(Baonghean) Sự phối hợp chưa nhịp nhàng trong việc quản lý đầu tư Dự án tái định cư Thủy điện Hủa Na và khó khăn về nguồn vốn… là những nguyên nhân chính làm cho công tác giải ngân chậm, và điều này đã gây nên tình trạng nhà thầu thi công chậm tiến độ, thợ đình công, các khu tái định cư chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật…

-->> Bài 1: Còn nhiều việc phải làm

Trong quá trình thực hiện việc quản lý đầu tư Dự án tái định cư Thủy điện Hủa Na, thì chủ đầu tư (Công ty CP Thủy điện Hủa Na) và Ban quản lý dự án của huyện cũng đều “được quyền” lựa chọn nhà thầu(?). Giải thích vấn đề này, lãnh đạo huyện Quế Phong cho biết, huyện làm như vậy là để có điều kiện kiểm tra, giám sát các nhà thầu, tiến độ xây dựng tại công trình, nhưng việc giải ngân là do chủ đầu tư thực hiện. Về phía Công ty CP Thủy điện Hủa Na cũng lý do đó, nên cũng vào cuộc để lựa chọn nhà thầu, nhưng “quyền” hơn vì “nắm” tiền. Chính vì vậy, khi đề cập đến vấn đề giải ngân thì lãnh đạo huyện không nắm được cụ thể và cho biết có việc giải ngân chậm.

Về vấn đề giải ngân nguồn vốn tái định cư, ông Vũ Đình Tuấn - Trưởng Phòng Bồi thường giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án Thủy điện Hủa Na cho biết: “Đến nay đã có 1.401/1406 hộ di dời đã nhận tiền đền bù, với số tiền trên 800/860 tỷ đồng, gồm các khoản bồi thường và hỗ trợ tái định cư… 5 hộ dân còn lại chưa được nhận tiền đền bù là do tách hộ sau khi có chỉ thị của UBND huyện về việc cấm người dân không được tách hộ trong thời gian thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư. Trong số 1.401 hộ đến nay vẫn còn một số hộ chưa nhận hết tiền hỗ trợ đền bù, vì có những phần tài sản chưa xác định rõ nguồn gốc”. Qua tìm hiểu được biết, Dự án Thủy điện Hủa Na tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, thông qua nguồn vốn điều lệ và vay ngân hàng, thì đến ngày 20/7/2012 đã giải ngân được 4.074 tỷ đồng. Tuy nhiên, do trong quá trình thực hiện dự án tái định cư, nguồn vốn cấp chậm vì chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc huy động vốn nên ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các khu tái định cư.

781033_small_80890.jpg

 Công trình nước sinh hoạt tự chảy tại khu TĐC Piêng Cu mất tác dụng từ 1 năm nay.

Theo quy định, các nhà thầu khi tiến hành xây dựng công trình đều được ứng trước vốn và tùy thuộc vào công trình cụ thể để được ứng trước tỷ lệ vốn đầu tư. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các nhà thầu có tiềm lực mạnh để đầu tư, hoàn thành dự án đúng tiến độ. Qua tìm hiểu được biết, tại khu dự án tái định cư Thủy điện Hủa Na có nhiều doanh nghiệp thực hiện khá tốt vấn đề đầu tư hoàn thành dự án theo đúng tiến độ. Ông Bùi Huy Hùng - Giám đốc Công ty CP Hải Âu (TP. Vinh) cho biết: “Công ty nhận gói thầu xây dựng trạm điện hạ áp tại khu vực tái định cư: Huôi Lướm, Huôi Đừa (xã Thông Thụ) và Huôi Chà Lá (xã Đồng Văn), mặc dù chỉ được giải ngân 50% nguồn vốn, nhưng từ tháng 6/2012, đơn vị đã hoàn thành phần xây dựng trạm biến áp và đường điện hạ áp vào khu dân cư.

Tuy nhiên, một số hộ dân chưa có điện để dùng, bởi chưa ký kết hợp đồng sử dụng điện với với Chi nhánh Điện lực Quế Phong, nên chưa được kéo đường dây điện từ đồng hồ vào nhà dân”. Còn theo ông Hồ Văn Chiến - Giám đốc Công ty CP Hoàng Long (TP. Vinh), thì doanh nghiệp này nhận 1 gói thầu làm nhà tái định cư tại Nậm Niên, xã Đồng Văn, có tổng giá trị 3 tỷ đồng. Nhưng thời gian vừa qua, do thời tiết diễn biến phức tạp và giao thông đi lại khó khăn nên ảnh hưởng đến tiến độ.

Về vấn đề có không ít nhà thầu năng lực yếu kém, không “kham” nổi tiến độ và yêu cầu của dự án vẫn được lựa chọn? Câu trả lời thuộc về chủ đầu tư và Ban quản lý dự án huyện. Sau khi tìm hiểu thực tế tại một số khu tái định cư Thủy điện Hủa Na, chúng tôi đã trực tiếp liên lạc với các nhà thầu để tìm hiểu vấn đề giải ngân, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thi công chậm tiến độ, nợ tiền công thợ… nhưng hầu như các nhà thầu “đang có vấn đề” đều từ chối cung cấp thông tin. Vậy có hay không việc tiến độ thi công chậm trễ tại một số công trình của dự án tái định cư Thủy điện Hủa Na, không loại trừ hiện tượng một số nhà thầu được ứng trước tiền, chiếm dụng vốn? Hoặc một số nhà thầu năng lực yếu, sau khi đầu tư xây dựng hết vốn ứng, không tiếp tục đầu tư tiếp? Nhưng rõ ràng, với việc giải ngân theo tiến độ đã “làm khó” cho những nhà thầu nhỏ, thiếu tiềm lực.

Và như đã nêu ở phần trước, thực tế tại Khu tái định cư Piêng Cu là một minh chứng cụ thể đối với việc để “lọt” nhà thầu không đủ năng lực đảm nhận thi công dự án tái định cư và gánh chịu hậu quả là những người lao động lấy công làm lãi như trường hợp của anh Tôn Thế Lừng và cả tổ thợ xây dựng bị Công ty TNHH Anh Đức (Hưng Nguyên) nợ lương nhiều tháng liền. Hơn thế là một số hộ dân tái định cư Piêng Cu không được nhận nhà ở, thiếu các công trình phục vụ sinh hoạt và đặc biệt là ảnh hưởng đến chủ trương, chính sách của Nhà nước.

Sự thiếu kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cấp, ngành chức năng trong việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư đã làm cho công tác này gặp nhiều khó khăn, trở ngại và nhất là làm cho người dân được hưởng lợi chưa thực sự an tâm, định canh định cư. Vì vậy, thời gian tới, chủ đầu tư và các cấp, ngành liên quan và nhà thầu cần có sự phối hợp chặt chẽ để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm thực hiện tốt công tác tái định cư.


X.Hoàng - H.Vĩnh