(Baonghean) - Hôm nọ đi đón đứa cháu học mẫu giáo, thấy nó đang bù lu bù loa với một bạn (chắc lại tranh nhau đồ chơi):
- Bạn mà lấy đồ chơi của tớ là tớ về mách bố, bố tớ làm bác sĩ, bố tớ tiêm đau ơi là đau!
- Bố bạn mà tiêm tớ là tớ mách bố tớ để bố tớ còng tay bố bạn, bố tớ làm cảnh sát, không sợ bác sĩ!
Mình ngồi nghe phì cả cười, còn ông phụ huynh bên cạnh thì hể hả ra chiều tự hào lắm. Thì ra ông này là ông bố cảnh sát không thèm sợ bác sĩ của thằng bé đang cãi nhau với cháu mình chứ ai!
Lại chuyện con trẻ đưa nghề nghiệp của bố mẹ ra để dương dương tự đắc, đứa con nhà hàng xóm khoe với mình bài văn nó viết được 9 điểm, mình xin trích dẫn lại một đoạn như sau: “Mẹ em làm nhà báo. Nhà báo rất tài, viết về những gương người tốt việc tốt, hô biến một người bình thường không ai biết đến thành một người được tất cả mọi người nể phục, noi theo. Nhà báo cũng rất oai, lên tiếng phê phán những việc xấu, khiến những người xấu phải kinh sợ. Bố em là bác sĩ, có những lúc bố em xoa đầu em và bảo rằng, mẹ em cũng như đồng nghiệp của bố, nhưng bố khám bệnh cho mọi người còn mẹ em khám bệnh cho xã hội. Lớn lên em cũng muốn được như mẹ em, làm một nhà báo giỏi để giúp xã hội luôn khoẻ mạnh”.
Không riêng gì con nít, sự thật là ngay cả khi lớn lên rồi, chúng ta vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi công việc của bố mẹ hoặc những người thân, thế nên mới có những gia đình mấy đời làm nhà giáo, bác sĩ, nhà nghiên cứu,... và... Những gia đình, dòng họ như vậy luôn được xã hội trọng vọng, vì điều mà họ lưu giữ không đơn giản chỉ là cái cần câu cơm mà là bề dày đạo đức nghề nghiệp, tinh hoa kiến thức, kinh nghiệm được kế thừa từ đời này qua đời khác. Điều này phù hợp với văn hoá của người Việt Nam mình, vốn đề cao giá trị truyền thống và tôn trọng những gì lớp người đi trước để lại.
Nói rộng ra thì việc lưu truyền, kế tụng một nghề nghiệp không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, mà là sự chuyển tiếp giữa những thế hệ đàn anh, đàn chị trong nghề với thế hệ đàn em. “Sông có nguồn, nghề có tổ sư”, tất nhiên nghề nghiệp nào rồi cũng có sự đổi mới, bắt kịp xu thế của thời đại, nhưng những giá trị nền tảng làm nên định nghĩa, bản chất, nguyên lý của một nghề nghiệp thì không bao giờ lỗi mốt. Một người chập chững vào nghề soi mình vào tấm gương của những người đi trước để biết được nghề nghiệp rồi đây mình làm sẽ như thế nào, năm mười năm nữa mình sẽ thành người ra sao. Thế nên một nhà báo tồi, một bác sĩ vô trách nhiệm, một nhà giáo phi sư phạm của ngày hôm nay là căn nguyên của mười, một trăm nhà báo, bác sĩ, nhà giáo kém cỏi của mười, hai mươi năm sau, đáng lo ngại lắm thay!
Ôi thôi, mình lại nói những chuyện phức tạp của người lớn vào đây mất rồi! Điều mình đang muốn nói là con nít thì thường tôn sùng cha mẹ, đến độ thần thánh hoá, siêu nhân, anh hùng hoá (có đứa trẻ nào lại không từng ước mơ bố mình là siêu nhân giải cứu thế giới, chỉ để được... oai với các bạn?) Nhưng chẳng đứa trẻ nào lại đi khoe với bạn “Bố tớ làm nghề ăn trộm”, mặc dù dân gian vẫn có câu ca dao:
Con ơi học lấy nghề cha
Một đêm ăn trộm bằng ba năm làm
Có phải vì ăn trộm không phải là một nghề, mà là một sự suy đồi về nhân cách để vực dậy cái dạ dày và lòng tham hưởng thụ của những kẻ biếng nhác, một căn bệnh mãn tính đến nỗi thành phản xạ của bàn tay và đạo đức? Nhưng những nghề nghiệp vốn là chân chính, mà bị sự thoái hoá về đạo đức, trách nhiệm làm cho biến chất đi, thì liệu những người làm nghề này có đang dần chuyển đổi công tác về chung chạ với phường đạo chích, có chăng là làm khác ca, có chăng là thay vì đục khoét của cải thì ta đục khoét xã hội và nhân cách của chính bản thân ta?
Suy ngẫm của mình bắt đầu bằng việc đi đón cháu ở trường mẫu giáo và kết thúc bằng một góc nhìn có phần tối tăm, nhưng thôi, mình chỉ muốn nói rằng dù làm nghề gì đi chăng nữa, chỉ cần làm việc với tinh thần trách nhiệm và sự đam mê thì đều đáng khen, đáng quý cả. Và tất nhiên là mình cũng phải kiểm điểm bản thân để sau này còn rủ rỉ với con mình rằng: “Con ơi học lấy nghề cha...”.
Con ơi học lấy nghề cha
Hải Triều (Email từ Paris)