Ngày 30/4/1975, khi cả đất nước tưng bừng cờ hoa, mở hội mừng Chiến thắng vĩ đại của dân tộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thì thằng con út của tôi cũng khóc oa oa chào đời.Tiếng khóc của con tôi có vẻ cũng to hơn, vang hơn anh chị nó. Bởi cuộc đời của nó đã gắn cùng trang sử mới của dân tộc. Nó sẽ lớn lên và trưởng thành theo bước tiến của dân tộc, đất nước.

Vợ chồng chúng tôi đã đặt tên cho cháu là Toàn Thắng - Lê Toàn Thắng. Toàn Thắng được uống bầu sữa mẹ ngay giữa bầu trời trong xanh của Tổ quốc, khôngcòn tiếng gầm rú man rợ của máy bay và tiếng nổ chát chúa của bom đạn. Nó được nằm trong chiếc nôi êm của đất trời gió nắng, không còn phải treo trong lán, trong hầm đầy mùi mốc và ẩm ướt. Lớn lên, nó sẽ không còn phải ăn cơm độn sắn, khoai, có lúc phải ăn toàn ngô và mì hạt. Nó đến trường học không còn phải đội mũ rơm, phải ngồi trong lán tranh, bàn ghế xộc xệch, bọc trong vành đất chống bom đạn. Mùa đông lạnh vì ẩm ướt, mùa hè nóng như ngồi trong lò nung. Đêm đêm, nó không còn phải học bài bên ánh đèn hạt đỗ, giấu trong ống nứa để tránh con mắt dòm ngó của máy bay giặc Mỹ... Hoàn toàn nó không biết gì đến chiến tranh, bom đạn, chết chóc, đói nghèo của một thời hy sinh, gian khổ. Nó được ngồi học trong trường cao lộng gió. Được học bài, làm bài dưới ánh điện sáng. Được chơi đùa thỏa thích trên cánh đồng xanh với cánh diều tuổi thơ, cất lên điệu nhạc trong lành giữa chiều hè êm ả. Có chăng, nó chỉ biết cuộc chiến đầy hy sinh anh dũng đó phần nào qua bài học, sách vở và phim ảnh. Ngay trong gia đình cha mẹ, anh chị đã sống và chiến đấu như thế nào, nó đâu hề biết !


Giờ nó đã là kỹ sư nông nghiệp, biết đưa khoa học kỹ thuật về ruộng đồng cho nông dân giành 5-7 tấn thóc/ha. Nhưng trong những ngày còn là học sinh cấp II, cấp III, nó thật là nhiêu khê, đòi hỏi đủ điều. Vợ chồng tôi hết sức lo ngại với hiểm họa là thằng con sẽ hư đốn. Nó đã biết thèm khát đồng tiền, nhưng chẳng biết quý trọng đồng tiền, mồ hôi nước mắt của cha mẹ. Ngoài việc đóng góp cho nhà trường, nó vòi tiền cha mẹ với đủ mọi lý do. Có đồng nào, nó a dua cùng bạn bè, nướng sạch ở các quán hàng. Những hôm nhà trường tổ chức đi tham quan, nhiều lúc nó không chịu đi vì viện lý do trong túi quá ít tiền. Nó xin thêm tiền, nhưng cha mẹ đâu có. Bảo con cố gắng đi theo bè bạn thì nó vùng vằng bảo tụi bạn lắm tiền, cứ bao mãi, mình không có bao chúng thì thẹn lắm, lại bị chúng khinh. Có lúc nó còn đi hát Karaokê đến 11 - 12 giờ đêm mới về. Rồi uống rượu, hút thuốc lá, cà phê ôm... Quần áo thì thay mốt luôn. Nó so sánh, đòi hỏi bố mẹ đến khổ. Nhiều lúc tôi sợ nó hư, đánh đập, quát mắng nó. Đánh nó mà lòng đau quặn thắt. May sao, nó vẫn chưa sa vào nghiện ma túy như một số bạn bè, đã lấy xe cầm, bán, cắp tiền của cha mẹ, bỏ nhà đi.


