(Baonghean) - Sáng 11/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Khoa học công nghệ (sửa đổi), trọng tâm là chuyển giao công nghệ. Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là phải đưa vào luật những nội dung để không ai có thể lợi dụng những kẽ hở để đưa công nghệ lạc hậu vào Việt Nam.
 
Có lẽ sau sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng từ Công ty Formosa và trước đó là dự án bô-xít Tây Nguyên có nguyên nhân từ việc sử dụng công nghệ lạc hậu, không đúng như cam kết ban đầu của chủ đầu tư, chúng ta đã bắt đầu nhận thức ra sự nguy hại của vấn đề. Trên thực tế, hiện tượng các công ty nước ngoài và cả trong nước lách luật nhập công nghệ lạc hậu để tiết kiệm chi phí đầu tư không phải là mới có mà đã diễn ra từ lâu. Các nước giàu luôn tìm cách đẩy những công nghệ lạc hậu 
sang các nước nghèo để vừa thay thế công nghệ mới, vừa tránh ô nhiễm môi trường mà không tốn chi phí xử lý rác thải công nghệ, lại tận dụng thêm một lần nữa chi phí đầu tư. Còn các nước nghèo, vì ít tiền và cả vì lợi ích cá nhân nên sẵn sàng đón nhận và tìm mọi cách để lách qua sự giám sát của các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực này để đưa về những  trang thiết bị, công nghệ máy móc đã cũ. Công nghệ cũ kỹ, lạc hậu gia tăng chi phí sản xuất kéo theo giảm năng lực cạnh tranh về chất lượng cũng như giá thành sản phẩm.  Qua đó làm giảm năng lực cạnh tranh của cả nền kinh tế. Cứ nhìn vào các nhà máy nằm trong danh sách “những con nợ của nền kinh tế” như: Nhà máy gang thép Thái Nguyên, đạm Ninh Bình, Ethanon Phú Thọ… thì rõ. Trong nguyên nhân dẫn đến sự  bí bét, đổ bể của các dự án kinh tế lớn đó đều có bóng dáng của những trang thiết bị, công nghệ lạc hậu. Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà nguy hiểm hơn, các công nghệ lạc hậu còn gây ra ô nhiễm môi trường nặng nề cả ở trước mắt lẫn lâu dài về sau. Và hiểm họa từ sự ô nhiễm này là không thể cân đong, đo đếm được. Thực tế là trong thời gian qua chúng ta đã và đang phải nếm trải và vô cùng thấm thía hiểm họa đó.
 
Vì thế, cần phải có bộ luật chặt chẽ với các chế tài đủ mạnh để không ai có thể và cả không dám qua mặt các cơ quan chủ quản trong lĩnh vực này mà đưa về những công nghệ làm nghèo đất nước. Sở dĩ nói như vậy là vì, có không ít địa phương  vì muốn thu hút đầu tư để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sẵn sàng làm ngơ cho các doanh nghiệp nhập về các công nghệ không đạt tiêu chuẩn. Hiện tượng này đã xảy ra và môi trường ở không ít địa phương đang phải gánh chịu hệ lụy từ sự tắc trách đó. 
 
Môi trường đang bị xuống cấp từ đất, nước, không khí, chất thải rắn... Và cũng không ai dám đoán chắc là việc đó sẽ không lặp lại lần nữa.  Nếu không kiểm soát được chặt chẽ sẽ dễ rơi vào tình trạng tăng trưởng không tương lai. Nghĩa là kinh tế tăng trưởng nhưng ô nhiễm môi trường tràn lan không kiểm soát được dẫn tới những hậu quả mang tính thảm họa. Vì thế, bổ sung, sửa đổi để hạn chế những bất cập trong bộ luật hiện hành là một cách để bảo đảm cho tương lai.
 
 Duy Hương