(Baonghean) - Trình độ dân trí thấp, nhận thức hạn chế, dễ bị lôi kéo, rủ rê đang vô tình khiến một số người dân ở các huyện miền núi trở thành “miếng mồi” cho kẻ xấu lợi dụng đưa đi lao động trái phép ở nước ngoài, tham gia vào các đường dây vận chuyển ma túy hay vô tình bị lôi kéo vào động quỷ, bán thân nơi xứ người...
 
 
Yên Hòa (Tương Dương) giờ đây không còn xa xôi cách trở như 5, 10 năm về trước nữa, mà nay đường nhựa đã vào đến tận trung tâm xã. Thế nhưng về Yên Hòa lần này, chuyện vui không được nghe nhiều, nhất là khi chúng tôi biết được Yên Hòa đang có khoảng 300 người đi làm việc ở nước ngoài theo kiểu đi “chui”.  Đây cũng là điều khiến  bà con và chính quyền xã  thấp thỏm, băn khoăn bởi “nhiều người nói là đi làm việc ở Trung  Quốc, Lào, Thái Lan  nhưng thực chất người nhà cũng không biết đi đâu, làm gì”.  Chỉ vì cái lợi trước mắt có người đã bỏ cả chồng, con, bỏ trường lớp và thậm chí đánh đổi cả gia đình, quê hương để theo con đường trái phép sang làm việc tại nước ngoài. Cũng có người, vì sa cơ lỡ vận, trở thành “con mồi” cho bọn buôn người, nay lưu lạc không biết ở đâu… 
 
Anh Lương Xuân Bá, công an viên bản Xốp Chạng, bản có số người đi làm việc trái phép ở Trung Quốc đông nhất xã, dặn: Vào trong đó nhớ hỏi cho “khéo” chứ bà con ở đây kín tiếng lắm. Với lại, họ sợ ảnh hưởng đến người đưa mình đi… Nhờ lời “dặn” trước đó nên khi vào gia đình em Lô Văn My, chúng tôi đã không còn bất ngờ trước lối trả lời úp úp, mở mở , luôn đề phòng cảnh giác của mọi người. Tại đây không chỉ có My, chúng tôi còn gặp hai người khác cũng vừa đi Trung Quốc về là Lô Văn Xin và Lô Văn Kèo đều sinh năm 1991, chưa ai học qua lớp 6. Thất học, không có việc làm cũng là lý do khiến cả 3 em nghe theo lời giới thiệu của Vi Văn Nắm (SN 1984),  người cùng bản đưa sang Trung Quốc làm việc. Sang chưa được 4 tháng thì mọi người đã kéo nhau về. Không ai nói thật lý do vì sao, nhưng qua anh Lương Xuân Bá, chúng tôi biết rằng: Khi mới sang Nắm hứa là sẽ đưa vào công ty làm công nhân với lương từ 6 – 7 triệu đồng/tháng. Nhưng sang đến nơi mới biết công việc quá vất vả, ngày làm từ 10 – 12 tiếng nhưng lương phập phù. Không chịu được cảnh vất vả mọi người bỏ về…”.
 
image_4160883.jpg3 thanh niên bản Xốp Chạng trở về sau 4 tháng làm việc “chui” ở Trung Quốc.
 
Mỗi chuyến đi, theo lời kể của Lô Văn My mất khoảng từ 10 – 12 triệu đồng, xe ô tô sẽ đón từ huyện rồi chở thẳng sang Cửa khẩu Móng Cái để vào Trung Quốc. Chi phí cho chuyến đi sẽ trả dần vào 2 tháng lương đầu tiên. 4 tháng làm việc, tổng số tiền mà My và các anh em trong bản làm được chỉ đủ chi phí đi về, dư ra một ít thì dành  để nhuộm tóc, đeo khuyên và mua thêm một chiếc điện thoại về “khoe” với và con trong xã.  4 tháng xa nhà,  My và các bạn cũng không nói giọng của người trong bản nữa mà chuyển sang nói giọng Bắc… Có vẻ như, tất cả bắt nhịp rất nhanh với cuộc sống ở nước ngoài.
 
