào mạnh như Quỳnh Lưu, Nam Đàn, Diễn Châu… do các Trung tâm VHTT các huyện này tự mở. Do đó, nguồn VĐV của Trung tâm 2 năm qua chủ yếu là do các HLV tự xuống cơ sở tìm kiếm và từ các giải thể thao của tỉnh. Với mỗi đợt tuyển sinh, Trung tâm thành lập hội đồng chuyên môn, kiểm tra theo các tiêu chí của từng đối tượng cụ thể, trên cơ sở đề xuất của các HLV. Tương tự, kế hoạch huấn luyện từng năm, quý, tháng cho từng đội, từng đối tượng cũng được xây dựng cụ thể; định kỳ kiểm tra, đánh giá khả năng phát triển thành tích của các VĐV, trên cơ sở đó cho thôi tập đối với những VĐV không có khả năng nâng cao thành tích.
Tuy nhiên, công tác tuyển chọn, đào tạo của Trung tâm đang gặp nhiều khó khăn. Dễ nhận thấy nhất là đối tượng VĐV được tuyển chọn vào Trung tâm chủ yếu là học sinh, nhưng công tác phối hợp với ngành GD&ĐT trong khâu phát hiện tuyển chọn VĐV hầu như còn bỏ ngỏ. Hiện trung tâm đào tạo 18 môn, nhưng chỉ có các môn bóng chuyền, đá cầu, cờ vua và điền kinh là có trong chương trình giáo dục thể chất của các trường và được đưa vào thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng các cấp. Ngay cả hệ thống giải thể thao của tỉnh cũng ít hỗ trợ cho công tác phát hiện, tuyển chọn VĐV năng khiếu cho Trung tâm, khi mà nhiều giải đấu cấp tỉnh hàng năm lại là những môn không nằm trong chương trình đào tạo của trung tâm như cầu lông, bóng bàn, quần vợt…; trong lúc đó nhiều môn khác lại không tổ chức được giải đấu cấp tỉnh. Điều này dẫn đến một thực tế là một số môn như cử tạ, cầu mây, bi sắt, võ cổ truyền… có VĐV đỉnh cao, có khả năng tranh giành thứ hạng cao tại các giải trong nước, thậm chị là quốc tế, nhưng phong trào không phát triển, trong khi nhiều môn phong trào phát triển lại không có VĐV đỉnh cao như cầu lông, bóng bàn… Cũng vì gặp khó khăn trong tạo nguồn VĐV, không có VĐV trẻ kế cận xứng đáng khi một số VĐV nòng cốt suy giảm phong độ do chấn thương, tuổi tác… nên những năm gần đây, một số môn thể thao thành tích cao có dấu hiệu chững lại, thậm chí thành tích giảm sút như karatedo, taekwondo, vật, bóng chuyền…
Các chuyên gia thể thao đều cho rằng, để nâng chất lượng tạo nguồn cho thể thao thành tích cao, điều quan trọng là ngành Thể thao cần có cơ chế phù hợp để tăng cường việc tuyển chọn VĐV năng khiếu ngay từ các cơ sở, các trường học. Ông Đặng Ngọc Kim - Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Quỳnh Lưu cho rằng, cần có sự phối hợp giữa ngành TDTT và ngành GD&ĐT: “Nhờ có sự phối hợp giữa ngành TDTT và ngành GD&ĐT nên Quỳnh Lưu đã cung cấp cho tỉnh nhiều VĐV nổi trội, không chỉ ở bóng đá mà còn ở các môn điền kinh, bơi lội. Sự phối hợp đó đến nay vẫn được huyện duy trì, khi mà Phòng Giáo dục huyện đã chỉ đạo các trường học trên toàn huyện tăng cường tổ chức các hoạt động phát triển TDTT như ngoại khóa theo sở thích, các giờ tập ngoại khóa theo đội tuyển của trường phục vụ “Hội khỏe Phù Đổng” các cấp và các lớp năng khiếu của huyện…”. Còn võ sư Bùi Duy Vinh - Tổng Thư ký Liên đoàn võ thuật Nghệ An cho rằng, hiện nay hơn một nửa số môn đào tạo thể thao thành tích cao của tỉnh là võ thuật, do đó việc phát hiện VĐV ở các môn này cần dựa vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của các các CLB võ thuật từ xã, phường đến huyện, thành, thị, các võ sư, HLV ở cơ sở. Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL cần phối hợp với Sở GDĐT đưa vào giảng dạy thí điểm một số môn võ như karatedo, boxing, vovinam… tại các trường THCS, vừa đa dạng hóa hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường, vừa phát triển phong trào cho các môn thể thao thành tích cao”.
Ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT nêu ý kiến: “Thời gian tới, thiết nghĩ tỉnh cần sớm cho chủ trương và cấp kinh phí để mở lại các lớp năng khiếu nghiệp dư ở các huyện, các trường học. Bên cạnh đó, cần khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp vào công tác đào tạo vận động viên, cũng như hỗ trợ việc mở trường, lớp đào tạo VĐV thể thao; thí điểm việc quản lý, đào tạo vận động viên trình độ cao tại các câu lạc bộ thể dục thể thao tư nhân. Ngoài ra, cần cải cách lại hệ thống thi đấu các giải thể thao của tỉnh, trong đó chú ý đến việc mở các giải trẻ, đưa vào chương trình thi đấu giải thể thao học sinh các môn thể thao thành tích cao mà tỉnh đầu tư, nhằm phát hiện VĐV năng khiếu một cách dễ dàng hơn chứ không chỉ dựa vào sự nỗ lực của các HLV như hiện nay”.
Minh Quân