(Baonghean) - Thời gian gần đây có một số đối tượng thường đi đến các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp giới thiệu mình là người của các trung tâm, tổ chức nhân đạo để bán hàng từ thiện. Không ít người đã lợi dụng danh nghĩa làm từ thiện để kiếm lợi cho cá nhân mình.
Mới đây, Trung tâm Dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật (có địa chỉ trên giấy giới thiệu là 46 Lê Bá Giác, phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) có nhiệm vụ chính là “Dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật” nhưng đã giới thiệu nhiều người đi bán hàng trên các địa phương, trong đó có địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo giấy giới thiệu của Trung tâm: “Để hỗ trợ và giúp đỡ các cháu về việc tiêu thụ sản phẩm, trung tâm đề nghị các cơ quan, đoàn thể, các đơn vị LLVT, các cá nhân có lòng hảo tâm yêu trẻ mua giúp các sản phẩm của các cháu làm ra”, những người cầm theo tờ giấy giới thiệu này cùng với thẻ do trung tâm cấp, đã đến các cơ quan, đoàn thể tỉnh Nghệ An bán hàng.
Đã có nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Nghệ An với mục đích làm từ thiện mua từ 2-3 hộp bút với số tiền 600-900 ngàn đồng, hy vọng “tạo thêm nguồn kinh phí cho trung tâm giúp đỡ các cháu với những khó khăn trong sinh hoạt, yên tâm học tập, cùng xã hội đảm bảo quyền được sống, được vui chơi và học tập của trẻ em theo thông lệ quốc tế về quyền trẻ em”, như tờ giấy kêu gọi của trung tâm này. Điều đáng nói là những mặt hàng được đem bán ở đây không phải là sản phẩm do trẻ mồ côi hay người khuyết tật sản xuất như lời giới thiệu, mà là những hộp bút bi có xuất xứ từ Trung Quốc, trị giá của hộp bút chưa đầy 100 ngàn đồng nhưng được bán với giá 300 ngàn đồng!
Băn khoăn vì số hàng được bán không phải do các em mồ côi hay người khuyết tật tự tay sản xuất ra và ai là người đứng ra kiểm soát việc bán hàng này, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với người xưng danh là Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa), bà Hiền cho biết: Hiện trung tâm đang hợp đồng với 12 cộng tác viên đi bán hàng như kiểu này, số lượng người này được hợp đồng theo thời vụ. Số bút được các cộng tác viên đem đi bán là hàng “chuyển đổi” sản phẩm của trung tâm. Theo bà Hiền lý giải thì trung tâm sản xuất ra một số mặt hàng rồi đổi lấy bút cho một trung tâm ở Sài Gòn sản xuất để đem về bán(!?). Khi được hỏi làm sao để quản lý được các cộng tác viên này thì bà Hiền cho biết khi xuất hàng, chúng tôi thu trước 90% số tiền trị giá của mặt hàng xuất ra, còn lại 10% để cho cộng tác viên làm chi phí. Còn việc họ có lấy hàng ở bên ngoài vào bán hay không là tùy tâm!
Như vậy, bất cứ ai cũng có thể được Trung tâm Dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật (phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa) cấp giấy giới thiệu và thẻ để đến các cơ quan đơn vị bán hàng từ thiện. Số hàng được bán ra với giá “cắt cổ” nhưng được mệnh danh là “làm từ thiện” cũng không được ai kiểm soát! Tại sao Trung tâm Dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật (phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa), với nhiệm vụ là “Dạy nghề và tạo việc làm cho trẻ mồ côi và người khuyết tật” lại hợp đồng rất nhiều cộng tác viên, cấp thẻ và giấy giới thiệu cho họ đi ngoại tỉnh, bán mặt hàng không phải do trung tâm mình sản xuất? Hay có kẻ đã mạo danh trung tâm này để bán hàng trục lợi?
Đức Dũng