(Baonghean) -Lợi dụng những kẽ hở trong quá trình thẩm định hồ sơ, thẩm định đất đai của các cán bộ tín dụng, Nguyễn Chu Ngọc đã thành lập 2 công ty, làm giả nhiều sổ đỏ và hồ sơ để rút ruột của ngân hàng. Đến khi “đại gia” vỡ nợ, bỏ trốn, ngân hàng mới tá hỏa biết rằng lâu nay mình bị lừa.
Lập công ty, làm giả sổ đỏ để lừa đảo ngân hàng
Cuối tháng 6/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Nguyễn Chu Ngọc (SN 1977), trú tại Thành phố Hà Tĩnh. Đến theo dõi phiên tòa, ngoài một số người dân, người nhà của bị cáo còn nhiều cán bộ, nhân viên Chi nhánh Ngân hàng Eximbank Vinh. Hai cựu cán bộ tín dụng của chi nhánh là N.V.H và N.Q.T cũng đứng trước vành móng ngựa về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Sau 2 ngày xét xử, tòa tuyên phạt Nguyễn Chu Ngọc 16 năm tù giam, hai cựu cán bộ tín dụng H. và T. lần lượt chịu 36 tháng và 18 tháng tù cho hưởng án treo.
Nguyễn Chu Ngọc là một “đại gia” có tiếng ở Hà Tĩnh, nổi danh với nhà hàng cao cấp mang tên Đại Dương và có biệt danh là Ngọc Đại Dương. Cuối năm 2008, Ngọc muốn tiếp cận và vươn ra làm ăn ở thị trường Nghệ An. Tháng 4/2009, Ngọc cùng với ông Nguyễn Sỹ Quang và bà Đoàn Thị Phương Loan thành lập Công ty Thái Bình Dương, thuê mảnh đất vàng ở khu vực Nhà Văn hóa Lao động Nghệ An, dựng nhà sàn và mở nhà hàng. Trên danh nghĩa ông Quang là giám đốc nhưng không có mặt tại trụ sở công ty ở đường Hồ Tùng Mậu, Thành phố Vinh mà vị “giám đốc hờ” này chỉ có mặt để ký các thủ tục, giấy tờ khi Ngọc yêu cầu.
Để có vốn làm ăn, Ngọc Đại Dương chỉ đạo thuộc cấp làm thủ tục vay vốn của Chi nhánh Ngân hàng Eximbank Vinh. Từ tháng 12/2009 đến tháng 1/2011, Công ty Thái Bình Dương đã vay được 15,6 tỷ đồng của chi nhánh ngân hàng trên. Thấy việc vay vốn ngân hàng có vẻ dễ dàng, tháng 4/2010, Ngọc thành lập Công ty TNHH Hoàng Phú An do vợ làm giám đốc, lĩnh vực hoạt động chủ yếu là kinh doanh xe ô tô. Lần này, Ngọc tiếp tục vay gần 12,4 tỷ đồng của Chi nhánh Eximbank Vinh.
Tất cả số tiền vay mượn được, Ngọc đều dùng để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2011, khi quả bong bóng bất động sản ở Thành phố Vinh và các vùng phụ cận bị vỡ, Ngọc cũng phá sản và bỏ trốn. Cuối tháng 9/2011, Ngọc bị Phòng Cảnh sát kinh tế Công an Nghệ An bắt khi đang lẩn trốn ở Hà Nội. Lúc này, chiêu bài lừa đảo bằng cách lập giả sổ đỏ rồi mang đi thế chấp của Nguyễn Chu Ngọc mới được bóc trần.
Trong quá trình vay vốn của Chi nhánh Eximbank Vinh, Ngọc đều có tài sản thế chấp là sổ đỏ và các mảnh đất có vị trí đắc địa ở tỉnh Hà Tĩnh. Cụ thể, khi dùng Công ty Thái Bình Dương để vay vốn, Ngọc đã dùng 5 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 5 mảnh đất khác nhau ở huyện Kỳ Anh, huyện Cẩm Xuyên và Thành phố Hà Tĩnh làm tài sản thế chấp ngân hàng.
