Ngày 25/8, UBND TP.Vinh đã có Phương án số 194/PA-UBND về cung ứng thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn thành phố Vinh.
Theo đó, hàng hóa trên địa bàn thành phố dồi dào, đảm bảo đủ cung ứng nhu cầu cho người dân, tuy nhiên, do quy định người dân tuyệt đối không được ra khỏi nhà để mua hàng hóa, hoạt động giao nhận hàng (shipper) bị dừng hoạt động, hàng hóa một số nơi chưa luân chuyển được do vấn đề lưu thông. Do đó, TP. Vinh đã có phương án cung ứng đầy đủ, đảm bảo chất lượng hàng hóa thiết yếu đến tận nhà cho người dân.  
bna_hang_hoa3191848_2582021.jpgCác thực phẩm, hàng thiết yếu được phân phối về địa bàn các phường, xã. Ảnh: Q.A

Các nhiệm vụ triển khai thực hiện bao gồm: 

1. Liên kết với các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu, gồm:
- Ưu tiên phát huy khả năng cung ứng của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng thực phẩm hiện có trên địa bàn thành phố, do những đơn vị này đã có cam kết đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn với Sở Công Thương và UBND thành phố Vinh. Trong đó, có dự kiến đơn vị cung ứng theo địa bàn cụ thể tương ứng với lượng hàng hóa dự kiến tiêu thụ của từng địa bàn, như: 
- Các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chuỗi các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm, vật tư, thiết bị y tế, các cơ sở cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn thành phố;   
- Các đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu lấy từ nguồn sản xuất (rau, củ, quả, thịt, cá,...).
- Đối với các đơn vị cung ứng gas trên địa bàn thành phố: Được hoạt động, tuy nhiên phải đáp ứng các yêu cầu sau:
+ Cửa hàng đóng trên địa bàn phường, xã nào chỉ được bán trên địa bàn phường, xã đó. 
+ Việc vận chuyển phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch do UBND thành phố quy định và chủ cửa hàng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.
+ Giao UBND các phường, xã chịu trách nhiệm quản lý chặt chẽ việc vận chuyển đối với các đơn vị cung ứng gas trên địa bàn. 
Phương án của UBND TP.Vinh. Ảnh: P.V
- Ngoài ra, trong trường hợp thiếu hụt nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu do các đơn vị trên không đủ theo nhu cầu đăng ký của người dân, UBND thành phố sẽ tiếp tục tìm kiếm liên kết với các đơn vị cung ứng từ ngoài địa bàn thành phố. Đối với đơn vị cung ứng từ ngoài thành phố yêu cầu phải có phương án và cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, đồng thời có cam kết về giá cả hàng hóa không được cao hơn giá bán sản phẩm cùng loại tại các siêu thị và chuỗi cửa hàng thực phẩm trên địa bàn thành phố cùng thời điểm. 
- Đề nghị Sở Công Thương phối hợp, kết nối với các nhà cung ứng đảm bảo cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho thành phố Vinh khi cần thiết. 
Lãnh đạo Sở Công Thương kiểm tra hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh: Q.A

2. Dự kiến lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu trên địa bàn thành phố Vinh khoảng 95 tấn. Cụ thể:

- Rau, củ, quả các loại: 55 tấn/ngày.

- Thịt, cá các loại: 17 tấn/ngày. 

