(Baonghean) - Bắt đầu trồng ở xã Tri Lễ từ năm 2010, đến nay huyện Quế Phong có 150 ha chanh leo và chứng minh được hiệu quả kinh tế khi cho thu nhập gấp 10 lần so với trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, gần đây, thông tin về một số diện tích chanh leo bị sâu bệnh và chết đã đặt ra câu hỏi về vai trò của các “nhà” trong bài toán thoát nghèo của bà con miền núi.
Tìm thấy lối thoát nghèo nhờ cây chanh leo
Đến nhà anh Vi Văn Sơn (Yên Sơn, Tri Lễ) khi gia đình đang vào vụ thu hoạch chanh leo (được trồng vào tháng 4 năm nay). Chỉ trong 3 tuần vừa qua, 1,3 ha chanh leo của gia đình đã thu về hơn 10 tấn quả, mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng. Theo dự tính thì diện tích trên sẽ tiếp tục cho thu hoạch thêm 20 tấn quả cho tới hết vụ.
Theo anh Sơn, đất ở đây thuộc dạng “đất hở”, mới nắng chút đã khô, mưa xuống là nhão, lại chẳng giữ được nước nên việc canh tác các loại cây thực sự khó khăn. Trước đây, ngoài diện tích ngô, lúa rẫy thì chỉ có thể trồng thêm cây keo, nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Tới năm 2010, hướng mở thoát nghèo từ chanh leo đã hé lộ. Sau quá trình suy tính, năm nay anh mạnh dạn vay vốn để đầu tư. Nhờ đảm bảo kỹ thuật, vườn chanh leo của anh đã phát triển khỏe mạnh cho năng suất cao, hứa hẹn có thể lưu gốc trong 2 năm tới.
Tri Lễ là nơi định cư của bà con dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú, Mông. Cuộc sống còn khó khăn bởi điều kiện thổ nhưỡng cũng như trình độ của bà con đồng bào còn hạn chế. Những năm qua, nhờ có nhiều đề án phát triển trồng trọt và chăn nuôi mà tình hình kinh tế ở địa phương đã có nhiều thay đổi. Trong đó, cây chanh leo được xem là cây trồng kinh tế mũi nhọn, góp phần không nhỏ trong việc xóa đói, giảm nghèo, đem lại cơm no, áo ấm cho đồng bào.
Trước đây, thu nhập của người dân chỉ nằm ở mức 6,5 triệu đồng/người/năm thì nay đã lên tới gần 10 triệu đồng. Hộ nghèo cũng giảm từ 80% xuống còn 53%. Do đó, chỉ từ 2 ha trồng thí điểm vào năm 2010, đến nay toàn xã có tổng diện tích là 108 ha, trong đó có 34 ha của nhà máy, còn lại được trồng trong dân do 120 hộ đảm nhận. Tính ra, mỗi ha chanh leo đầu tư hết tổng 100 triệu đồng thì thu về trên dưới 350 triệu đồng. Năng suất bình quân đạt khoảng 30 - 35 tấn/ha.
Theo ông Lô Văn Điệp - Bí thư Đảng ủy xã Tri Lễ thì chanh leo được xem là cây chủ lực của xã giúp người dân không chỉ ổn định cuộc sống mà còn vươn lên khá, giàu. Dự tính đến năm 2020 toàn xã sẽ mở rộng diện tích lên khoảng 350 ha.
Theo số liệu thống kê của phòng Nông nghiệp Quế Phong, hiện toàn huyện có khoảng 150 ha chanh leo, trong đó diện tích của người dân tự trồng tại vườn nhà là 85 ha, còn lại là của Công ty Cổ phần Chanh leo Napaga (trực thuộc Công ty Cổ phần Nafoods). Cây chanh leo mang lại sản lượng khá cao, chỉ tính đến trung tuần tháng 8 năm nay, toàn huyện đã thu hoạch được hơn 400 tấn quả; sản lượng trong dân đến hết năm 2015 ước tính đạt khoảng 2.500 tấn, tập trung nhiều nhất ở xã Tri Lễ.
Với giá thu mua 10.000 đồng/kg như hiện tại, mỗi gia đình trồng vài chục gốc cũng cho thu nhập gần 20 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục phát triển phong trào trồng loại cây này nhằm mục đích tạo thu nhập cho nông dân, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn.
Có thể thấy, về hiệu quả kinh tế thì cây chanh leo cho thu nhập lớn hơn so với nhiều loại cây trồng của Quế Phong trên cùng đơn vị diện tích. Đây được xem là hướng làm giàu bền vững cho người dân. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy đây là loại cây “khó tính”, đòi hỏi yêu cầu khắt khe về mặt kỹ thuật.