Quản lý địa bàn xã Yên Hòa đã 30 năm, chứng kiến những chuyến đi về đầy bất an của người dân trong xã, anh Thái Văn Dũng, Trưởng công an xã nói rằng: Tôi thấy lo khi thấy người dân trong bản tiếp cận nhanh với lối sống mới, trong đó tốt thì không thấy bao nhiêu mà thói hư tật xấu thì nhiều. Thế nhưng,  chính những hào nhoáng bên ngoài đó lại dễ thu hút bà con, là thứ để kẻ xấu lợi dụng, tạo ra niềm tin “ảo” cho  mọi người. Còn người dân trong bản thì đơn giản cứ nghĩ đi làm ăn xa mới có tiền mua sắm áo quần đẹp, có tiền để nhuộm tóc, mua điện thoại đời mới mà không hiểu được sang bên bên kia cửa khẩu làm gì, đi có hợp pháp hay không. Cũng không hiếm người vì ảo vọng bỏ cả chồng, con để đi, rồi can tâm ở bên ấy làm vợ, sinh con cho người khác, để lại các con côi cút ở quê nhà. Như tình cảnh của hai cháu Lữ Thị Ngọc Thúy và Lữ Văn Tường, dù còn nhỏ tuổi nhưng phải sống côi cút với ông bà vì bố đi tù, mẹ lấy chồng Trung Quốc. Cô bé Lô Thị Kháy, 13 tuổi bỏ học sang Trung Quốc làm ăn. Mẹ ruột của em trước đó cũng bỏ bố con em đi đã lâu mà chưa thấy quay về, bố em đành phải lấy vợ khác… Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, chị Lương Thị Dậu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Yên Hòa, cho biết: Qua khảo sát, toàn xã có khoảng 300 người đang đi làm ăn xa, trong đó nhiều nhất là đi sang Trung Quốc, Lào và phần nhiều là phụ nữ. Bà con chủ yếu đi theo con đường tự do nên rất khó khăn trong việc quản lý hộ khẩu, hộ tịch. Trưởng công an xã Thái Văn Dũng nói thêm: Người đi gây bất lợi trong quản lý, người về mang theo con, mang theo chồng từ Trung Quốc về còn phức tạp hơn. Chúng tôi chỉ biết hỏi họ hộ chiếu, còn họ sang có mục đích gì khác thì không thể nắm bắt được.
 
2 cháu Lữ Thị Ngọc Thúy và Lữ Văn Tường, bản Xốp Chạng (Tương Dương) phải sống côi cút.
 
Hiện có trên 700 người lao động ở Tương Dương đang đi làm việc tự do ở nước ngoài và “làn sóng” đó hiện  đã lan xuống các xã  thuộc khu tái định cư Thanh Chương, đặc biệt là ở 2 xã Thanh Sơn, Hạnh Lâm.
 
Số người đi ngày một đông cũng là điều khiến cho ông Lô Thanh Phùng - Phó trưởng Công an xã Thanh Sơn băn khoăn. Nhưng ông cũng không biết phải làm thế nào, cách duy nhất mà ông có thể cố gắng được lúc này là theo dõi kỹ càng thời gian đi, tên tuổi, hoàn cảnh của mỗi gia đình phòng trường hợp có thông tin từ tỉnh, huyện để kịp thời báo lại. Với hình thức đi chui, không báo qua cơ quan chức năng, một số người đã đi nhiều năm nhưng nay vẫn chưa liên lạc về, ông Phùng nhận định: Tất cả những trường hợp này đều là đưa lao động đi làm ăn trái phép. Thậm chí đây có thể xem là buôn bán người. Nhưng cái khó của cơ quan chức năng là trong quyền hạn của mình họ không giam giữ được và nếu có bắt được, đưa về thì họ cũng bảo là tự nguyện đi, nhất định không khai báo kẻ môi giới… Chúng tôi tiếp xúc với chị N (bản Tân Hòa), chị mang theo một nỗi khổ riêng. Bởi người rủ rê chị đi rồi bán cho động quỷ ở nước ngoài lại chính là chị gái mình. N kể với chúng tôi qua nước mắt: 2 năm lưu lạc ở xứ người N bị bán cho 3 chủ chứa. Lần cuối cùng đang đi khách gần với khu vực cửa khẩu thì bị công an Trung Quốc bắt giam, nhốt tại trại bảo trợ xã hội 6 tháng… Giờ trở về N cũng không muốn nhắc lại quãng thời gian đã qua bởi “những năm em đi, chồng và gia đình vẫn nghĩ em đi làm công nhân ở nước ngoài. Nay em chỉ mong được yên ổn với chồng con.  Ở quê, có đói, có nghèo cũng hơn làm nô dịch ở xứ người chị ạ”.
 