- Hàng khô các loại: 13 tấn/ ngày. 
- Các hàng vật tư y tế và hàng hóa thiết yếu khác: Khoảng 10 tấn/ngày. 
3. Công tác tổ chức cung ứng 
3.1. Phòng Kinh tế thành phố:  
Phối hợp Ủy ban MTTQ thành phố và các tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội thành phố tổ chức liên hệ và liên kết với các đơn vị cung ứng hàng hóa để cung cấp hàng hóa thiết yếu cho nhân dân trên địa bàn. 
3.2. UBND các phường, xã:  
-  Thành lập Ban Tiếp nhận thông tin nhu cầu, lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn với số lượng 5 - 7 thành viên do đồng chí Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường, xã làm trưởng ban, đồng chí đại diện UBND phường, xã, đại diện các tổ chức chính trị, xã hội làm thành viên. 
+ Nhiệm vụ Ban Tiếp nhận: Phân công các thành viên phụ trách các tổ, khối, xóm; hỗ trợ khâu nối, tổng hợp với các đơn vị cung ứng lương thực, thực phẩm để đặt hàng, chuyển hàng về đúng địa điểm, đủ khối lượng và chủng loại. 
-  Chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận khối, xóm thành lập Tổ Tiếp nhận thông tin, hỗ trợ cung ứng lương thực, thực phẩm của các hộ dân trên địa bàn. Số lượng tổ viên có từ 5 -12 người; do đồng chí Trưởng ban Công tác Mặt trận khối, xóm làm tổ trưởng, các tổ viên là thành viên Ban Công tác Mặt trận và tổ trưởng các tổ dân cư (lấy lực lượng Đoàn Thanh niên, hội viên Hội Phụ nữ các khối, xóm làm nòng cốt, trường hợp cần thiết có thể trao đổi với cấp ủy mời các thành phần khác có uy tín, tích cực tham gia).  
+ Nhiệm vụ Tổ Tiếp nhận: Các tổ viên của Tổ Tiếp nhận thông tin, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của khối, xóm chịu trách nhiệm điều phối lực lượng hàng ngày, tham gia phát phiếu, tiếp nhận phiếu và tiền đăng ký mua lương thực, thực phẩm của nhân dân, tổng hợp số lượng và chủng loại để chuyển cho đơn vị cung ứng; nhận hàng, thanh toán và giao hàng cho các hộ dân theo đơn hàng đã đăng ký. Danh sách, số điện thoại liên hệ của các thành viên Tổ Công tác, Tổ Tiếp nhận thông tin được công khai trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo... và hệ thống truyền thanh của phường, xã và khối, xóm. 
4. Cách thức thực hiện 
- Các hộ dân có nhu cầu mua nhu yếu phẩm liên hệ qua điện thoại cho Tổ trưởng tổ dân cư. 
- Tổ trưởng tổ dân cư phát phiếu đăng ký mua lương thực, thực phẩm cho các hộ dân có nhu cầu (có mẫu gửi kèm theo). 
- Chậm nhất 9 giờ hàng ngày, Tổ trưởng tổ dân cư nhận phiếu đăng ký và tiền mua lương thực, thực phẩm của các hộ dân. 
- Tổ trưởng tổ dân cư tổng hợp số lượng, số tiền chuyển về Tổ Tiếp nhận thông tin, hỗ trợ cung ứng của khối, xóm (lưu ý: Phiếu đăng ký tổ giữ lại để dùng đối soát khi phân bổ hàng cho các hộ dân). 
- Chậm nhất 10 giờ trong ngày chuyển cho đơn vị cung ứng (hoặc Ban Tiếp nhận thông tin của phường, xã). 
- Đơn vị cung ứng phối hợp với Tổ tiếp nhận thông tin khối, xóm (hoặc Ban Tiếp nhận thông tin của phường, xã) chuyển lương thực, thực phẩm đến tận khối, xóm (địa điểm do các bên thống nhất). 
- Tổ Tiếp nhận thông tin, hỗ trợ khối, xóm phân bổ theo đăng ký của các hộ dân.
5. Thời gian thực hiện: Bắt đầu từ 14h ngày 25/8/2021 cho đến khi có thông báo mới về giãn cách xã hội của tỉnh Nghệ An. 
6. Cách thức đóng hàng   
6.1. Đối với các siêu thị, cửa hàng bán lẻ, chuỗi các cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm: Hàng được đóng theo quy cách của đơn vị cung cấp. 
6.2. Đối với đơn vị cung ứng hàng hóa thiết yếu lấy từ nguồn sản xuất:   
- Hàng đóng theo 01 tiêu chuẩn trọng lượng và 01 đơn giá cho 01 loại mặt hàng. 
- Hàng được đóng gói, buộc bó theo trọng lượng cố định vừa phải phù hợp cho 1 hộ gia đình mua nhiều loại và đủ dùng trong 3-5 ngày, người mua phải mua theo bó, gói có sẵn, không tháo, không tách nhỏ đảm bảo nhanh, gọn. 
* Đối với các mặt hàng thịt, cá: Được đóng gói sẵn và ghi trọng lượng, số tiền sẵn bên ngoài bao bì.
"Đội shipper áo xanh" nhận thực phẩm để chuẩn bị đi gửi cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Tiến Đông
7. Công tác hỗ trợ vận chuyển 
- Các đơn vị cung ứng đến các khối, xóm phải thực hiện di chuyển bằng phương tiện ô tô, việc lưu thông phương tiện và con người phải đảm bảo thực hiện công tác phòng dịch và theo quy định của Kế hoạch 189/KH-UBND ngày 22/8/2021; Kêu gọi các doanh nghiệp sử dụng xe ô tô bán tải nhỏ để hỗ trợ vận chuyển miễn phí hàng hóa thiết yếu cho UBND các phường, xã và các đơn vị cung ứng.
Các doanh nghiệp, đơn vị đăng ký danh sách phương tiện vận chuyển (bao gồm: Biển số xe, họ tên lái xe và phụ xe) để thành phố cấp Giấy xác nhận đi đường, tạo điều kiện trong quá trình lưu thông.
- Trường hợp nhà cung ứng không có phương tiện thì có thể thuê xe ô tô của các đơn vị vận tải được Sở Giao thông Vận tải chấp thuận tại Văn bản số 2936/SGTVT-VT ngày 23/8/2021.
8. Đề xuất Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An
- Tiếp tục mở các "gian hàng 0 đồng" để phục vụ nhu cầu của nhân dân (như đã làm ở các phường: Vinh Tân, Hồng Sơn và Hưng Bình).
- Hỗ trợ lực lượng cho thành phố Vinh để đảm bảo hàng hóa thiết yếu và công tác phân phối, vận chuyển hàng hóa (khi cần thiết).