Nhiều vụ án rúng động
Hơn 5 tháng trước, cả Trường Tiểu học xã Nghi Phong (huyện Nghi Lộc) rúng động với câu chuyện một em học sinh lớp 2 bị một em học sinh lớp 8 xâm hại. Nạn nhân là em Nguyễn Thị N. H., còn em học sinh lớp 8 là Phạm Tuấn T. (cả 2 cùng trú ở xã Nghi Phong). Ngay sau khi nhà trường báo cáo sự việc, Công an huyện Nghi Lộc đã vào cuộc điều tra và sau đó đi đến kết luận, sự việc em T. có hành vi hiếp dâm em H. là có thật.
Cụ thể, chiều 22/4/2019, T. đến Trường THCS xã Nghi Phong để học thêm. Khoảng 14h, T. không đi vào lớp mà sang khuôn viên Trường Tiểu học xã Nghi Phong thì phát hiện em H. đi một mình. T. đã bế em H. đến sát bờ tường, rồi cởi quần áo của em H. ra và thực hiện hành vi giao cấu. Cháu H. la hét thì T. đấm vào mặt, dùng chân đá vào người, sau đó bế lên bờ tường cao rồi đẩy cháu H. xuống đất. Khi cháu H. giả vờ ngất thì T. lấy cây cỏ phủ lên người rồi bỏ đi.
Đối chiếu với Bộ Luật Hình sự năm 2015, thì cháu T. chưa đủ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự nên cơ quan CSĐT Công an huyện Nghi Lộc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Tuy vậy, hành vi của cháu T. là rất nguy hiểm, có dấu hiệu của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng nên cơ quan công an đã ra quyết định xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với T.
Một vụ án rúng động khác cũng diễn ra vào cuối năm 2018, Công an TX. Hoàng Mai phát hiện có một số đối tượng có hành vi xâm hại tình dục đối với cháu Nguyễn Thị B. (SN 2004, trú TX. Hoàng Mai).
Công an TX. Hoàng Mai xác lập chuyên án và sau đó đã khởi tố, bắt tạm giam7 bị can gồm: Hoàng Đình Lâm (SN 1972), Văn Sỹ Hà (SN 1964), đều trú tại phường Quỳnh Thiện, TX. Hoàng Mai về tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; Đậu Thế Đức (SN 1992), Nguyễn Bá Đoài (SN 1969), Đậu Đức Toàn (SN 1965); Hồ Văn Đốc (SN 1965) và Hoàng Đình Sỹ (SN 1988), cùng trú TX. Hoàng Mai) về tội “Dâm ô với người dưới 16 tuổi”. Với 7 bị can bị khởi tố, đây có thể xem là vụ án xâm hại tình dục trẻ em có nhiều bị can nhất ở Nghệ An đến thời điểm hiện tại.
Nhận thức chưa đầy đủ
Một con số đưa ra khiến nhiều người phải suy nghĩ, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, có 114 trẻ em ở Nghệ An bị xâm hại, trong đó có 108 em nữ và 6 em nam. Hình thức xâm hại nhiều nhất là tình dục với 82 em, tiếp đó là mua bán với 26 em.
Đau đớn hơn, đã có 4 em tử vong do bị xâm hại, có 9 em có thai do bị xâm hại tình dục và có 6 em phải bỏ học. Đó là chưa kể 91 trường hợp khác bị tác động về thể chất, lẫn tinh thần do bị xâm hại gây nên.
Nhiều em nữ bị xâm hại tình dục khiến các em mang thai ngoài ý muốn khi cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến vô sinh, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản và hạnh phúc gia đình của các em về sau.
“Cho dù trẻ bị xâm hại tình dục dưới bất kỳ hình thức nào thì đều để lại hậu quả, gây tổn thương cho trẻ ở các mức độ khác nhau. Về mặt thể chất, trẻ em bị xâm hại có thể chịu tổn thương thể xác, mắc một số bệnh lây lan qua đường tình dục; về tâm lý, trẻ em bị xâm hại sẽ cảm thấy tội lỗi, sợ bị coi là xấu xa”, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho biết và nói thêm rằng, nếu không được điều trị tâm lý kịp thời sau khi bị xâm hại thì rất dễ bị ám ảnh lâu dài.
Ngoài ra, trẻ em bị xâm hại có thể trở nên trầm cảm, rối loạn tâm thần. Nhiều vụ xâm hại trẻ em đã tạo tâm lý hoang mang, lo lắng, bức xúc trong nhân dân, tác động tiêu cực đến giá trị truyền thống, đạo đức, nhân cách của con người.
Qua các vụ án được điều tra, Công an tỉnh cho rằng, phần lớn các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em đều có quan hệ nhất định với người thân hoặc chính trẻ em bị xâm hại. Phương thức, thủ đoạn xâm hại rất đa dạng, nhưng chủ yếu là các đối tượng lợi dụng mối quan hệ với trẻ em hoặc người thân của trẻ em để tìm cách tiếp cận và thực hiện hành vi xâm hại đối với trẻ em, nhất là các vụ xâm hại tình dục và mua bán trẻ em.
Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 800.000 trẻ em, trong đó có gần 14.000 em có hoàn cảnh đặc biệt và có gần 75.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đây là những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại nhiều nhất và cần được bảo vệ nhiều hơn. Thế nhưng, UBND tỉnh Nghệ An cũng đánh giá rằng, nhận thức về công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, mua bán trẻ em nói riêng của người dân chưa đầy đủ, sâu sắc.
Một số gia đình thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, hiểu biết về luật pháp, về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em còn hạn chế. Hơn nữa, sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường và các đoàn thể, chính quyền cơ sở trong quản lý, chăm sóc trẻ em ở một số nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.