(Baonghean) - Nhiều người dân ở bản Đình (Chi Khê - Con Cuông) vẫn tin vào một điều nửa hư nửa thực, có thể gọi là truyền thuyết, rằng ông tổ dòng họ Ngân có trên 20 hộ, cư ngụ tại bản, từng nuôi con thuồng luồng, trong tiếng Thái là "tô ngược". Có người còn phiên dịch thành con rồng hoặc giao long?
>>Bài 6: Họ Vừ trong cộng đồng người Mông
Bản Đình là tên cũ của 3 bản Liên Đình, Trung Đình và Nam Đình ngày nay, được tách ra từ bản Liên Đình vào năm 2005. Người dân trong bản hầu hết đều biết câu chuyện về truyền thuyết dòng họ Ngân nói trên.
Bà Vi Thị Chiến, trú bản Trung Đình kể: Cách đây ngót trăm năm, có cụ Xánh làm nghề thầy cúng. Cụ là mo nổi tiếng khắp các bản lân cận. Ngày ấy thầy mo là “cầu nối” thế giới con người với thần linh. Phàm khi trong nhà có người ốm đau, muốn trừ tà ma, giải hạn, làm vía... đều phải tức tốc cho người tìm cõng thầy mo về.
Kiếm và áo hành nghề mo của cụ Xánh
Ngoài những buổi hành lễ, cụ Xánh lên rừng làm rãy, đốn gỗ như dân bản. Chiều về, cụ thích ra sông, xuống suối quăng chài bắt cá tôm. Trong một buổi chiều chớp giật nhì nhoằng phía chân trời, cụ vác chài ra khúc sông Lam có tên là Văng Cụa. Cá tôm chẳng thấy đâu, chỉ có một quả trứng rắn to lạ thường vướng vào chài, cụ mang về cho gà ấp. 2 tuần sau thấy con gà mái nhảy ổ kêu quang quác đầy vẻ hoảng hốt, cụ ra ổ gà thì thấy quả trứng hôm nọ đã nở thành chú rắn con. Quyết định để vậy cho rắn muốn đi đâu cũng mặc, ai dè rắn cứ ở miết bên người quấn quýt.
Chú rắn thường theo đàn vịt ăn giun dế, săn bắt chim chuột nên mau lớn lắm. Sáng ra theo người tối về ngủ trên xà nhà. Một ngày cụ bà Xánh đào giun cho vịt thấy rắn cứ luẩn quẩn bên chân, bụng bảo dạ: "Con vật này cứ làm ta vướng víu, muốn đi đâu cũng không được. Cho chết quách mày đi!". Cụ bà quơ tay, một nhát thuổng làm đứt mất đuôi rắn. Thế là mây đen ùn ùn kéo đến, sấm chớp nổi lên. Bà cụ lúc này mới biết con vật thiêng, bèn nói: "Xin lỗi con trai nhé". Mây đen sấm sét mới tạm lui. Hai cụ đem chữa chạy cho rắn khỏi vết thương và luôn xem nó như một con vật thiêng trời ban cho gia đình. Từ đó, rắn có tên "Tạo Cùn", một cách gọi yêu thương để ghi nhớ sự kiện chú bị đứt một phần đuôi. Nhiều năm sau, trên đầu chú rắn đã mọc ra chiếc mào màu cầu vồng. Người ta tin rằng lúc này chú đã là một con rồng.
Ngày cụ Xánh về trời, rồng dẫn con cháu trong nhà nhà đến một khối đá rồi bò quanh 3 vòng. Người nhà hiểu ngụ ý liền xẻ đá làm áo quan cho cụ, thấy dễ dàng như cắt cây chuối.
Sau cái chết của chủ, rồng trở về vực Vằng Cụa. Trước lúc bỏ đi, rồng bẻ chiếc mào màu cầu vồng đưa cho cụ bà để lên bàn thờ. Từ đó, gia đình làm ăn gặp vận may, con cháu trong họ đều ăn nên làm ra.
Ngày nay, hễ nhà họ Ngân có việc, dù lớn hay nhỏ, từ đám cưới đến đám gọi vía, trời liền có mưa. Người bản Đình tin rằng đó là lúc rồng về.
Cụ Quảng, năm nay đã ngoài 80, là cháu dâu của cụ Xánh, cho biết ngày bà về làm dâu, chiếc mào ngũ sắc vẫn còn trên bàn thờ. Năm 1983, đám cưới con gái lớn trời mưa mù trời, khách khứa ai nấy đều ướt sũng. Sau đám cưới con, cụ mang chiếc mào ngũ sắc ra một vực nước gần nhà gọi là Văng Coóc trả lại cho rồng. Tuy vậy, mỗi khi họ Ngân tiến hành một việc gì đó, trời vẫn đổ mưa.
Cụ Quảng, cháu dâu của người nuôi rồng
Dòng họ Ngân, bản Đình thuộc nhóm Thái Tay Thanh, vốn có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Qua nhiều thế hệ sống cạnh nhóm Thái Tay Mương bản địa, họ đã nói tiếng Thái Tay Mương, nhưng vẫn giữ những tục lệ của nhóm Thái Tay Thanh gốc Thanh Hóa. Ngày Tết, thường cúng bánh chưng đen làm từ gạo nếp, dùng nước tro than đót từ rơm lúa nếp nương để tạo màu đen.
Ngày nay, con cháu của cụ Xánh vẫn giữ được chiếc áo thầy mo và 2 thanh kiếm làm phép có từ hàng trăm năm trước. Ngoài ra, còn có một bộ chiêng cổ. Đây là những bảo vật của gia đình. Trong lần chúng tôi đến ghi hình những cổ vật này, ông Ngân Văn Thọ, hậu duệ của người được cho là từng nuôi rồng, phải làm nghi lễ cúng xin mới đưa chúng khỏi bàn thờ. Bà cụ Quảng cho biết, mỗi năm vào rằm tháng 8, trong nhà lại làm lễ gội rửa 2 thanh kiếm quý!