(Baonghean) - Cuối tháng 3/2014, Báo Nghệ An nhận được đơn thư công dân phản ánh ở trường THCS Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc có một giáo viên nghỉ dạy dài ngày nhưng vẫn có tên trong biên chế của trường. Bởi nội dung khá chi tiết, lại nêu lên một sự việc rất đáng quan tâm nên Báo Nghệ An đã cử phóng viên xác minh làm rõ...
Có đúng, có sai
Người bị nêu trong đơn phản ánh là giáo viên Nguyễn Trung Hải, trú tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc. Theo đơn, giáo viên Nguyễn Trung Hải về giảng dạy tại trường THCS Nghi Đồng năm 2002, cho đến nay vẫn là giáo viên trong biên chế của nhà trường. Vậy nhưng, từ năm 2005, thầy Hải nghỉ dạy hoàn toàn và ra kinh doanh bên ngoài. Theo người viết đơn, sự việc này trái với quy định của Nhà nước, vì vậy, kiến nghị Báo Nghệ An xác minh làm rõ...
Qua tìm hiểu, từ năm 2011 phiên hiệu trường THCS Nghi Đồng không còn tồn tại vì đã hợp nhất cùng trường THCS Nghi Hưng thành trường THCS Hưng Đồng. Tiếp xúc một số giáo viên của trường THCS Hưng Đồng, được biết thầy giáo Nguyễn Trung Hải là giáo viên bộ môn tiếng Anh. Tuy nhiên, không có chuyện nghỉ dạy từ năm 2005, thời điểm này, giáo viên Nguyễn Trung Hải được huyện cho học lên hệ đại học (từ năm 2005 - 2007).
Làm việc với Chủ tịch công đoàn nhà trường, cô Nguyễn Thị Thanh cho biết: Sau khi hai trường sát nhập, giáo viên Nguyễn Trung Hải hoàn thành nhiệm vụ giảng dạy như các giáo viên khác. Đến năm học 2013 - 2014 thì thầy Hải có đơn trình bày nguyện vọng gửi Ban Giám hiệu nhà trường. Nội dung đơn có 2 phần, trong đó trình bày hoàn cảnh cá nhân và xin nghỉ dạy; đề nghị trường tạo điều kiện để thầy xin cho vợ (cũng là giáo viên bộ môn tiếng Anh) về thế chỗ. Trước sự việc như vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đã công bố đơn trước Hội đồng giáo viên nhà trường, thống nhất trong khi chờ cấp trên có quyết định thì thuê giáo viên dạy thay.
Từ đầu năm học 2013 - 2014 (tháng 9/2013), trường đã hợp đồng với cô Lê Thị Bích Hường, là giáo viên tiếng Anh của trường TH Nghi Hưng dạy thay ông Hải. Cô Hường hoàn toàn đáp ứng được việc giảng dạy cho các học sinh. Phần tiền lương của ông Hải, nhà trường trích một phần để trả cho cô Lê Thị Bích Hường, phần còn lại đưa vào quỹ công đoàn, đồng thời giữ nguyên các chế độ với ông Hải. "Theo tôi thì cách trường giải quyết không có gì khuất tất..." - cô Nguyễn Thị Thanh nói. Để chứng thực, cô Thanh đưa ra văn bản của tập thể giáo viên nhà trường xác nhận về việc giáo viên nghỉ dạy. Tại văn bản này ngoài xác nhận việc 2 giáo viên xin nghỉ dạy gồm: thầy giáo bộ môn tiếng Anh Nguyễn Trung Hải (nghỉ dạy từ đầu năm học 2013 - 2014 đến nay); cô giáo bộ môn Ngữ văn Trần Thị Xuân (nghỉ dạy từ đầu học kỳ 2013 - 2014 đến nay) có nêu: "Sau khi hai đồng chí xin nghỉ dạy, đồng chí hiệu trưởng đã xin ý kiến của tập thể cán bộ giáo viên, công nhân viên chức trong nhà trường đồng ý để nhà trường hợp đồng giáo viên dạy thế. Số tiền lương của hai đồng chí được chi trả cho giáo viên hợp đồng: 8 triệu đồng/tháng. Số tiền còn lại bổ sung vào quỹ công đoàn. Quyền lợi của hai đồng chí nghỉ không lương vẫn được hưởng như các đồng chí trong trường".
Theo thầy giáo Đậu Văn Kiên - Hiệu trưởng trường THCS Hưng Đồng, hiện tại thanh tra Sở Nội vụ cũng đang về trường kiểm tra sự việc này. Thầy Kiên cho biết, giáo viên Nguyễn Trung Hải có hoàn cảnh khá đặc biệt, vợ là giáo viên dạy ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, có hai con nhỏ và bố là thương binh 3/4; bản thân giáo viên Hải bị tai nạn năm 2011 mất một bàn tay, khá vất vả khi đi một quãng đường khá xa từ thị trấn Quán Hành đến Nghi Hưng dạy học. "Hải có ý định xin nghỉ dạy từ năm 2012. Đến đầu năm học 2013 - 2014 thì nghỉ dạy. Trường đã yêu cầu thầy Hải trở lại giảng dạy, nếu không thì phải làm đơn. Sau đó, thầy Hải đã có đơn trình bày nguyện vọng và tôi đã xác nhận trong đơn để cho thầy trình lên Phòng Giáo dục huyện. Trong sự việc này, tôi không làm điều gì khuất tất hay vụ lợi, chỉ vì muốn giúp người có hoàn cảnh khó khăn..." - Thầy Kiên nói. Khi được hỏi: Trước sự việc của giáo viên Nguyễn Trung Hải, nhà trường có văn bản báo cáo lên Phòng Giáo dục hay không? Theo thầy Kiên, bởi đã xác nhận vào đơn để giáo viên Nguyễn Trung Hải trình lên Phòng Giáo dục nên trường đã không làm văn bản báo cáo. Sau khi thanh tra Sở Nội vụ về làm việc, trường đã nhận thấy việc giải quyết các vấn đề xung quanh của giáo viên Nguyễn Trung Hải chưa đúng với quy định của nhà nước...
