(Baonghean) - Chuyện xung quanh việc thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh trên khu đất rộng gần 8.000m2, thuộc khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh, TP. Vinh. Ở dự án này, công tác giải phóng mặt bằng rất thuận lợi, không những vậy, những hộ bị thu hồi đất thực hiện dự án còn cho chủ đầu tư chậm trả 2/3 tiền đền bù trong một khoảng thời gian khá dài…
Giải phóng mặt bằng, thu hồi đất luôn là công việc khó, bởi liên quan trực tiếp đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân. Vậy nên, khi nghe chuyện về những thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng của Dự án Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân do Hội Nông dân tỉnh làm chủ đầu tư, chúng tôi thấy bất ngờ. Về phường Đông Vĩnh tìm hiểu, các cán bộ nơi đây xác nhận đó là chuyện có thật. Chị Trần Thị Ngọc Lan - Chủ tịch Hội Nông dân phường cho biết: “Đây là vùng trồng rau, nuôi cá của 26 hộ xã viên HTX Thống Nhất ở phường Đông Vĩnh, nhưng họ đã đồng thuận giao đất để Hội Nông dân tỉnh thực hiện dự án, dù trước mắt chỉ mới nhận được 1/3 tiền đền bù…”.
Khu đất thực hiện Dự án Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân rộng 8.000m2, nằm trong lòng khu dân cư khối Trung Nghĩa, gần sát với đường Nguyễn Trường Tộ. Hiện nay trên khu đất vẫn còn là ao cá, ruộng rau muống. Hỏi chuyện những xã viên HTX Thống Nhất đang sản xuất ở đây về thu nhập, họ thành thật rằng, người dân thành phố giờ rất kén chọn đồ ăn uống, rau trồng, cá nuôi không còn được giá như trước, nên thu nhập chẳng còn là bao. Vậy nhưng, gắn bó với nghề, với đất từ bao đời nên ai cũng muốn giữ đất, như một thứ tài sản cho thế hệ sau.
Hơn nữa, nguồn thu dẫu ít, nhưng đảm bảo thường xuyên, vẫn bổ sung được cho cuộc sống còn eo hẹp. Mong muốn là thế, nhưng khi Hội Nông dân tỉnh thực hiện dự án xây dựng trung tâm dạy nghề cho nông dân thì toàn thể 26 xã viên đều nhất trí. Vì đây là dự án dành cho nông dân, chính con cháu họ cũng là những người được hưởng lợi từ dự án. Và vì “nghĩ cho cùng chúng tôi cũng đã luống tuổi, cũng thấy lo cho cảnh vất vả khuya sớm với nghề trồng rau muống, nuôi cá ao mà nguồn thu ít ỏi. Trong khi đó, con cái hầu hết đã có gia đình, chúng lại chẳng mặn mà với nghề chân lấm tay bùn. Có khoản tiền đền bù, chúng tôi đầu tư vào việc khác. Như làm dịch vụ, nhà trọ cho chính học viên theo học ở trung tâm thuê…” - bà Hoàng Thị Mai, một xã viên bộc bạch.
TIN LIÊN QUAN |
---|
Với Ban Chủ nhiệm HTX Thống Nhất, mọi thông tin của dự án cũng như những vấn đề liên quan tới công tác đền bù, giải phóng mặt bằng đều được thực hiện công khai, minh bạch để các hộ xã viên nắm bắt đầy đủ. Chính vì vậy, các xã viên hiểu rõ ý nghĩa, mục đích tốt đẹp của dự án, cũng như những khó khăn trong kinh phí thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng, nên đồng ý để chủ đầu tư “nợ” 2/3 tiền đền bù. Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ nhiệm HTX cho biết: “Khi nghe tin Hội Nông dân tỉnh thực hiện dự án thì mọi người đều đồng thuận. Tuy nhiên, khi biết phải giãn thời gian chi trả 2/3 tiền đền bù sang giữa năm 2015, thì cũng có những ý kiến vào ra. Cũng dễ hiểu, vì ai mà không muốn được nhận tiền đền bù một lần. Vậy nhưng vì tính chất của dự án, hơn nữa, Hội Nông dân tỉnh cũng nói rõ ra tình hình thực tế, nên mọi người hiểu, từ đó chia sẻ…”.
Chủ trương xây dựng Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh được thực hiện theo Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương (ngày 3/12/2009) về Đề án nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ về việc Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011 - 2020.
Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân của tỉnh được Trung ương Hội phê duyệt dự án đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 40 tỷ. Khi hoàn thành, Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân sẽ có 4 khối nhà học, hành chính, ký túc xá, nhà thực hành, phòng hiệu bộ và các công trình điện, nước đảm bảo đào tạo các nghề: kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi thú y, chế biến nông - lâm - thủy sản, may công nghiệp, cơ khí, điện dân dụng… Dự kiến mỗi năm, trung tâm đào tạo cho khoảng 900 - 1.000 học viên là con em các vùng nông thôn. Năm 2012, UBND tỉnh đã giao cho Hội Nông dân tỉnh khảo sát lựa chọn địa điểm khu đất ở khối Trung Nghĩa, phường Đông Vĩnh, TP. Vinh. Tuy nhiên, khu đất này dù nhân dân đang sản xuất rau, nuôi cá, nhưng trên bản đồ lại thể hiện là đất hai lúa, nên cần phải trình Chính phủ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, cuối năm 2013, các công đoạn tiến tới đền bù, giải phóng mặt bằng thực hiện thu hồi đất mới được hoàn thành.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, ông Nguyễn Hữu Nhị, sở dĩ công tác giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân có được sự thuận lợi ấy là bởi được “dân đồng thuận, cán bộ cơ sở nhiệt tình giúp đỡ”. Ông Nhị cho biết: “Các bước thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng là do Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố thực hiện. Việc tiếp xúc, vận động nhân dân được chính quyền, các tổ chức xã hội phường Đông Vĩnh và Ban Chủ nhiệm HTX Thống Nhất thực hiện. Bản thân ông và cán bộ Hội Nông dân tỉnh chỉ gặp gỡ 26 hộ dân đúng 2 lần. Lần thứ nhất là khi hồ sơ chuẩn bị cho công tác thu hồi đất được hoàn tất. Mọi thông tin khi đó được công khai để các xã viên nắm bắt đầy đủ từ danh sách các hộ, diện tích bị thu hồi, chi tiết đơn giá… Lần gặp này, chỉ là nhằm nghe các hộ dân có ý kiến để kịp thời điều chỉnh. Quá trình đó, Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố chuẩn bị kỹ các chính sách áp dụng trong đền bù mà Nhà nước quy định và tính toán đầy đủ, nên người dân hoàn toàn nhất trí.
Ở lần gặp thứ hai, là để “xin” 26 xã viên cho được chậm chi trả 2/3 kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng”. Ông Nhị chia sẻ: “Kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng do tỉnh chịu trách nhiệm. Thời điểm này, kinh phí mới chỉ có hơn 1/3, khoảng gần 3 tỷ đồng. Chính vì vậy, hội đã đặt vấn đề được gặp gỡ người dân. Tại cuộc gặp, chúng tôi nói rõ tình hình việc chi trả tiền đền bù đúng vào thời điểm kinh tế của tỉnh có nhiều khó khăn. Tỉnh có nhiều chương trình, dự án cần thực hiện, không thể có đủ kinh phí cho tất cả các dự án cùng một lúc. Vì vậy, chưa có kinh phí để thực hiện chi trả một lần cho bà con. Trong khi đó, Trung ương Hội Nông dân đã quan tâm tới người nông dân Nghệ An, chấp thuận đầu tư thực hiện dự án. Vì vậy, mong bà con chia sẻ, đồng thuận cho dự án được giãn thời gian chi trả tiền đền bù. Hội Nông dân tỉnh xin cam kết với bà con, chậm nhất đến tháng 6/2015 sẽ hoàn thành việc chi trả…”. Cuộc gặp này có chính quyền xã cùng các tổ chức hội, đoàn thể tham gia đóng góp ý kiến; bên cạnh đó, cũng có nhiều xã viên thực sự thông cảm, lên tiếng kêu gọi, nên tất cả 26 hộ dân đều nhất trí.
Nhắc lại câu chuyện bồi thường giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, ông Nguyễn Hữu Nhị tâm tư: “Kết quả đạt được, phần lớn nhờ công tác dân vận. Mà để làm tốt được công tác dân vận, cần tin tưởng, dựa vào các cấp, tổ chức đoàn thể cơ sở. Vì đây là cấp gần nhất với dân, nắm bắt sát nhất tư tưởng, cũng như các vấn đề liên quan cuộc sống nhân dân. Bên cạnh đó, những đơn vị tổ chức liên quan đến thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cần công khai, minh bạch toàn bộ thông tin liên quan, không được để sót những quy định Nhà nước đã ban hành để hỗ trợ cho các gia đình bị thu hồi đất.
Làm như vậy, người dân khi bị thu hồi đất cũng sẽ thấy được sự quan tâm, chia sẻ…”. Khác với Dự án Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh, ngay gần đó là Dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Hưng Đông; Ở dự án này, các đơn vị liên quan đang hết sức khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; thậm chí, nhiều người dân còn thắc mắc, viết đơn thư khiếu nại gửi lên các cấp chính quyền, đến các cơ quan báo chí. Bởi vậy, thành công của công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất ở Dự án xây dựng Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân tỉnh có thể xem là bài học kinh nghiệm quý giá cho việc thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khác trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: Nhật Lân