(Baonghean) Đêm Trường Sa có lúc hiền hòa dào dạt sóng và cũng có lắm lúc giận dữ, gầm thét nổi phong ba. Trong đêm tối mịt mùng, đại dương bao la ấy mới thấy thuyền câu của ngư dân nhỏ bé đến chừng nào. Nhưng đêm ở Trường Sa, ngư dân không hề cảm thấy cô đơn bởi vẫn còn đó những ngọn hải đăng chỉ dẫn tàu thuyền đi đúng luồng lạch, vượt bãi đá ngầm san hô tìm được các đàn cá…
-->> Xem Bài 3: Tượng Đức Thánh Trần và cây phong ba giữa trùng dương
Chiều muộn! Từ khoảng cách 7 hải lý, trên tàu HQ 996 nhìn về đảo Song Tử Tây chỉ là một vùng xanh thẫm nhỏ, thấp nổi lên trên đỉnh đầu muôn vàn con sóng bạc. Thế nhưng khi mặt trời dần ẩn xuống ngấn nước tim tím thăm thẳm, Song Tử Tây và cả đảo chìm Đá Nam lại nổi bật vô cùng, hàng trăm ngọn đèn điện (chạy bằng năng lượng gió và năng lượng mặt trời) trên đảo cùng đèn câu trên thuyền đánh cá của ngư dân lại giao thoa rực rỡ. Sáng hơn cả ngọn hải đăng khổng lồ trên Song Tử Tây bắt đầu xoay tròn, quét những luồng sáng hình dẻ quạt ra xung quanh. Nương theo và định vị vùng biển nhờ ánh đèn biển Song Tử Tây, những con thuyền neo cạnh vùng san hô đảo Đá Nam bắt đầu vào ca đánh bắt đêm…
Hải Đăng ở đảo Song Tử Tây. Ảnh:M.T
Ngày nào cũng vậy, cứ đúng vào lúc 17 giờ 30 phút chiều, ngọn đèn biển Song Tử Tây lại được thắp lên và tỏa sáng cho đến 6 giờ 30 phút hôm sau. Tại nhà đèn giữa đại dương này, hiện đang có 5 người đàn ông làm việc cần mẫn, chia nhau các ca trực trong suốt 24 giờ, để ánh sáng ngọn đèn khổng lồ ở độ cao 36 mét vươn xa 18 hải lý không bao giờ tắt. Cũng như các đồng nghiệp khác ở 9 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa (Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây, Sơn Ca, Nam Yết, An Bang, Đá Tây, Đá Lát, Tiên Nữ), những cán bộ, công nhân viên Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Biển Đông Hải đảo miền Nam này vẫn lặng thầm cống hiến tuổi thanh xuân và một phần cuộc sống riêng tư của mình cho hải đăng luôn tỏa sáng… Trạm trưởng nhà đèn Song Tử Tây, anh Vũ Quang Bình, 48 tuổi, người Hải Phòng cho hay: Ngọn hải đăng hiện đang chạy bằng năng lượng mặt trời, ban ngày thì ắc quy tích điện và đêm lại phát. Hải đăng Song Tử Tây, được xây dựng hoàn thành từ năm 1993 và từ đó đến nay đã phát huy tốt tác dụng đảm bảo an toàn cho tàu thuyền qua lại khu vực, giúp tàu thuyền xác định vị trí cũng như báo hiệu cho các tàu tránh bãi đá và đảo.
Anh Bình tâm tình: “Nhiệm kỳ công tác trực đèn thường kéo dài từ 9 - 12 tháng, sau khi thực hiện tốt nhiệm vụ, anh em về nghỉ phép rồi lại tiếp tục đến đảo xa. Bản thân tôi năm nay đã là năm thứ 10 liên tục trực đèn ở các đảo. Phải nói rằng, ở những nơi thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm việc xa gia đình thì phải có một ý thức trách nhiệm cao và tinh thần tốt mới có thể trụ vững. Anh em nhà đèn Song Tử Tây ngoài làm công tác chuyên môn vẫn thực hiện tăng gia sản xuất, tham gia phong trào của quân và dân trên đảo, các đồng chí trẻ như anh Nguyễn Long Tuấn, Vũ Công Thập thì tham gia dân quân tự vệ. Chúng tôi là những người làm công tác dân sự nhưng vẫn luôn xác định rằng mình cần có trách nhiệm đảm bảo an ninh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Cán bộ, công nhân viên làm công tác gác đèn ở Biển Đông, tuy không phải là người cầm súng bảo vệ chủ quyền của đất nước nhưng cũng là người làm công tác nhân đạo trên biển để tàu thuyền qua lại, ngư dân của ta ra khơi đánh bắt xác định được chủ quyền điểm đảo của Việt Nam cũng như hỗ trợ nhau kịp thời khi tàu thuyền gặp nạn…
Trong 9 ngọn hải đăng ở Quần đảo Trường Sa thì hải đăng Đá Lát có chiều cao, cao nhất với 41,5 mét và điều kiện sinh hoạt kham khổ cũng như khắc nghiệt nguy hiểm nhất chính là ở những đảo chìm. Anh Bùi Văn Sơn, nhà đèn Đá Lát từng là lính hải quân, vì quá yêu vị mặn mòi của biển, nên khi xuất ngũ anh xin chuyển sang làm ở nhà đèn. Anh Sơn kể: Công tác tại các nhà đèn ở các đảo chìm, những lúc sóng to, gió lớn, ai cũng phải thường trực phao cứu sinh và xuồng cứu hộ, phòng khi tai biến bất thường. Ở nhà đèn đảo chìm rau xanh hiếm lắm, lâu lắm mới được 1 bữa. Một quả bí xanh cắt hàng chục phần, mỗi bữa một phần, xay thật nhỏ, nhuyễn và nấu với nước sôi đã thành canh. Khó khăn thế, nhưng anh em cũng quen dần cuộc sống trên đảo; đã có kinh nghiệm biết cách tăng gia nên vẫn có rau ăn… Anh Vũ Duy Tiến, công tác tại nhà đèn Trường Sa Lớn đã có tới 16 năm ở Trường Sa và đã đón 12 cái Tết trên biển. Anh Tiến cho biết, chính vì hiểu tầm quan trọng của ngọn đèn biển nên không chỉ anh mà tất cả những người gác đèn biển đều rất yêu nghề: “Chúng tôi luôn đoàn kết, yêu thương như anh em ruột thịt để từ đó thường động viên nhau hoàn thành nhiệm vụ, duy trì cuộc sống, tạo niềm vui trong lao động. Mỗi người một việc, việc nào cũng có ích, mỗi người cố gắng một tý sẽ đưa đất nước ngày càng phát triển đi lên”.
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết nhường phần ai”. Theo chân các anh nhà đèn Song Tử Tây trèo 111 bậc thang lên lau chùi, kiểm tra, bảo dưỡng đèn càng thấy thấm thía hơn lời ông Nguyễn Quốc Súy, Phó Tổng giám đốc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải từng chia sẻ: "Những ngọn hải đăng đang tồn tại nhờ vào ý chí và lòng nhiệt tình của công nhân đèn biển. Những ngọn hải đăng sừng sững hiên ngang đứng giữa biển như những con “mắt thần” luôn phát sáng để làm người bạn đường với những con tàu và như khẳng định đất liền – hậu phương lớn không hề xa.
Bài 4: “Mắt thần” của biển
Bài: Thành Chung; Ảnh: Minh Thông (Email từ đảo Song Tử Tây)