Một vấn đề nữa khiến các ngành chức năng và ban, ngành, đoàn thể phải đau đầu là tình trạng di, dịch cư trái phép.  Ở huyện Kỳ Sơn, 6 tháng đầu năm 2014 có hơn 80 hộ di cư sang Lào, chủ yếu là người Mông cư ngụ tại các xã biên giới như Na Ngoi, Nậm Càn, Tây Sơn, Nậm Cắn, Đoọc Mạy, Huồi Tụ… điều này không chỉ gây khó khăn trong quản lý nhân, hộ khẩu, gây xáo trộn trong  các bản, làng mà người di, dịch cư trở về còn kéo theo các tệ nạn xã hội.
 
Chuyện người dân vì đói nghèo, vì thiếu hiểu biết, bị lợi dụng làm những việc vi phạm pháp luật không còn là chuyện hiếm ở những huyện vùng cao. Nhưng thực trạng này vẫn tiếp tục kéo dài đặt ra cho các cơ quan quản lý nhiều câu hỏi, nhất là trong việc nâng cao dân trí, tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Quế Phong, một điểm nóng về buôn bán ma túy là một ví dụ. Trung bình mỗi năm công an huyện khởi tố điều tra trên 100 vụ án với khoảng 150 đối tượng, trong đó nổi lên vẫn là các vụ án liên quan đến ma túy. Điều đáng chú ý, theo Thượng tá Lương Văn Châu, Phó trưởng Công an huyện, trong số những đối tượng vi phạm thì đối tượng bị rủ rê, mua chuộc khá nhiều. Phức tạp nhất vẫn là địa bàn 2 xã  Tri Lễ và Thông Thụ, bởi ở đây người Mông chiếm đa số,  trình độ dân trí thấp, vẫn đang còn tình trạng du canh, du cư. Đây chính là kẽ hở để các đối tượng xấu lôi kéo trồng cây thuốc phiện, vận chuyển ma túy hay di, dịch cư trái phép. Trường hợp của Lượng Văn Luận (SN 1973, ở bản Na Lịt, xã Tri Lễ) mới bị bắt  gần đây khi đang vận chuyện ma túy từ Quế Phong cho một đối tượng khác ở Diễn Châu là một điều dễ thấy. Trong lời khai của Luận khi bị bắt, Luận thừa nhận vì ít được học hành, hiểu biết ít lại ở xa trung tâm nên đã bị các đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Khi đã dính vào ma túy, chỉ một ít tiền lẻ hoặc một vài xái thuốc Luận đã trở thành tay sai để chúng dùng vào việc trao đổi, vận chuyển ma túy. Chuyên án 331 LV, 332 LV do Bộ đội Biên phòng Nghệ An phối hợp với Công an huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) mới phá án thành công đầu tháng 5 này cũng đã cho thấy phần nào  sự phức tạp của loại tội phạm ma túy ở địa bàn biên giới. Đường dây ma túy này đã hoạt động trong nhiều năm và chủ yếu do các đối tượng người Mông (Lào) cầm đầu. Chúng thông qua mối quan hệ thân tộc, dòng họ liên hệ với một số đối tượng người Mông tại Việt Nam để mang một lượng ma túy lớn qua biên giới vào nước ta với thủ đoạn hết sức tinh vi, có tổ chức chặt chẽ, độ "bảo mật" cao. Cả hai vụ phục kích này, đội điều tra về ma túy của Việt Nam và Lào đã thu giữ 34 bánh heroin (12,3kg), 2.170 viên ma túy tổng hợp, 1 khẩu CKC có 20 viên đạn, 1 khẩu súng kíp, 1 ô tô, hơn 167 triệu đồng, 550 USD và nhiều tang vật khác có liên quan đến vụ án. 
 
Ma túy, buôn bán người trái phép, di dịch cư tự do, đi lao động chui và gần đây có thêm truyền đạo trái phép là một thực trạng vẫn đang diễn ra khiến nhiều bản, làng thuộc các huyện miền núi phía Tây Nghệ An không còn bình yên. Điều đó cũng cho thấy, việc tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu là hết sức cần thiết…
(Còn nữa)
 
Khánh Ly - Mỹ Hà