Cần hơn sự phối hợp giữa doanh nghiệp và nhà nông
Trong 2 tháng nay, nhiều diện tích chanh leo trồng mới năm 2015 của người dân xuất hiện tình trạng nhiễm bệnh và bị chết hàng loạt. Tổng số diện tích bị thiệt hại ước tính gần 6 ha.
Tìm về gia đình anh Hạ Văn Trung (bản Yên Sơn, Tri Lễ), người đang có diện tích thiệt hại khá lớn. Được biết, anh tiến hành trồng 200 gốc chanh leo từ tháng 9 vừa qua, sau 3 tuần thì tỷ lệ chanh chết hơn 50%. Để minh chứng, anh Trung dẫn chúng tôi ra diện tích vườn trồng của gia đình. Quả thật, số lượng cây bị chết đã trên 100 gốc. Khi đào những gốc cây đã bị chết lên, dễ dàng nhận thấy rễ cây bị khô cháy do tiếp xúc trực tiếp với phân bón.
Mặt khác, tỷ lệ hố trồng cũng chưa tuân thủ đúng kỹ thuật. Theo quy định mỗi hố trồng cần đảm bảo tỷ lệ dài, rộng 80 cm và sâu 60 cm. Nhưng qua kiểm tra, hố của anh Sơn đào rộng chưa tới 60 cm và sâu xấp xỉ 30 cm. Tình trạng trồng sai kỹ thuật trên không chỉ xuất hiện cá biệt mà còn ở khá nhiều vườn chanh leo khác của bà con. Ngoài ra, hiện một số vườn trồng của người dân còn xuất hiện tình trạng cây bị nhiễm virus do nhện và bọ trĩ tấn công gây ảnh hưởng lớn đến cây trồng.
Trước những “lỗi” trên, chúng tôi mang thắc mắc tới phòng Nông nghiệp của huyện Quế Phong thì được giả thích: Để chỉ dẫn về mặt chuyên môn cho bà con, nhiều khóa tập huấn luôn được tổ chức hàng quý, thậm chí hàng tháng. Nhiều cán bộ kỹ thuật của huyện, xã cũng như từ phía doanh nghiệp đang đứng chân trên địa bàn cũng thường xuyên hỗ trợ bà con.
Tuy nhiên, đa số các cuộc tập huấn kỹ thuật vẫn diễn ra trong hội trường mà thiếu tính trực quan tại thực địa. Nhiều bà con chưa nhiệt tình tham gia nên số lượng chưa đảm bảo. Trong khi đó, trình độ của đồng bào các dân tộc không đồng đều, nhiều người không nghe và nói được tiếng phổ thông nên chất lượng tập huấn vẫn chưa hoàn toàn thuyết phục.
Công ty Cổ phần Napaga là doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm chanh leo của bà con và phát triển vùng nguyên liệu chanh leo (đứng chân trên địa bàn huyện Quế Phong)', lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết: Trong quá trình sản xuất, vì nhiều lý do mà gần như 100% người dân không tuân thủ quy trình sản xuất công ty đã khuyến cáo. Bao gồm các khâu như tưới nước, phun thuốc hoặc phun không kịp thời dẫn đến hiện tượng lây nhiễm chéo từ các vườn bị bệnh khác sang cây con mới trồng.
Bên cạnh đó, thời gian qua chủ yếu diện tích chanh leo phát triển tại Quế Phong là của các chương trình chính sách của huyện chứ người dân chưa tự đầu tư để trồng và phát triển, do đó chưa phát huy được ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, chăm sóc, bảo vệ tài sản của mình. Về chính sách hỗ trợ cho bà con có diện tích chanh bị chết thì công ty sẽ cấp hỗ trợ một phần cây giống cho người dân để trồng thay thế. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là biện pháp trước mắt, về lâu dài phía công ty sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và ban chỉ đạo phát triển chanh leo huyện để tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng cho dân.
Được biết, trong thời gian tới, Công ty Napaga sẽ bổ sung 600 ha đất quy hoạch phát triển chanh leo nguyên liệu trên địa bàn huyện Quế Phong. Với những người dân trực tiếp ký hợp đồng liên kết sản xuất với công ty thì sẽ được đầu tư hỗ trợ để phát triển quy mô sản xuất từ 300 cây giống/hộ trở lên.
Tuy nhiên, để dự án này nói riêng và các dự án khác trên địa bàn huyện thực sự có chiều sâu, mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài thì rất cần đến ý thức tự vươn lên của chính người dân. Đồng thời, phía doanh nghiệp trên địa bàn cần xây dựng mối liên kết vững chắc với bà con để từ đó đảm bảo về khâu kỹ thuật cũng như tiêu thụ. Bao trùm lên tất cả là vai trò định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ, khuyến khích của chính quyền địa phương để không ngừng nâng cao hiệu quả từ những phong trào kinh tế.
Thanh Quỳnh
[links()]