(Baonghean) Trong huyện đảo Trường Sa chỉ 3 đảo có người dân sinh sống đó là Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây. Để đảm bảo quyền được học hành cho các cháu bé trên đảo, năm 2008, tỉnh Khánh Hòa đã có chương trình đưa các thầy giáo ra Trường Sa… Với 12 thầy giáo được dạy học cho các em nơi vùng cực Đông đất nước, là niềm vinh dự đặc biệt hạnh phúc lớn lao.
-->> Xem Bài 4: “Mắt thần” của biển
Điểm Trường Tiểu học Song Tử Tây là 2 gian phòng học nằm trong khuôn viên của UBND xã đảo và cách không xa khu nhà ở của các hộ dân sinh sống trên đảo. Hỏi mới biết, việc đặt điểm trường ở đây nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong đi lại cho các em học sinh cũng như thuận tiện công tác cho thầy giáo. 4 thầy giáo ở điểm trường còn kiêm nhiệm nhiều công việc khác, người là Phó Chủ tịch xã, người là Chủ tịch UBMTTQ Song Tử Tây…
Trong giờ giải lao, chúng tôi đã tranh thủ chuyện trò cùng 4 thầy giáo ở đây. Thầy giáo Đoàn Quốc Thái lớn tuổi nhất, năm nay 30 tuổi, hiện đã có gia đình, vợ đang công tác tại huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Thầy Đoàn Quốc Thái kể: Đầu năm 2008, sau khi biết đến Chương trình tình nguyện công tác tại Trường Sa là anh viết đơn tự nguyện xung phong ngay. Trong suy nghĩ của anh và cũng như những thầy giáo khác thì ra với Trường Sa là một niềm vinh hạnh rất lớn của thanh niên khi được đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình chung tay xây dựng biển đảo quê hương. Và hơn nữa, ngay từ thơ bé, các anh đã có ước mong cháy bỏng trở thành nhà giáo, đứng trên bục giảng truyền thụ, dạy dỗ các em thơ… Thầy Thái khẳng định: Ra Trường Sa dạy học đó là một điều rất có ý nghĩa. Không riêng gì bản thân tôi mà 11 thầy giáo khác ở huyện đảo Trường Sa đều rất yêu công việc này.
Tất cả giáo viên ở huyện đảo đều là thầy giáo không chuyên, đại đa số các thầy đều trưởng thành từ phong trào Đoàn của địa phương, hoặc theo học các chuyên ngành ngoài sư phạm.. Bản thân Thầy Đoàn Quốc Thái cũng mới tốt nghiệp Trung cấp Văn thư lưu trữ... Thầy Thái cho biết: Trước lúc ra đảo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức tập huấn cho các giáo viên về phương pháp, kiến thức, kỹ năng sư phạm, nhưng đến khi áp dụng thực tế thì phát sinh rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như giảng cho các em về “cánh đồng lúa” thì học sinh hải đảo rất khó có thể hình dung, không thể chỉ qua diễn tả bằng ngôn từ để hình thành nên khái niệm, bắt buộc phải có tranh ảnh trực quan sinh động thì lại thiếu.
Trước những khó khăn này, bắt buộc các thầy phải không ngừng suy nghĩ để làm sao cho bài giảng đạt hiệu quả cao. Nhân các dịp nghỉ phép hiếm hoi 1-2 năm mới có một lần được về đất liền, các thầy lại vùi đầu vào các lớp bồi dưỡng, bổ sung, cập nhật kiến thức do ngành Giáo dục tổ chức. Nay thuận lợi hơn là với sự quan tâm, giúp đỡ hỗ trợ từ các ban ngành, địa phương, ở trường đã có máy vi tính, lại được nối mạng internet, các thầy có thể dễ dàng tìm tòi tài liệu để bổ sung vào bài giảng của mình.
