Sáng 14/10, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển logistics vận tải đường thủy nội địa và vận tải ven biển bằng phương tiện thủy nội địa. Về phía Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì, cùng đại diện các sở, ban, ngành liên quan.
Nhiều lợi thế để phát triển vận tải đường thủy nội địa
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, có đường biển dài, nhiều hệ thống sông, cửa biển, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải thủy ven bờ để
vận tải hàng hóa từ Nam ra Bắc và ngược lại. Nếu những năm 2010-2011, cả nước chỉ có 300 phương tiện thủy vận tải ven bờ với tải trọng bình quân 5000 tấn/phương tiện, thì đến cuối năm 2020 cả nước đã có 1.800 phương tiện thủy vận tải ven bờ, trong đó tải trọng phương tiện cao nhất là 23.000 tấn. Ngoài việc trung chuyển hàng hóa giữa các địa phương ra các cảng, vận tải thủy còn kết nối các cảng ven bờ.
Phía đầu cầu Nghệ An, đồng chí Lê Hồng Vinh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Ảnh: Tiến Đông
Tại Nghệ An, hệ thống đường thủy nội địa dài 907,6km, trong đó đường sông do Trung ương quản lý dài 217,1km và 45,1km đường sông địa phương do Sở GTVT được ủy thác quản lý; 647,5km đường sông còn lại do UBND các huyện, thành phố, thị xã quản lý.
Nghệ An cũng có đường bờ biển dài 82km, hiện đã có cảng biển chuyên dùng The Vissai với cầu cảng dài 2.000m vươn ra biển, có thể tiếp nhận tàu 70.000 tấn; cảng kho xăng dầu DKC gồm 2 tổng kho và 2 cầu cảng có khả năng tiếp nhận tàu hàng từ 10.000 đến 50.000 tấn. Khu bến
cảng Cửa Lò với chức năng là bến cảng tổng hợp phục vụ trực tiếp KKT Đông Nam và vận chuyển hàng hóa cho các tỉnh lân cận trong khu vực Bắc Trung Bộ và là một trong các cửa ngõ tiếp chuyển hàng hóa cho Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan.
Tàu container trọng tải lớn cập cảng Cửa Lò. Ảnh: Tư liệu BNA Tuy nhiên, tại Nghệ An hiện nay, hệ thống đường thủy nội địa còn kém phát triển, nhiều bãi cạn, mực nước thông thuyền thấp, việc khai thác vận tải chủ yếu theo luồng lạch tự nhiên, chỉ thích hợp cho các phương tiện tàu thuyền loại nhỏ để vận tải khách từng đoạn ngắn và chủ yếu vận chuyển vật liệu xây dựng. Bên cạnh đó, các dịch vụ kho bãi, và hạ tầng kho bãi logistics còn chưa phát triển. Năm 2020 khối lượng vận chuyển hàng hóa ước đại 126,22 triệu tấn; khối lượng vận chuyển hàng hóa đạt 3.646,43 triệu tấn...
Nâng cao năng lực vận tải và đẩy mạnh thu hút đầu tư
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay
hệ thống logistics phục vụ cho vận tải đường thủy nội địa còn hạn chế. Hệ thống tàu, xà lan trên tuyến vận tải này vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu vận tải, chủ yếu vận chuyển các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng, chưa có nhiều mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, tình trạng bồi lắng kênh rạch cũng khiến cho việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn.
Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có quy hoạch và nâng cấp cơ sở hạ tầng tại các cảng nhằm đáp ứng năng lực vận tải của đường thủy nội địa. Ảnh: Tư liệu BNA Ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới dịch vụ hàng hải Việt Nam cho rằng, các địa phương cần có chính sách ưu đãi đầu tư cho các đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực vận tải đường thủy nội địa, nhất là ưu đãi về thuế, miễn phí cơ sở hạ tầng cảng, kho bãi. Ưu tiên thủ tục hải quan cho hàng hóa trung chuyển quá cảnh qua Campuchia thông thoáng hơn, tiến tới áp dụng như hàng trung chuyển quốc tế. Tích cực áp dụng công nghệ thông tin giữa cảng vụ hàng hải Việt Nam với các cảng để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục thông quan.
Nhiều đơn vị vận tải đường thủy cũng đã có kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các chính sách về thuế thu nhập, để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua được giai đoạn khó khăn của dịch bệnh Covid-19. Quan tâm chỉ đạo và có định hướng cụ thể trong việc quy hoạch xây dựng các hệ thống cảng biển, cảng sông và các trung tâm logistics. Quan tâm hỗ trợ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho các thuyền viên...
Báo cáo tổng hợp tại hội nghị, Nghệ An cũng kiến nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo và định hướng cụ thể trong việc Quy hoạch xây dựng 1 trung tâm logistics tại Nghệ An giai đoạn 2020-1030. Ảnh: Tiến Đông Các kiến nghị cũng cho rằng Nhà nước cần quan tâm đầu tư phát triển luồng, tuyến, kết cấu hạ tầng đường thủy, ưu đãi đào tạo và chế độ làm việc trên tàu cho thuyền viên, tránh việc phải đi thuê thuyền viên với chi phí cao. Còn doanh nghiệp thì tìm kiếm nguồn hàng, hợp tác quốc tế.
Ông Lê Quang Trung - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam đề xuất cho phép các phương tiện vận tải sông biển vào cảng biển thì áp dụng các mức phí, lệ phí như vào các bến thủy nội địa; cần có cơ chế giảm lệ phí đối với tàu container đi vào đường thủy nội địa.
Tại hội nghị này, Nghệ An cũng có báo cáo kiến nghị Bộ GTVT quan tâm chỉ đạo và có định hướng cụ thể trong việc Quy hoạch xây dựng 1 trung tâm logistics tại Nghệ An giai đoạn 2020-2030. Từ đó, quan tâm hỗ trợ về mặt kinh phí để Nghệ An tiếp tục đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng cảng, bến thủy nội địa.
Kết luận tại Hội nghị, từ 20 ý kiến, đề xuất của các địa phương, doanh nghiệp,
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Đường thủy nội địa tổng hợp, thống kê, vấn đề nào thuộc thẩm quyền giải quyết thì xử lý ngay, đồng thời chuyển các bộ liên quan xem xét trả lời hoặc trình Chính phủ cho ý kiến tháo gỡ. Đề nghị Cục Đường thủy nội địa xem xét các cơ chế, quy hoạch, phối hợp giữa các địa phương với các cơ quan, ban, ngành để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nâng cấp cảng thủy nội địa, trang thiết bị, phát triển đội tàu, các công ty vận tải thủy... đảm bảo năng lực vận tải và cạnh tranh được với các nước trong khu vực.