Người Việt từ xa xưa, đồng thời với những tín điều của tôn giáo đang theo, vẫn có một tín ngưỡng thờ cúng Tổ tiên - đó không phải là một tôn giáo, mà là do lòng thành kính và biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, cụ kị đã khuất.

 

Người Việt có niềm tin rằng: chết chỉ là sự tiêu tan của thể xác, còn linh hồn vẫn còn và luôn trở về với gia đình. Chết chẳng qua chỉ là một cuộc trở về gặp ông bà, tổ tiên. Vong hồn của người đã khuất luôn ngự trị trên bàn thờ để gần gũi con cháu, theo dõi họ trong công việc hàng ngày và giúp đỡ (phù hộ) họ trong những trường hợp cấn thiết. Và người Việt còn tâm niệm: “trần sao âm vậy” – người sống cần gì, sống như thế nào thì người chết cũng như vậy. Bởi tin thế, nên việc lập bàn thờ để thờ cúng Tổ tiên là điều không thể thiếu trong đời sống con người.

Ngôi nhà truyền thống của người Việt thường có ba hoặc năm gian, trong đó gian giữa được coi là chỗ trang trọng nhất, là trung tâm của ngôi nhà. Những việc quan trọng như: thờ phụng, tiếp khách, sinh hoạt...  đều diễn ra ở gian này. Gian giữa lại luôn có cửa lớn ra vào, mở cửa là nhìn thấy trời đất lưu thông, âm dương hòa đồng để rồi cảm hoá lẽ đời. Bàn thờ là nơi thể hiện lòng thành kính của con cháu đối với Tổ tiên nên bàn thờ thường được lập ở chính giữa gian giữa ngôi nhà, gia chủ không được kê giường ngủ đối diện với bàn thờ.

762215_small_42808.jpg
Tuỳ quy mô ngôi nhà và cũng tuỳ mức sống từng gia chủ mà bàn thờ có kích thước và hình thức khác nhau.

Những gia đình nghèo khó, với những đồ đạc trong nhà cũng đơn sơ, thì bàn thờ có khi chỉ là vạt phên tre giữa hai cột trong của gian giữa, bên trong có bát hương nhỏ. Còn ở những gia đình thuộc loại “thường thường bậc trung” trở lên, thì bàn thờ được đóng đàng hoàng. Có gia chủ còn dùng mặt tủ làm bàn thờ hoặc đóng cái giá gác làm lên tường. Cho dù bàn thờ có được thiết kế ra sao thì điều quan trọng nó luôn phải ở vị trí trang trọng, có độ cao thích hợp để khi cúng mọi người tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của mình với Tổ tiên.

Trên bàn thờ có thể có khám, ngai hay đặt bài vị được chạm khá cầu kỳ và sơn thếp cẩn thận. Trước bài vị có một hương án rất cao. Trên hương án này, tại chính giữa là một bát hương để cắm hương khi cúng lễ. Bát hương được chăm nom rất cẩn thận, chu đáo, và không được xê dịch. Đằng sau bát hương là một chiếc kỷ nhỏ, trên kỷ có ba chiếc đài có nắp và trên nắp có núm cầm. Ba đài này đựng ba chén rượu nhỏ lúc cúng lễ. Hàng ngày, đài được đậy nắp để tránh bụi bặm, chỉ mở ra trong những dịp lễ tết, ngày rằm, mùng một. Hai bên bát hương là hai cây đèn (hai ngọn đèn dầu) hoặc hai cây nến (ngày nay tại các đô thị, người ta thắp hai cây đèn điện). Gần hai bên bát hương, ngoài hai cây đèn có khi còn có hai con hạc chầu hai bên. Ở mé ngoài hai cây đèn, gần hai đầu hương án là hai ống hương dùng để đựng hương.


