(Baonghean) - Thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược nước ta ngày 1/9/1858. Triều đình nhà Nguyễn dâng 3 tỉnh miền Đông (1862), rồi 3 tỉnh miền Tây (1867) Nam bộ cho giặc. Năm 1873 thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội lần thứ nhất và 4 tỉnh trung châu. Toàn bộ đất nước sẽ vào tay quân giặc một ngày không xa. Ở Nghệ An, cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất (1874) của Trần Tấn, Đặng Như Mai và phong trào Cần Vương của Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã... và nhiều sỹ phu yêu nước khác đã nổi lên chống Pháp được lịch sử ghi nhận. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi chỉ giới thiệu những sỹ phu tiêu biểu có di tích hiện đang được nhân dân bảo tồn, phát huy.
 
Nền Cờ Tế và nhà thờ Trần Tấn
 
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương thì Trần Tấn hay còn gọi là Trần Bá Tấn thuộc dòng họ Trần Đức (người thôn Trường Niên, xã Thanh Chi, huyện Thanh Chương). Trần Tấn là thủ lĩnh của phong trào Văn Thân chống Pháp dưới thời Nguyễn, đỗ tú tài từ sớm nhưng mấy khoa sau không đỗ cử nhân nên đã về quê mở trường dạy học cho con em quanh vùng. Hưởng ứng lời hịch "Bình Tây sát Tả" của cuộc khởi nghĩa, nhân dân và các sỹ phu yêu nước vùng Nghệ Tĩnh rầm rộ đồng loạt nổi lên chống Pháp và Triều đình Huế và đã có được những thành công nhất định: chiếm được tỉnh lỵ Hà Tĩnh, làm chủ nhiều vùng đất Hà Tĩnh, trừ Thành Nghệ An.
 
Ghi nhớ công lao to lớn của Trần Tấn cùng các nghĩa quân, hiện tại ở quê hương ông (thôn Trường Niên, xã Thanh Chi) vẫn còn di tích của cuộc kháng chiến năm xưa: nền Cờ Tế trên Rú Đài được các nghĩa quân dựng xây năm 1873 vẫn còn đó vẻ nguyên sơ. Rú Đài hiện nằm ở phía Bắc xã Thanh Chi, Thanh Chương, có độ cao khoảng 25m so với mực nước biển. Rú Đài ở địa thế đẹp. Phía Bắc và phía Tây có dòng sông Lam uốn khúc, thuận lợi cho việc quan sát cả một vùng rộng lớn từ trong ra và từ Bắc vào. Nhà thờ Trần Tấn được xây dựng dưới chân núi Đài, cách nền Cờ Tế khoảng 300m về phía Đông Bắc, trên khu vườn có tổng diện tích 379,5m2. Nhà thờ được xây dựng vào năm 1910 hướng Đông Nam, gồm có 2 tòa: bái đường và hậu cung. Nhà thờ Trần Tấn còn là nơi thờ Trần Hướng (con trai) và vợ Trần Tấn cùng các thế hệ con cháu họ Trần Đức đã có công với nước. Nền Cờ Tế và nhà thờ Trần Tấn ngoài giá trị to lớn về lịch sử, còn lưu giữ những hiện vật quý như câu đối, hương án, bàn thờ, bộ tam sư bằng đồng, bát hương cổ... Đặc biệt, nghiên bút bằng đá mà Trần Tấn đã dùng trong thời gian viết Hịch kêu gọi khởi nghĩa.

769166_small_67003.jpg

Nền Cờ Tế Rú Đài và nhà thờ Trần Tấn ở xã Thanh Chi - Thanh Chương.

Mộ và Nhà thờ cụ Nguyễn Xuân Ôn
 
Nguyễn Xuân Ôn hiệu là Ngọc Đường, sinh năm 1825 ở làng Quần Phương. Đậu Tiến sỹ ra làm quan năm 1871. Do tính cương trực và căm ghét bọn thực dân Pháp nên bị cách chức. Về quê năm 1883, ông cùng Lê Doãn Nhạ, Trần Quang Diệm... dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp ở vùng Bắc sông Lam theo lời chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi. Năm 1887, Nguyễn Xuân Ôn bị giặc bắt. Năm 1889 ông mất tại Huế. Thi hài cụ được đưa về chôn ở Cồn Sậy, làng Thủ Phủ. Về sau con cháu cụ lập nhà thờ ở làng Quần Phương (dưới thời Nguyễn thuộc xã Lương Điền, Tổng Thái Xá, Phủ Diễn Châu) nay là xã Diễn Thái, Diễn Châu. Từ đó nhân dân vẫn gọi mộ và nhà thờ Nguyễn Xuân Ôn là mộ và nhà thờ cụ Nghè Ôn.
 