Theo cơ quan điều tra, có 2 sổ đỏ đã bị Ngọc làm giả. Sổ đỏ thứ nhất được Ngọc làm giả bằng cách đưa sổ thật mang tên người thân vào TP. Hồ Chí Minh thuê người làm lại một sổ mới mang tên Ngọc. Sổ đỏ thứ 2 được làm giả y nguyên, từ một sổ gốc mang tên bố mẹ đẻ. Sau đó, Ngọc đã dùng “sổ thật” đi vay 3,5 tỷ đồng ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển chi nhánh Bắc Nghệ An. “Sổ giả” dùng để vay 1,86 tỷ đồng ở Chi nhánh Eximbank Vinh. Tại Công ty Hoàng Phú An, Ngọc đã làm 6 bộ hồ sơ gồm sổ đỏ giả và thủ tục đăng ký đảm bảo giả để chiếm đoạt 10,1 tỷ đồng.
Nguyễn Chu Ngọc tại phiên tòa.
Ai đã tiếp tay cho đại gia?
Sở dĩ Nguyễn Chu Ngọc có thể dễ dàng dùng hồ sơ giả, sổ đỏ giả để vay được tiền là có sự tiếp tay của các cán bộ tín dụng ngân hàng.
Qua xác định của cơ quan điều tra, từ năm 2001, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng. Sau đó, Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Eximbank cũng ra các quyết định số 19/EIB/ngày 29/3/2002 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 1627 về quy chế cho vay của Ngân hàng nhà nước; Quyết định số 155/EIB - TGĐ ngày 19/4/2004 ban hành quy trình nghiệp vụ tín dụng; Quyết định số 1308/2007 ban hành quy trình thẩm định giá bất động sản. Theo đó, sau khi tiếp nhận hồ sơ từ khách hàng, cán bộ tín dụng sẽ phải thẩm định tiềm lực tài chính, thẩm định nguồn thu nhập, khả năng trả nợ, năng lực pháp lý của khách hàng, thẩm định tài sản đảm bảo, phải cùng với khách hàng đi đăng ký giao dịch đảm bảo và soạn thảo các loại giấy tờ hợp đồng, văn bản trong hồ sơ vay vốn để tham mưu cho lãnh đạo quyết định cho vay hay không.
Mặc dù vậy, trong quá trình làm việc tại chi nhánh ngân hàng, cả hai cán bộ tín dụng trên đều không làm đúng chức năng, nhiệm vụ của cán bộ tín dụng, không thực hiện đúng quy trình thẩm định tài sản theo các bước như quy định, bỏ qua công đoạn xác định nguồn gốc đất đai, chủ sở hữu đất đai ở chính quyền xóm và địa chính xã nơi có các mảnh đất mà Ngọc thế chấp. Đặc biệt, cả hai cán bộ tín dụng đều không trực tiếp đi ký giao dịch đảm bảo tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất mà giao lại toàn bộ cho Nguyễn Chu Ngọc tự đi làm. Chính sự lỏng lẻo của N.V.H nên Nguyễn Chu Ngọc đã có cơ hội sử dụng 7 bộ hồ sơ giả, chiếm đoạt của Eximbank hơn 10 tỷ đồng. Còn N.Q.T đã tạo điều kiện cho Nguyễn Chu Ngọc dùng 2 bộ hồ sơ giả, chiếm đoạt hơn 2,2 tỷ đồng,…
Thẩm phán Vi Văn Chắt, Phó Chánh Tòa hình sự, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, chủ tọa phiên tòa khẳng định: Vụ án Nguyễn Chu Ngọc lừa đảo Chi nhánh Eximbank Vinh là bài học lớn về sự lỏng lẻo trong quản lý tín dụng của các ngân hàng, các tổ chức tài chính. Khi vụ án xảy ra, những người có trách nhiệm ở Chi nhánh Eximbank Vinh vào thời điểm đó biết rõ hai công ty Thái Bình Dương và Hoàng Phú An đều do Nguyễn Chu Ngọc mở và điều hành.
Ngọc không có tiềm lực tài chính thực sự, không có nguồn thu nhập và khả năng trả nợ ổn định nhưng cả hai công ty này vẫn dễ dàng vay được rất nhiều tiền của chi nhánh ngân hàng trên. Ngoài sự lỏng lẻo trong quá trình thẩm định tài sản thế chấp thì các cán bộ ngân hàng cũng quá yếu kém trong việc thẩm định hồ sơ, không phân biệt được đâu là sổ đỏ thật, đâu là giả dẫn đến việc bị Nguyễn Chu Ngọc qua mặt. Bài học từ vụ án này sẽ là lời cảnh tỉnh kịp thời đến các chi nhánh ngân hàng, các tổ chức tín dụng và tất cả những ai đang có ý định kiếm tiền, làm giàu bằng những trò lừa đảo, bất chính.