(Baonghean) - Trước trạng thanh, thiếu niên ở vùng nông thôn, miền núi vi phạm pháp luật, tổ chức Đoàn thanh niên đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhằm kịp thời định hướng lối sống đúng đắn cho thế hệ trẻ.
Thực trạng buồn?
Ở nhiều huyện biên giới của Nghệ An, tảo hôn và hôn nhân cận huyết là vấn nạn xảy ra rất phổ biến. Những đứa trẻ được dựng vợ gả chồng rồi trở thành bố mẹ trẻ con khi chỉ mới 12, 13 tuổi. Chính điều này đã đánh mất cơ hội học hành của các em tuổi vị thành niên, nhất là em gái khi phải làm vợ, làm mẹ quá sớm. Cuộc sống của các em bởi thế mà chỉ quanh quẩn trong đói, nghèo; đối mặt với nguy cơ về sức khỏe sinh sản và nòi giống còi cọc.
Không chỉ ở vùng rẻo cao mà những địa bàn khác, tình trạng này cũng không phải hiếm gặp. Gần đây nhất là vào ngày 20/6/2016, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội xuất hiện clip và hình ảnh ghi lại đám cưới của cặp đôi "nhí" L.T. - P.T. (sinh năm 2000) ở huyện miền núi Quỳ Hợp khiến cộng đồng mạng xôn xao khi cả 2 mới chỉ 16 tuổi.
Đáng buồn hơn là hàng loạt những tệ nạn xã hội xảy ra liên quan đến nhiều đối tượng vị thành niên ở khu vực nông thôn và miền núi. Chỉ riêng tại xã Mường Nọc thuộc huyện biên giới Quế Phong, tổng số người bị nhiễm HIV là 269 người, tổng số người nghiện, nghi nghiện và đang ở trong tù là 124 người (theo số liệu thống kê đầu năm 2016).
Chị Lô Thị Hồng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Mường Nọc cho biết: “Ngoài các đối tượng nghiện và nhiễm HIV trên địa bàn (chủ yếu ở độ tuổi thanh, thiếu niên). Một thực trạng đáng quan tâm hiện nay là do lười lao động, sản xuất, một số thanh niên bỏ địa phương đi làm ăn xa không rõ địa chỉ; trong đó có một số chị em (độ tuổi từ 15 - 25 tuổi) đi khỏi địa phương và có biểu hiện hoạt động môi giới mại dâm và đưa một số người đi sang Trung Quốc, Thái Lan, Lào...”.
Phát huy vai trò của tổ chức Đoàn thanh niên
Để giúp đoàn viên thanh niên, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa nâng cao hiểu biết, kiến thức pháp luật, Tỉnh Đoàn Nghệ An đã chỉ đạo các cơ sở đoàn tiếp tục khai thác các nguồn lực, đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời đa dạng hóa hình thức tuyên truyền.
Nổi bật là việc triển khai hoạt động theo các mô hình: truyền thông lưu động, thành lập các nhóm “Bạn giúp bạn”, câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật”, đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” trên địa bàn dân cư... Nội dung hoạt động tập trung vào việc phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về trật tự an toàn giao thông, pháp luật về phòng, chống ma túy, phòng, chống tội phạm, tuyên truyền tư vấn, giáo dục giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, và tệ nạn xã hội... góp phần nâng cao nhận thức, ý thức sống đẹp, sống lành mạnh cho thanh thiếu niên.
Hoạt động của các đội truyền thông được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa, tương tác trực tiếp giữa đội truyền thông và khán giả, tổ chức chiếu phim và tuyên truyền luật bằng hình ảnh, video clip tại nhà văn hóa khối, xóm, các trường học... nhờ đó, hiệu quả truyền thông được nâng cao.
Bên cạnh đó, với việc duy trì chế độ sinh hoạt hành tuần, hàng tháng, các câu lạc bộ “Thanh niên với pháp luật” là nơi giúp thanh, thiếu niên có cơ hội được trao đổi, cung cấp thông tin về những quy định của pháp luật trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến việc học tập, lao động, sinh hoạt của đoàn viên thanh niên.
Đồng chí Nguyễn Đình Hà - Bí thư Huyện đoàn Anh Sơn cho biết: “Tuy không phải là điểm nóng về tệ nạn xã hội, nhưng Huyện đoàn Anh Sơn rất chú trọng đến công tác giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên. Hiện nay, trên toàn địa bàn huyện duy trì hoạt động thường xuyên của 2 câu lạc bộ “Thanh niên phòng, chống ma túy, HIV/AIDS” và 21 Đội “Thanh niên xung kích an ninh” để tuyên truyền phòng, chống ma túy nói riêng, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội nói chung. Nhờ đó, mỗi năm có hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên được tiếp xúc vận động và cam kết không vi phạm các quy định của pháp luật”.
Riêng tại huyện biên giới Kỳ Sơn, mô hình CLB “Thanh niên xung kích giữ yên biên giới” của đoàn viên thanh niên huyện Kỳ Sơn được duy trì hiệu quả. Từ năm 2013 đến nay, các CLB, tổ, đội, nhóm đã tổ chức được 120 đợt tuyên truyền với sự tham gia của khoảng 10.850 lượt đoàn viên thanh niên và quần chúng nhân dân, qua các đợt tuyên truyền đã có hơn 6.138 lượt người ký cam kết không vi phạm pháp luật.
Đồng chí Chu Quang Huy - Phó Bí thư Huyện đoàn Kỳ Sơn cho rằng: “Với đặc thù địa bàn hầu hết là thanh niên dân tộc thiểu số, những hành vi vi phạm pháp luật như tảo hôn, buôn bán ma túy, vượt biên trái phép,... diễn ra khá phổ biến. Do vậy việc thành lập các CLB pháp luật của chính đoàn viên thanh niên làm chủ, không chỉ nhắc nhở họ ý thức tuân thủ pháp luật mà còn tạo sức lan tỏa đến người thân, bạn bè và cộng đồng”.
Nói về công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật và định hướng kỹ năng sống cho thanh niên nông thôn, miền núi, đồng chí Trần Thị Thúy - Trưởng phòng Tuyên truyền Phổ biến pháp luật (Sở Tư pháp) cho biết: “Do tính chất vùng miền và khả năng tiếp cận luật pháp của thanh niên ở khu vực nông thôn, miền núi còn một số hạn chế nên đây là đối tượng mà các cơ quan, ban ngành đặc biệt chú trọng tuyên truyền phổ biến pháp luật.
Sở Tư pháp đã xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật; biên soạn, phát hành các tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đối tượng này; tích cực phối hợp với các tổ chức khác, đặc biệt là đoàn thanh niên để đạt hiệu quả tuyên truyền cao nhất”.
Phương Thảo