Ngoài các đồ thờ trên, còn có một lọ lộc bình hoặc đôi song bình bày trên bàn thờ để cắm hoa trong những ngày giỗ chạp, ngày Tết. Tấm biển treo cao nằm ngang trên mé trước bàn thờ, trên có những chữ Hán thật lớn, nhiều nhà dùng chữ Nôm (thường là ba, bốn chữ) là hoành phi. Hai bên cột hoặc hai bên tường nhà có treo những câu đối như:

“Tổ công phụ đức thiên niên thịnh

Tử hiếu tôn hiên vạn đại vinh”

Hoặc:

“Phúc sinh phú quý gia đường thịnh

Lộc tiến vinh hoa tử tôn hưng”

Những chữ viết trên hoành phi, câu đối là tỏ lòng tôn kính của con cháu đối với Tổ tiên hoặc để ghi tụng công đức của Tổ tiên. Những nhà khá giả, giàu có thì hoành phi, câu đối được làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng hay sơn đen khảm xà cừ, còn nhà nghèo thì hoành phi thường là những tấm cót đóng nẹp, dán lên những tờ giấy đỏ có viết chữ lớn, đôi liễn hay những tờ giấy hồng có viết những câu đối.


Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, kiến trúc nhà ở nông thôn ít biến đổi, nên kiểu bàn thờ cổ truyền vẫn phát huy tác dụng, song những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại, nội thất hiện đại ở thành phố thì cách bố trí và các đồ thờ cũng có nhiều biến đổi sao cho phù hợp với toàn cảnh ngôi nhà (chiếc hương án cầu kỳ, những bức hoành phi, câu đối không còn phù hợp với nội thất nhiều gia đình).


Bàn thờ là nơi thiêng liêng nên người ta không để các thứ lặt vặt, các vật dụng thường ngày trong sinh hoạt lên bàn thờ mà lúc nào cùng phải giữ bàn thờ và đồ thờ được sạch sẽ, uy nghiêm. Và bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù túng thiếu đến mấy người ta cũng không đem cầm cố hay bán đồ thờ.



Trước mỗi biến cố xảy ra trong gia đình (chẳng hạn như: dựng vợ gả chồng cho con cháu; con cháu chuẩn bị đi thi; làm nhà mới; làm ăn; vợ sinh con; lập được công danh; trong nhà có người đau ốm, có người chuẩn bị đi xa, làm việc lớn...), gia chủ đều khấn vái gia tiên, trước hết là để trình bày sự kiện, sau là để xin sự phù hộ.

Mỗi lần cúng tế, tùy theo các gia chủ nghèo, giàu và tùy những buổi lễ, đồ lễ có thể gồm: rượu, hoa quả, vàng hương, xôi chè, oản, cỗ mặn, có khi thêm đồ hàng mã... và nhất thiết không thể thiếu một chén nước tinh khiết (nước mưa) bởi nước mưa biểu hiện cho sự trong sạch tâm linh trước tổ tiên, thánh thần. Trong những trường hợp cần thiết, đồ lễ có thể chỉ cần một chén nước nước mưa, một nén hương thắp lên bàn thờ là đủ. Bàn thờ khi làm lễ phải có thắp đèn hay thắp nến. Hương trên bàn thờ bao giờ cũng thắp theo số lẻ (một hoặc ba nén...) và các nén hương phải được cắm ngay ngắn. Khi chân hương trong bát hương đã đầy, gia chủ thắp hương xin phép Tổ tiên nhổ chân hương, đem hóa thành tro rồi đổ xuống ao hồ.

Bàn thờ Tổ tiên là điểm hội tụ truyền thống tốt đẹp của gia đình,
gợi lên một chiều sâu tâm linh “cây có gốc, nước có nguồn”, biểu hiện nếp sống văn hóa biết vun trồng gốc để cây đơm hoa đẹp, rồi kết trái ngọt,và từ đó sẽ toả sáng giá trị văn hóa soi cho con cháu bước vào tươnglai.


Theo Vitinfo