Mộ và nhà thờ Cụ Nguyễn Xuân Ôn thuộc di tích lịch sử văn hóa. Theo lịch sử chép lại thì mộ cụ Nghè Ôn được chôn ở Cồn Sậy. Năm 1989, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã tổ chức Hội thảo khoa học về cuộc đời, sự nghiệp Nguyễn Xuân Ôn, đồng thời kỷ niệm 100 năm ngày mất của cụ và đã quyết định tôn tạo lại mộ cụ Nghè Ôn xứng tầm với công lao to lớn của cụ. Mộ Nguyễn Xuân Ôn, ngoài sự phối hợp hài hòa giữa tường bao, thềm mộ, bia, lư hương, bồn hoa... phải kể đến hai hiện vật mang tính biểu trưng cho sự nghiệp vì nước của cụ: thanh gươm và ngọn bút.
 
Nhà thờ cụ Nghè Ôn được làm sau khi cụ mất được 8 năm. Nhà thờ có 3 gian làm theo kiểu tứ trụ, bán chồng diêm, chất liệu bằng gỗ lim. Đến thăm nhà thờ Nguyễn Xuân Ôn, chúng ta có thể nhận ra nhiều nét mô phỏng kiểu cách xây dựng của nhiều nhà cửa ở Huế vào thời Nguyễn. Nhà thờ có nhiều họa tiết được chạm khắc tinh xảo với các hình long, ly, quy, phượng. Nổi bật nhất là bức cửa vòng với bệ đỡ là hai con sư tử nằm phủ phục, lưng uốn cong. Phần thân cửa vòng giống như một cái khung chạm nổi hình chim phượng, mặt rồng, dãy hoa cúc với đường nét độc đáo, bay lượn. Đỉnh của cửa vòng tạo dáng cong vồng kiểu cuốn thư với các hình chim, thú, hoa, lá màu sắc rực rỡ... đây là tác phẩm mỹ thuật, đồ thờ đẹp nhất tại nhà thờ Cụ Nghè Ôn.
 
Qua thời gian, mộ và nhà thờ cụ Nghè Ôn đang bị xuống cấp trầm trọng. Thể theo nguyện vọng của nhân dân và con cháu, trong năm 2008, Ban Quản lý Di tích và Danh thắng Nghệ An, Phòng VH - TT huyện Diễn Châu, UBND xã Diễn Thái cùng dòng họ đã tu sửa nhà bia và mộ, mở rộng gấp hai lần diện tích cũ, xây tường bao, cổng khóa để bảo vệ, lát gạch nền lăng, trồng cây cảnh và cây xanh trong khuôn viên.
 
Nhà thờ Lê Doãn Nhã
 
Lê Doãn Nhã, người xã Trường Sơn, huyện Đông Thành, nay là xã Sơn Thành, huyện Yên Thành. Ông đỗ Cử nhân khoa Đinh Mão (1867), đỗ Phó bảng khoa Tân Mùi niên hiệu Tự Đức 24 (1871); làm quan Chánh sơn phòng sứ Nghệ An. Theo lời kêu gọi của Nguyễn Xuân Ôn, ông đã dùng Đồn Sơn Phòng làm căn cứ và chuẩn bị kháng chiến. Ông cùng với Nguyễn Xuân Ôn chiến đấu với Pháp hai năm trời ở vùng Bắc Nghệ An. Sau khi Nguyễn Xuân Ôn bị bắt, Phó tướng Lê Doãn Nhã đưa một bộ phận nghĩa quân lên vùng rừng núi Anh Sơn tiếp tục đánh Pháp. Nhưng khi phong trào Cần Vương bị thất bại hoàn toàn, người ta không rõ Phó tướng Lê Doãn Nhã ra sao. Theo tư liệu gần đây, ông bị tử thương trong rừng sâu. Bắt được ông, giặc đã sát hại vào đầu năm 1888.
 
Theo giả phả dòng họ thì nhà thờ Lê Doãn Nhã chính thức xây dựng năm 1892 (triều Nguyễn - Thành Thái thứ 5). Nhà thờ được xây dựng trên mảnh vườn cụ Lê Văn Đăng - thân sinh Lê Doãn Nhã. Sau khi phong trào Cần Vương ở Nghệ An thất bại, nghĩa quân bị đàn áp, nhà thờ bị kẻ thù đốt phá. Năm 1924 (triều Nguyễn - Khải Định) với lòng tôn kính và tưởng nhớ người anh hùng dân tộc đã hy sinh vì nghĩa lớn, con cháu và nghĩa quân đã góp công sức, tiền của xây dựng nhà thờ trên nền đất cũ. Xung quanh nhà thờ Lê Doãn Nhã được bao bọc bởi nhiều nhà dân và những rặng tre xanh, khóm chuối giữa phong cảnh làng mạc yên tĩnh, đầm ấm. Đặc biệt trong sân nhà thờ có đặt tượng hai con chó bằng đá. Con chó do nghĩa quân tạc nên để thờ, tưởng nhớ con vật trung thành ngày xưa Lê Doãn Nhã đã từng nuôi. Quý giá nhất trong các đồ thờ được bày ngoài sân là tấm bia đá nói về công tích các vị tiên tổ họ Lê. Trước đây, bia đặt ở nhà bái đường, nhưng nay bà con đã chuyển ra đặt giữa sân để mọi người tới lễ dễ dàng chiêm ngưỡng. Nhà thờ là nơi lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc đời Lê Doãn Nhã cùng các bậc tiền bối họ Lê. Nhờ uy tín lớn của phong trào Cần Vương, nhà thờ còn là nơi ghi nhận tình cảm thiêng liêng của cụ Nguyễn Sinh Sắc vào năm 1904 đã dẫn hai con Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung đến đây để học tập và đàm đạo những vấn đề yêu nước.
 
