(Baonghean.vn) - Từ một vùng quê nghèo, đời sống người dân chủ yếu dựa vào những lâm sản phụ của rừng, đến nay tập tục phát rừng làm nương rẫy đã được đẩy lùi, sản xuất nông nghiệp của bản Na Ba, xã Châu Hoàn (Quỳ Châu) phát triển khá toàn diện; bộ mặt bản làng đang khoác lên mình một diện mạo mới.
Đồng bào Thái ở bản Na Ba vốn có tập quán chăn nuôi ở ngay dưới nhà sàn, nên không đảm bảo vệ sinh, vì thế bệnh tật thường xuyên xảy ra. Trước thực trạng đó, Chi ủy chi bộ họp bàn phương án tuyên truyền, vận động bà con đưa chuồng trại chăn nuôi ra khỏi nhà sàn và đưa vào hương ước của bản để người dân thực hiện. Để làm gương cho mọi người, Trưởng bản Hà Tiên Phong đã tiên phong, gương mẫu làm chuồng cho gia súc xa nhà sàn, nhờ đó chỉ trong vòng gần 1 năm, nhà nào cũng có khu chuồng, trại chăn nuôi xây dựng biệt lập.
Nhờ đó, chăn nuôi của bản Na Ba phát triển nhanh, đến nay tổng đàn trâu, bò của toàn bản tăng lên 540 con, trung bình mỗi hộ có 6 con trâu, bò. Cùng vói đó, người dân bản Na Ba cũng biết sản xuất thâm canh cây lúa nước, chấm dứt du canh, du cư, hạn chế tình trạng phát rừng làm rẫy. Từ chỗ ruộng chỉ làm một vụ, nay mỗi năm người dân bản Na Ba gieo cấy 2 vụ giống mới chắc ăn, năng suất trung bình đạt 5 tấn/ha.
Điển hình có bà Quang Thị Châu, một người được dân trong bản tôn vinh là "con người mới". Sau khi có chủ trương của chi bộ, bà Châu đã mạnh dạn khai hoang phục hóa gần 5 ha đất ruộng để trồng lúa nước và các loại hoa màu ngắn ngày, mỗi năm cho thu hoạch gần 3 tấn lúa. Cùng với đó bà còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm; ngăn dòng nước để nuôi cá ở khe suối vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình, vừa có thêm thu nhập. Sau 15 năm làm kinh tế trang trại, hiện nay gia đình bà có 9 con trâu và 27 con bò. Nhờ đó, bà đã xây dựng được cơ ngơi khang trang và đầu tư cho con cái học hành, hiện các con bà đều đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng và đã có việc làm ổn định.
Không chỉ có bà Châu mà hiện nay ở bản Na Ba có nhiều gia đình đã có cuộc sống no đủ, từ đó họ đã đầu tư cho con cái học hành. Toàn bản bản Na Ba đã có trên 20 người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và có việc làm ổn định. Hiện có 7 em đang học đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, 10 em đang học trung học phổ thông - dân tộc nội trú huyện, không có hiện tượng học sinh bỏ học như trước đây.
Tiêu biểu có gia đình bà Vi Thị Chân cả 4 người con của bà đều tốt nghiệp đại, cao đẳng và đã có việc làm. Năm 2001 cô con gái đầu lòng của bà đậu vào trường Cao đẳng Sư phạm đó không chỉ là niềm vui của gia đình bà mà đó còn là một sự kiện lớn của bản, là động lực cho nhiều hộ dân trong bản quan tâm đến việc học của con em mình. Noi gương chị, các con bà lần lượt đậu các trường đại học lớn trong nước và đã tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định.
Để đạt được những thành quả đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của ban cán sự bản, cụ thể, hàng tháng ban cán sự bản tổ chức sinh hoạt định kỳ, cùng nhau bàn bạc cách làm kinh tế mới, để hướng dẫn bà con làm theo. Việc vận dụng sáng tạo quy ước, hương ước thôn bản và nghị quyết chi bộ trong xây dựng và phát triển kinh tế, đã góp phần ổn định kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Từ một làng quê nghèo dân cư thưa thớt chỉ có hơn 8 hộ, đến nay, bản Na Ba đã có 90 hộ với 450 nhân khẩu. Với tổng diện tích tự nhiên 175 ha, trong đó đất trồng lúa nước chỉ có 9,2 ha. Mặc dù diện tích đất canh tác ít, nhưng nhờ sử dụng các loại giống mới và áp dụng đúng kỹ thuật trong sản xuất như: gieo trồng đúng thời vụ, cách chăm bón và phòng trừ sâu bệnh nên năng suất bình quân đạt 50 tạ/ha. Hiện nay Na Ba có 83 hộ có nhà lợp ngói khang trang, 100% hộ có xe máy và có điện lưới quốc gia hoặc thắp sáng bằng nguồn thuỷ điện nhỏ.
Lê Hoàn
Đài Quỳ Châu