Những lúc vui, tôi ngồi bên nó tâm sự nhiều về hoàn cảnh gia đình và kể cho nó biết ông nội là lão thành cách mạng đã tham gia biểu tình thời Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930 - 1931). Còn bố cũng là chiến sĩ đã từng đánh trận Điện Biên Phủ rồi vào miền Nam chiến đấu ở chiến trường Thành cổ Quảng Trị. Bom đạn ngút trời, xé nát từng tấc đất. May mà bom đạn còn chừa ra, bố chỉ bị thương vào hông, gãy mấy xương sườn. Động trời, hơi gió, con thấy bố vẫn đau quằn quại, nằm liệt mấy ngày. Còn mẹ là Thanh niên xung phong đã từng san đường, lấp hố bom dưới làn bom đạn địch; đã từng đào bới tìm xác 10 cô gái hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc. Còn anh chị con, cũng đã từng phải ăn đói, mặc rách, đi học thiếu từng trang giấy viết. Nhưng nay cả hai đều tốt nghiệp đại học, đều là cán bộ Nhà nước, là đảng viên làm việc chăm chỉ, có hiệu quả được cấp trên, bạn bè yêu mến. Bố mẹ, anh chị đã sống một thời đẹp như thế! Còn con bây giờ được sống trong khung cảnh hòa bình, có bố mẹ chăm lo, anh, chị phụ thêm, học hành đầy đủ, cuộc sống chẳng thiếu thứ gì. Gia đình ta, nhìn lên chưa bằng ai, nhưng nhìn xuống nhiều người còn thiếu thốn hơn ta. Con hãy suy nghĩ thật kỹ để học hành gắng sức, không để thua kém bạn bè, giữ vững được truyền thống gia đình. Điều đặc biệt và cũng vinh dự lớn cho con là được sinh ra trong ngày Chiến Thắng vĩ đại của dân tộc. Bố mẹ đã đặt tên con là Toàn Thắng. Chắc con đã hiểu được ý nghĩa mà cái tên con mang và hãy xứng đáng với cái tên ấy! Những buổi nói chuyện tâm tình như thế nó đã ngồi lặng lẽ và đăm chiêu, trên vầng trán mịn màng hằn lên những nét suy tư. Từ đó, tôi thấy sự vòi vĩnh, ăn tiêu của nó bớt dần. Học hành cũng chăm chỉ hơn. Tuy vậy sự lôi kéo của bạn bè xấu và tác động xã hội là lớn lắm. Nó chưa bỏ được rượu chè, thuốc lá. Nhiều đêm về nhà miệng còn nồng hơi rượu và điếu thuốc phì phèo trên môi. Tôi rất giận, muốn mắng con. Nhưng nghĩ lại, giáo dục con không thể nóng vội. Hơn nữa nó đâu phải là thằng hư. Học hành vẫn chăm chỉ và là một học sinh khá giỏi. Về nhà nó cũng đã biết giúp bố cuốc đất chăm vườn rau, cây quả. Anh chị nó cũng thường xuyên khuyên bảo, lo sách vở quần áo cho em. Và anh chị đã thực sự nêu được tấm gương sáng cho em về lao động công tác và học tập. Tư tưởng của nó ngày càng chuyển biến, xa rời dần những thói xấu và lớp bạn bè rong chơi, chăm chú vào học tập.


Tôi nghĩ, con tôi cũng như bao bạn trẻ khác, chúng như một cành non phải rất khéo uốn. Chúng phải hiểu được truyền thống anh hùng của quê hương, tổ quốc và của những lớp người đi trước. Bởi truyền thống chính là bậc thang nhịp cầu nhảy cho các thế hệ làm nên sự nghiệp lớn. Ngày 30/4 là ngày mà cả dân tộc đã đắp xây nên bằng xương bằng máu, làm nên tượng đài vinh quang sáng chói trong lịch sử dân tộc. Phải làm cho các cháu hiểu truyền thống đẹp, anh hùng đó là trách nhiệm của từng gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Nhưng vai trò quan trọng là Đoàn thanh niên. Bởi Đoàn hiểu tuổi trẻ và thế hệ mình hơn ai hết. Giáo dục cho thế hệ trẻ có phẩm cách, tâm hồn, đúng như một nhà khoa học đã nói: "Cứu cánh của cuộc đời không phải là hạnh phúc mà là phẩm cách" và "người giàu tâm hồn là người đẹp nhất ". Làm sao để thế hệ trẻ xứng đáng với cha anh, đưa đất nước ngày càng đẹp hơn, giàu có hơn, công bằng, dân chủ và văn minh hơn?!


Từ con tôi, nhân ngày 30/4, tôi xin gửi các bậc cha mẹ những lời tâm huyết!


Nhà báo Minh Nho (Ghi theo lời kể của Đại tá Lê Văn Đại)