Nhà thờ Nguyễn Thức Tự
 
Nhà thờ Nguyễn Thức Tự ở làng Đông Chữ, nay là xóm 11, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc. Nhà thờ gắn với tên tuổi thầy giáo Nguyễn Thức Tự. Tại đây, cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng được người thầy lừng danh đất Hồng Lam truyền dạy kiến thức và đạo lý làm người.
 
Nguyễn Thức Tự tham gia phong trào Cần Vương chống Pháp. Năm 1886, sau hai năm từ quan, cụ chính thức mở trường dạy học, đồng thời làm nghề bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Cụ đã từng dạy học ở Nam Đàn, Thanh Chương nhưng lâu nhất là ở quê nhà. Học trò đến trường của thầy Tự có đủ con em Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Quảng Bình, Nam Định. Nội dung giảng dạy chủ yếu của thầy Tự là giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ học trò. Ngoài những kiến thức truyền thống rút ra từ học thuyết Khổng - Mạnh thì cốt lõi trong nội dung học tập là tinh thần yêu nước, tấm lòng canh cánh vì nước, vì dân trong bầu nhiệt huyết muốn truyền thụ kiến thức cho môn sinh. Theo cụ, muốn cứu nước phải học thành tài để có kiến thức nhằm mục đích giáo dục tư dân, làm cho đất nước giàu mạnh, đủ sức chống lại kẻ thù. Hơn 30 năm dạy học (1886 - 1923), Nguyễn Thức Tự đã đào tạo trên 400 học trò thành đạt. Trong số đó nhiều người ra làm quan nhưng vẫn giữ được phẩm hạnh của người trí thức chân chính, yêu nước. Đó là Hoàng giáp Đinh Văn Chấp, Hoàng giáp Nguyễn Đức Lý, Tiến sỹ Hoàng Kiệm, Nguyễn Mai, Lê Bá Hoa; các vị phó bảng như Vương Đình Trân, Nguyễn Văn Chấn, Nguyễn Thức Dinh, Nguyễn Viết Tuyển, Nguyễn Sinh Sắc, giải nguyên Phan Bội Châu...



Nhà thờ Nguyễn Thức Tự ở xã Nghi Trường- huyện Nghi Lộc.

Với chiều dài 5,1m, rộng 4,7m, mặt ngoảnh về hướng Nam, Nhà thờ được làm vào năm 1903. Ngôi nhà có một gian, hai chái, lợp ngói vảy. Phía bên phải khắc chữ "Cung", bên trái khắc chữ "Thận", nói lên tính cách cụ Nguyễn Thức Tự: Cung kính và thận trọng. Nội thất có sập thờ, đồ tế khí, những cuốn sách thuốc và tác phẩm bằng chữ Hán. Nhà thờ có cổng trụ, trên có hai con nghê chầu lại.
 
Năm 1900, khi cụ Nguyễn Thức Tự tròn 60 tuổi, học trò khắp nơi cùng nhau làm bức trướng mừng thầy. Bức trướng rộng 1,8m, cao 1,6m, làm bằng gỗ dổi, mặt trướng viết bằng chữ Hán. Trang trí có dây hoa, xung quanh được chạm họa tiết viền hoa thị, hoa cúc, cuốn thư, kiếm, bầu rượu, hoa sen cỏ. Toàn bộ nội dung toát lên công lao to lớn của người thầy. Bức trướng được để trong nhà khách. Năm 1903, khi hoàn thành nhà thờ thì học trò đưa treo ở gian phía Tây để mọi người thưởng thức.
 
Di tích nhà thờ họ Đặng
 
Đây là một trong những nhà thờ đã chứng kiến nhiều con cháu họ Đặng lớn lên, trưởng thành, nơi thờ tự các bậc tiên tổ trong đó có các danh nhân và là nơi chứng kiến các trào lưu cách mạng của địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ giới thiệu công lao của từng người gắn với từng thời kỳ lịch sử nhất định. Vì thế ở thời kỳ Cần Vương, chúng tôi chỉ đi sâu vào Đặng Thai Giai.
 