Bài học trong công tác quản lý
Làm việc với Phòng Giáo dục huyện Nghi Lộc, theo ông Nguyễn Đình Trung - cán bộ tổ chức thì Phòng hoàn toàn không biết việc giáo viên Nguyễn Trung Hải có nguyện vọng xin nghỉ việc. "Nhiều khả năng giáo viên Nguyễn Trung Hải gửi đơn trực tiếp cho Trưởng phòng Nguyễn Đức Thịnh (nay là Chủ tịch LĐLĐ huyện) chứ chúng tôi chỉ mới biết sự việc qua cán bộ thanh tra Sở Nội vụ"- ông Trung khẳng định. Đồng thời, ông Trung cũng cho biết đã cùng với thanh tra Sở Nội vụ về kiểm tra tại trường THCS Hưng Đồng. Qua kiểm tra sổ sách, bảng lương... thì giáo viên Nguyễn Trung Hải nghỉ dạy từ tháng 9/2013. Trong thời điểm kiểm tra, trường THCS Hưng Đồng cũng yêu cầu thầy Hải đến tường trình sự việc và nội dung đúng như thông tin đã nêu trên. Đoàn thanh tra Sở Nội vụ chưa có kết luận nhưng Phòng Giáo dục xác định việc trường THCS Hưng Đồng cho giáo viên Nguyễn Trung Hải nghỉ việc; hợp đồng giáo viên dạy thay là không đúng với quy định. Lý ra, nhà trường phải báo cáo Phòng để có chỉ đạo xử lý cụ thể.
Cũng theo ông Trung, thời gian sắp tới Phòng Giáo dục sẽ lập đoàn thanh tra xác minh lại sự việc, hướng xử lý đã được bàn là thu hồi toàn bộ tiền lương những tháng giáo viên Nguyễn Trung Hải nghỉ dạy để nộp lại ngân sách. Tổ chức kiểm điểm hiệu trưởng, hiệu phó và kế toán nhà trường; Làm rõ việc giáo viên Nguyễn Trung Hải nghỉ dạy để xác định đâu là lỗi của nhà trường, đâu là lỗi của cá nhân người nghỉ dạy để xử lý theo Luật Giáo dục và Nghị định số 27 về xử lý kỷ luật đối với viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức. Nếu giáo viên Nguyễn Trung Hải vẫn có nguyện vọng thôi việc thì báo cáo UBND huyện để có hướng xử lý. Tuy nhiên trong thời gian xử lý, giáo viên Nguyễn Trung Hải sẽ phải quay trở lại trường làm việc; Phòng Giáo dục cũng phải nghiêm túc kiểm điểm vì đã có thiếu sót trong công tác quản lý, thiếu sâu sát cơ sở trong thời gian qua.
Chúng tôi đã gặp Chủ tịch LĐLĐ Nghi Lộc, ông Nguyễn Đức Thịnh để làm rõ nguyên nhân tại sao Phòng Giáo dục Nghi Lộc lại không có thông tin về việc giáo viên Nguyễn Trung Hải làm đơn xin nghỉ việc. Dù đã thôi nhiệm vụ Trưởng phòng Giáo dục hơn 4 tháng nhưng ông Thịnh còn nhớ khá rõ lá đơn của giáo viên Nguyễn Trung Hải. Ông Thịnh nói: "Đấy là đơn trình bày nguyện vọng. Trong đơn anh này đề đạt là xin cho vợ về thế chỗ của mình nhưng phòng không đủ thẩm quyền giải quyết. Vì là đơn trình bày nguyện vọng của cá nhân một giáo viên, trong khi đó, trường THCS Hưng Đồng cũng không có báo cáo gì về việc giáo viên nghỉ việc nên phòng không có ý kiến gì với nhà trường...''. Theo ông Thịnh, vì địa bàn Nghi Lộc rộng và phức tạp, nhiều giáo viên có gia đình ở khu trung tâm hoặc Thành phố Vinh nên việc thực hiện nhiệm vụ gặp khó khăn và dẫn đến tình trạng xin nghỉ việc. "Dù không thuộc thẩm quyền của phòng nhưng tôi đã từng trao đổi với các Hiệu trưởng trên địa bàn là không được tạo ra tiền lệ cho bất kỳ một giáo viên nào. Nếu vì tình cảm mà linh động giải quyết cho một giáo viên thì sau đó rất khó cho công tác tổ chức..." - ông Thịnh trao đổi.
Như vậy có thể thấy dù đơn phản ánh chưa hoàn toàn chính xác nhưng thông tin về giáo viên nghỉ việc không đúng quy định là có thật. Theo nguyên tắc, khi giáo viên xin nghỉ việc, lãnh đạo nhà trường phải có văn bản báo cáo rõ sự việc lên Phòng Giáo dục để phòng báo cáo UBND huyện cắt kinh phí chi trả lương từ ngân sách, bố trí nhân sự mới hoặc xin cấp kinh phí để trường hợp đồng tạm giáo viên dạy thay... Rõ ràng vì giải quyết theo kiểu “gia đình” nên trường THCS Hưng Đồng đã vi phạm quy định của nhà nước. Vụ việc chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên, đây là bài học trong công tác quản lý giáo dục mà các nhà trường phải rút kinh nghiệm.
Bài, ảnh: Hà Giang