(NAO) Đó là lớp học của tri thức trẻ tình nguyện Đoàn KT- QP 4 dạy chữ cho phụ nữ dân tộc Mông đã lập gia đình có độ tuổi từ 20 đến 50. Phần lớn số học viên này chưa được học chữ, hoặc tái mù từ các bản Nậm Khiên, Huồi Nhao xã Nậm Càn... huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) mới xuống định cư ở bản mới Liên Sơn được gần 1 năm...
 

  Người có “duyên” với bản

  Người chúng tôi đến là anh Phạm Hồng Phương, đội trưởng đội tri thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng Quân khu Bốn (KT- QP 4).

Trước đây gần 2 năm Phạm Hồng Phương được giao nhiệm vụ phụ trách đội tri thức trẻ tình nguyện đến các bản làng người Mông thuộc xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn vận động các hộ gia đình xuống định cư ở bản mới Liên Sơn. Sau đó anh được bổ nhiệm làm đội phó Đội xây dựng. Anh đã cùng 12 tri thức trẻ tình nguyện gần 4 tháng cùng bà con chặt cây, san nền, dựng nhà xây bản mới. 
 

762218_small_42830.jpgTri thức trẻ tình nguyện Phạm Hồng Phương đang lên lớp.
Khi 30 hộ dân ở các bản đã dời đến định cư ở bản mới Liên Sơn thì Phạm Hồng Phương lại cùng 7 chiến sĩ tri thức trẻ tình nguyện cắm bản giúp bà con ổn định cuộc sống. Công việc lần này hoàn toàn mới mẻ với những tri thức trẻ tình nguyện, trước đây chủ yếu là vận động bà con di dời đến bản mới và xây dựng nhà, còn lần này cắm bản thì công việc nhiều hơn, mọi người không chỉ hướng dẫn bà con mà phải trực tiếp làm cho bà con thấy mô hình hiệu quả để làm theo. Trước hết, 7 thành viên trong đội được bố trí như một hộ gia đình, cũng trồng cây làm ruộng lúa nước, xuống đồng, lên rẫy cùng với bà con. Gia đình của đội tri thức trẻ do Phạm Hồng Phương phụ trách là một gia đình kiểu mẫu từ cách sắp xếp, xây dựng các công trình vệ sinh và vườn rau dinh dưỡng để đồng bào làm theo. Đội tri thức trẻ tình nguyện đề ra mục tiêu xây dựng bản Liên Sơn thành bản văn hoá kiểu mẫu: thực hiện kế hoạch hoá gia đình, xoá bỏ các hủ tục lạc hậu, mọi người trong bản đều đọc và nói được chữ phổ thông...
 
Ngoài nhiệm vụ cắm bản những đội viên của đội tiếp tục đến các bản làng của xã Nậm Càn, Kỳ Sơn vận động bà con xuống núi và tham gia xây dựng cụm 2 bản mới Liên Sơn.
 
 Chị em người Mông muốn có cái chữ

 Trò chuyện với chúng tôi, đội viên tri thức trẻ tình nguyện Lô Thị Minh cho biết: Ban đầu đội không có kế hoạch mở lớp dạy chữ, các đội viên chỉ làm “gia sư” cho một số em nhỏ tuổi đến trường trong bản. Thế nhưng mấy mẹ, mấy chị trong bản lại đến nhờ chúng em dạy chữ. Lúc đầu chỉ có một vài người, sau một tuần đã có đến 12 người, vì thế mấy anh em mới bàn đến chuyện mở lớp. Nhà văn hoá của bản chưa xong nên anh em trong đội đã đến mượn địa điểm là nhà của ông Và Bá Xềnh A, bản phó bản Liên Sơn.
 
Biết được việc làm có ý nghĩa đó Đảng uỷ, chỉ huy Đoàn KT- QP 4 đã trích ngân sách mua sách giáo khoa, vở tập chép, bút, mực, bảng để cấp phát cho chị em trong bản. Chính quyền xã Nậm Càn đóng bàn, ghế, bảng cung cấp cho lớp học. Tiếp đến, đội tri thức trẻ tình nguyện của Đoàn đã có bước khảo sát tại bản mới, tỉ lệ người mù chữ còn rất lớn chủ yếu là số chị em đã lập gia đình tuổi từ 20 - 50 do trước đây không được đến trường. Các đội viên của đội đã vận động gia đình tạo mọi điều kện cho chị em được đến lớp học chữ. Chỉ sau 1 tháng mở lớp đã có 21 chị em tham gia học tập. Lớp học thường được tổ chức vào ngày thứ 7, chủ nhật, còn những lúc rảnh rỗi mùa rẫy hoặc trời mưa thì các chị, các mẹ lại tập trung đến lớp, yêu cầu các thầy, các cô “tình nguyện” lên lớp.
 
Chị Xồng Y Chữ, lớp phó tâm sự: "Mình đã hơn 50 tuổi nhưng đây là lần đến trường đầu tiên. Hồi trước ở bản cũ chị em không có điều kiện đến trường, lớn lên lấy chồng rồi đi làm nương, làm rẫy, chẳng ai muốn học cái chữ phổ thông. Bây giờ thì khác rồi, không học thì đi chợ cũng ngại, không dám gặp người miền xuôi. Ngày nào bọn mình đến lớp thì chồng, con làm thay, giúp nhau cả nhà biết chữ mà".
 
 Thầy dạy, thầy cũng học...

Một buổi học của lớp.
Lớp học được mở ngoài dự kiến nên để làm thầy, làm cô giáo các đội viên phải tự tìm hiểu về phương pháp giảng dạy, tự soạn bài và tự vẽ các loại tranh minh hoạ,  lại còn phải tự học tiếng người Mông để giảng giải cho các chị, các mẹ dễ hiểu. Một sự vật, mỗi con chữ đưa vào bài giảng đều được hướng dẫn theo cách hiểu của người Mông thì mọi người mới nhớ lâu, nhớ kỹ. Sở dĩ lớp học được bố trí đến 3 người hướng dẫn vì các anh, các chị phải đưa tay, rèn dũa từng nét bút, từng con tính đối với từng người. Đến hôm nay, lớp học đã được gần 7 tháng, chị em đã đọc, viết và làm các phép tính thuần thục.
Các đội viên tri thức trẻ tình nguyện còn hướng dẫn chị, em kiến thức nuôi dạy con cái, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của người phụ nữ trong gia đình và xã hội... Theo kế hoạch lớp học sẽ được tổ chức đến tháng 5 năm 2008, và sau đó các thành viên đội tri thức trẻ tình nguyện tiếp tục triển khai lớp học mới cho chị em ở bản Thẩm Hín xã Nậm Càn, Kỳ Sơn.

   Tuy khác xa về tuổi tác nhưng tình thầy trò rất thân mật, gần gũi, các đội viên đội tri thức trẻ tình nguyện đều được các chị, các mẹ gọi là thầy, là cô. Quà cho các thầy, các cô là mấy củ khoai sọ, quả bí xanh, bông ngô nếp nướng... Đó là sự mộc mạc chân thành, cảm thông sâu sắc, sự biết ơn của các mẹ, các chị ở bản mới Liên Sơn đối với những tri thức trẻ tình nguyện   
                                                    
Ông Quốc Chính