(Baonghean) - Theo quy định, từ 1/7 lực lượng chức năng sẽ tiến hành xử phạt người điều khiển phương tiện tham gia kinh doanh vận tải không gắn thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) hoặc gắn nhưng không hoạt động. Chấp hành quy định trên, đến thời điểm này 100% phương tiện thuộc các đơn vị kinh doanh vận tải do Sở GTVT quản lý đã lắp đặt hộp đen. Tuy nhiên, quá trình sử dụng đã phát sinh những vấn đề cần được quan tâm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Viết Hùng - Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết: Toàn tỉnh hiện có 41 đơn vị kinh doanh vận tải, với 775 xe. Đến thời điểm này, 100% xe kinh doanh vận tải đã lắp hộp đen. Có được kết quả đó, trước thời điểm 1/7, Sở đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra các điều kiện kinh doanh dịch vụ hỗ trợ vận tải bằng ô tô đối với các đơn vị và hoạt động của bến ô tô khách trên địa bàn tỉnh. Còn từ 1/7 đến nay, qua kiểm tra các thiết bị lắp trên xe đều hoạt động tốt. Ngoại trừ 26 trường hợp có thiết bị giám sát nhưng không hoạt động được phát hiện trước đó, hiện đã đề xuất cắt lốt, thu hồi phù hiệu tuyến.
Bà Nguyễn Thị Khánh Ly, đại diện Công ty CP vận tải thương mại và dịch vụ Hùng Chín, nói: Ngoài chạy tuyến đường dài, nội tỉnh, Công ty còn có dịch vụ cho thuê xe tự lái. Vì vậy, nếu trước đây khách thuê xe rồi đưa đi cắm khiến Công ty rất mất thời gian tìm kiếm thì nay tất cả 20 xe của Công ty đã được trang bị hộp đen nên việc giám sát, quản lý rất thuận lợi. Còn ông Bùi Ngọc Hoàng - Trưởng điều hành Tổng Công ty xây dựng và thương mại Đông Bắc chi nhánh tại Nghệ An thì cho biết: Cùng thời điểm mở tuyến xe buýt tại Nghệ An, Tổng Công ty đã cho lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hiện nay, các hộp đen trên 62 xe chạy 4 tuyến của Công ty đều hoạt động bình thường. Chính việc lắp đặt thiết bị này đã giúp Công ty trong công tác quản lý, chỉ cần ngồi tại phòng điều hành cũng có thể biết được các thông số về tốc độ, số lượng khách, số lần và thời gian dừng đỗ... của từng xe đang hoạt động.
Lực lượng Thanh tra giao thông kiểm tra hoạt động của thiết bị hộp đen
được lắp đặt tại các xe trong Bến xe Vinh.
Tại Bến xe Vinh, ông Nguyễn Cao Dũng, chủ xe 37B 00029, chạy tuyến Vinh- Hà Nội (thuộc HTX Bình Minh) cho hay: Lái xe như chúng tôi cũng dựa vào cảnh báo từ hộp đen để bảo đảm an toàn giao thông. Sau mỗi lần ngừng lái, phải nhắn tin theo mẫu để báo cáo cho HTX biết, hơi bất tiện nhưng đây là quy định.
Như vậy có thể thấy, thiết bị giám sát hành trình, ngoài tính năng phát tín hiệu cảnh báo, nhắc nhở lái xe khi chạy quá tốc độ, xe hỏng hóc, lỗi kỹ thuật... còn giúp doanh nghiệp có thể theo dõi được hành trình, tốc độ, tình trạng của xe và kịp thời chấn chỉnh tài xế. Chính vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp, chủ xe, lái xe đều thống nhất với chủ trương xử phạt nếu xe không lắp hộp đen hoặc có hộp đen nhưng không hoạt động. Tuy nhiên, điều quan tâm hiện nay là vấn đề sửa chữa mỗi khi hỏng hóc. Bởi thực tế 20 đơn vị cung cấp thiết bị hộp đen cho các nhà xe lâu nay đều đóng ở Hà Nội, trong khi trên địa bàn chưa có cơ sở nào sửa chữa được.