Ở điểm trường Song Tử Tây, mỗi thầy dạy một khối lớp, dạy tất cả các môn và dạy các em suốt 5 năm tiểu học. Sau khi hết chương trình lớp 5, các em sẽ được chuyển vào đất liền để theo học bậc trung học cơ sở. Lúc các thầy mới ra đảo, ngành Giáo dục Khánh Hòa chỉ đặt ra mục tiêu là làm sao để các em biết viết, biết đọc và làm 4 phép tính cơ bản. Nhưng sau học kỳ một, xét thấy khả năng của mình, các thầy đã mạnh dạn đề xuất và tiến hành dạy các em tất cả các môn học. Riêng môn Ngoại ngữ và Tin học, các thầy nhờ các chiến sỹ đóng quân giỏi ngoại ngữ, tin học trên đảo sang dạy. Thế nên, trong đất liền, các học sinh được học môn gì thì ngoài Trường Sa này cũng vậy… Đánh giá kết quả học tập của các em thời gian qua, thầy giáo Đỗ Quốc Thái khẳng định: Học sinh không nhiều, một mình kèm cặp 2-3 em nên theo sát được các em. Kết quả học tập các em từng năm học đều đạt khá, giỏi trở lên. Chất lượng đảm bảo khi các em vào đất liền đều có thể theo kịp và tiếp nối thành tích đạt được. Tiêu biểu như: em Huỳnh Thị Tố Ngân, lớp 6, năm học vừa rồi đạt danh hiệu học sinh giỏi Thành phố Cam Ranh, em Nguyễn Linh Đoan – học lớp 8, em Phan Thị Thu Huyền – học lớp 6 đạt học sinh giỏi…Các thầy thường xuyên liên lạc, hỏi thăm tình hình học tập của các em. Và kết quả đó là nguồn động viên, khích lệ to lớn để các thầy tiếp tục dạy tốt.
Giờ lên lớp của thầy giáo Nguyễn Đình Việt. Ảnh: M.T
Dưới tán cây tra tỏa rộng bóng mát sân trường, thầy giáo Nguyễn Đình Việt, kiêm Phó Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây, tự ví mình cùng các đồng nghiệp và nhân dân xã như loại cây này. Những cây tra ở Trường Sa chỉ mới được hải quân Vùng 4 đưa từ Cam Ranh ra trồng dăm năm lại đây nhưng đã có mặt khắp các đảo nổi. Cây bén rễ nhanh, diện tích che phủ lớn, ít rụng lá, chống chọi gió bão tốt… Nói chuyện miên man, thầy Việt kể về những ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 đơn sơ, tình cảm mà đầm ấm vô cùng. Các em học sinh kết hoa bàng vuông, phong ba, hoa dại, em thì vẽ tranh, em thì hát múa tùy theo năng khiếu để tặng các thầy; Đảng ủy, chỉ huy đảo cũng đến chia vui ngày truyền thống, các gia đình trên đảo tổ chức một bữa tiệc nhỏ để mời các thầy thể hiện đạo lý “tôn sư trọng đạo” của mình… Giữa giờ chơi, rộn rã tiếng các em vui đùa, thầy giáo Trương Sứ Long (26 tuổi, đã có 5 năm giảng dạy và kiêm nhiệm Chủ tịch UBMTTQ xã đảo) chia sẻ: Chính những tiếng vui đùa của học trò đã làm chúng tôi vơi đi nỗi nhớ đất liền. Ở đảo, thầy với trò cũng chính là bạn bè với nhau. Ngoài giờ công tác, thầy vẫn cùng chơi đùa với trò nhảy lò cò, nảy banh, vẽ tranh trên cát…
Nhiệm kỳ công tác ở đảo 5 năm sắp hết, thầy giáo Đỗ Quốc Thái bày bỏ mong muốn thời gian tới sẽ có những thầy cô giáo được đào tạo sư phạm chính quy ra đảo dạy các cháu, có thêm nhiều trang thiết bị dạy, học trực quan. “Chứ chúng tôi chỉ biết đem hết nhiệt huyết của mình thôi” – Ánh mắt thầy Thái, trầm ngâm, xa vắng. Nhìn gương mặt với nụ cười hồn hậu, mái tóc xơ cứng, nước da rám nắng tôi hiểu được những sự cống hiến thầm lặng của các anh nơi đầu sóng ngọn gió…
Bài 5: Gieo chữ nơi đảo đá
Thành Chung (Email từ đảo Song Tử Tây)