Theo gia phả còn lưu giữ tại di tích nhà thờ họ Đặng thì họ Đặng Thanh Xuân dời cư từ làng Hoàn Hậu (Quỳnh Lưu) vào Thanh Chương đến đời Đặng Thai Giai là đời thứ 8.
 
Đặng Thai Giai có tên là Đặng Thai Hài, đậu cử nhân thời Tự Đức, làm huấn đạo tỉnh Quảng Trị trông coi việc học hành, sau chuyển ra làm tri huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Khi thực dân Pháp xâm chiếm các tỉnh phía Bắc xứ Trung Kỳ, ông phản đối thái độ của một số quan lại đầu hàng giặc nên đã "treo ấn trừ quan" không thèm làm việc với lũ tay sai, chẳng chịu hợp tác với bọn giặc cướp nước. Về quê, Đặng Thai Giai hưởng ứng lời hiệu triệu của Vua Hàm Nghi, tham gia phong trào Cần Vương đã cộng tác tích cực với Đề Thắng. Nhiều cuộc họp kín đã được tổ chức tại ngôi nhà ở và nhà thờ. Nhiều sỹ phu yêu nước từ các nơi đến đây bàn chuyện cứu dân, cứu nước. Đặng Thai Giai (còn gọi là cụ Huyện Đặng) đã cung cấp lương thảo cho nghĩa quân. Năm 1918 sau 10 ngày bị quản thúc tại Nhà lao Vinh, ông đã qua đời.
 
Nhà thờ họ Đặng hiện nay vẫn còn bức chân dung của Đặng Thai Giai và người vợ của ông bà Đinh Thị Hoan được con cháu hương khói, thờ phụng. Di tích nhà thờ họ Đặng được xây dựng từ thời Nguyễn (Thành Thái thứ 8) trên diện tích 1.260m2. Năm 1995 có tu sửa lại những chi tiết hư hỏng nhưng vẫn giữ nguyên kiến trúc thời Nguyễn. Trên mảnh đất này trước đây có các công trình như nhà thờ, nhà ở, nhà ngang, cổng, tường bao... Hiện nay, những hạng mục công trình đó đã được khôi phục, tu bổ lại đầy đủ.

1. Khởi nghĩa năm Giáp Tuất và phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp của nhân dân Nghệ An nổ ra rất rầm rộ, nhiều sỹ phu yêu nước xứ Nghệ đã quên mình hy sinh vì nghĩa lớn như Đặng Như Mai, Trần Quang Cán, Nguyễn Vĩnh Khánh, Trương Quang Thủ, Nguyễn Cảnh Sỹ, Nguyễn Huy Điển... là những người trực tiếp tham gia khởi nghĩa Giáp Tuất cùng Trần Tấn; Hoàng Phan Thái (Nghi Lộc) tham gia phong trào Cần Vương sau đó bị thực dân Pháp bắt và xử chém... Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau mà hiện các di tích gắn liền với các sỹ phu yêu nước này chưa được xếp hạng. Rất mong các cấp, ngành liên quan cần khẩn trương liệt kê lại di tích thời kỳ này, có giải pháp hợp lý để bảo tồn di tích gắn với giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.
2. Ông Trần Đức Khiếng - Trưởng ban Văn hóa xã Thanh Chi cho biết: tháng 4/2009, huyện Thanh Chương hỗ trợ 15 triệu đồng để tôn tạo lại một số hạng mục nền Cờ Tế và Nhà thờ Trần Tấn. Tuy nhiên, di tích vẫn chưa xứng tầm với ý nghĩa lịch sử của nó. Do địa thế nằm trên Rú Đài nên di tích vẫn còn hoang vu, đường lên xuống rất khó khăn, nhỏ hẹp, cỏ dại mọc tràn lan. Cùng với nền Cờ Tế, Nhà thờ Trần Tấn (cách đó khoảng 200m) cũng đã được Bộ VHTT (nay là Bộ VHTT và DL) cấp bằng công nhận Di tích lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 2002. Hàng năm cứ đúng ngày 22/8 âm lịch, dòng họ Trần cùng các tổ chức đoàn thể trong xã, huyện lại tổ chức giỗ kỵ Trần Tấn tại nhà thờ. Mong muốn duy nhất của con cháu, nhân dân thôn Trường Niên là sớm nâng cấp nhà thờ Trần Tấn; xây dựng tường bao di tích, đường lên xuống nền Cờ Tế Rú Đài - nơi có mộ hai cha con Trần Tấn yên nghỉ để dễ bề trông coi, quản lý.

 
Thanh Thủy