Ông Phan Hữu Mân - Chủ nhiệm HTX Bình Minh cho hay: Hợp tác xã có 124 đầu xe, đến nay 100% đã lắp đặt hộp đen. Việc lắp thiết bị do mỗi nhà xe tự lắp. Theo thống kê có đến 4 nhà cung cấp cho 124 đầu xe của HTX, gồm: Bình Anh, Thuỷ Thành, Giám sát trực tuyến, Hà An (đều ở Hà Nội). Tuy nhiên, qua thời gian sử dụng cho thấy mỗi khi trục trặc, hư hỏng rất khó gọi cho nhà cung cấp, bởi sửa chữa một vài cái họ không vào. Trong khi theo quy định từ 1/7/2013, dù đã lắp nhưng tại thời điểm kiểm tra không hoạt động cũng bị phạt, vì vậy rất khó cho nhà xe…
Vấn đề này, theo ông Nguyễn Viết Hùng - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT: Trước khi có quy định lắp hộp đen, Sở có hướng dẫn Hiệp hội vận tải tham khảo để giúp các đơn vị tìm địa chỉ lắp đặt, tuy nhiên trên thực tế thì các đơn vị đều chủ động tìm nhà cung cấp. Về thông tin các đơn vị cung cấp hộp đen, Sở GTVT cũng chỉ nắm được thông qua mạng, qua các đơn vị kinh doanh vận tải.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Nghệ An thì cho rằng: Sở cũng như Hiệp hội khó chỉ định cho các đơn vị vận tải nên lắp thiết bị của nhà cung cấp này hay nhà cung cấp kia, bởi thực tế các đơn vị tự trang bị cho mình nên không ai có thể chỉ định. Hơn nữa, giá thiết bị cũng khác nhau, có những bộ 10 triệu đồng nhưng có bộ chỉ 3,5 triệu đồng. Nếu chỉ định nhà cung cấp, thì khác nào Sở hay Hiệp hội đứng ra nhận thầu... Tuy nhiên, các nhà cung cấp thiết bị cần có văn phòng đại diện, nếu không thì nhiều nhà cung cấp cần lập một văn phòng đại diện để sửa chữa kịp thời khi thiết bị trục trặc. Bởi trên thực tế, mỗi khi thiết bị bị lỗi, không hoạt động đều bị phạt, trong khi đơn vị sửa chữa viện lý do một vài cái hư hỏng vào mất công nên người chịu thiệt không ai khác là đơn vị kinh doanh vận tải.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, bên cạnh quy định lắp thiết bị giám sát hành trình, cơ quan chức năng cần kiểm tra chất lượng thiết bị từ các nhà cung cấp trước khi cấp giấy chứng nhận quy chuẩn, kiên quyết loại bỏ những đơn vị cung cấp nhiều hộp đen bị lỗi thông qua phản ánh từ chính các đơn vị kinh doanh vận tải đã lắp đặt. Cùng với đó cơ quan quản lý cần có những ràng buộc sau lắp đặt để các nhà cung cấp kiểm tra, sửa chữa kịp thời khi xảy ra hư hỏng. Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải cần xác định lắp đặt hộp đen là giúp cho đơn vị quản lý hoạt động của xe tốt hơn, không nên đối phó lực lượng chức năng bằng cách mua hộp đen rẻ tiền, chất lượng kém.
Theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ, xe vận tải hành khách theo tuyến cố định, vận tải khách theo hợp đồng, vận chuyển khách du lịch, xe buýt, xe container mà không gắn thiết bị giám sát hành trình (còn gọi là hộp đen) hoặc gắn nhưng không hoạt động, không đúng quy chuẩn, sẽ bị xử phạt từ 2 đến 3 triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe 30 ngày.