(Baonghean) - Trong số các giải pháp được các nhà nghiên cứu, quản lý thống nhất đề xuất, việc xây dựng một cơ chế phối hợp giữa Chính phủ và các nhà tài trợ, xây dựng một cơ chế phối hợp thực hiện giữa các cơ quan trung ương và các địa phương với các nhà tài trợ trong việc xây dựng dự án, cũng như cơ chế vận động thu hút ODA, cơ chế điều phối, theo dõi và quy trình thực hiện giám sát… là rất quan trọng.

 
Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Sơn (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội), việc có cơ chế thống nhất sẽ nâng cao được khả năng vận động, thu hút và sử dụng một cách hiệu quả nguồn vốn ODA. Những dự án không khả thi, có vấn đề sẽ được loại bỏ và được thay thế bằng những dự án khả thi hơn, và đây chính là những cơ sở quan trọng tạo nên thành công của mỗi dự án, qua đó tạo niềm tin cho các nhà tài trợ và nâng cao khả năng thu hút vốn từ các nước và các tổ chức quốc tế. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến khâu chuẩn bị tốt dự án, vì hiện tại đây là khâu Việt Nam còn yếu - PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn nói. 
 
images1376861_m_t_d___n_du_c_t_i_tr__b_i_v_n_oda.__nh_mnh_h_a_c_a_s_ng_h_ng..jpgMột dự án được tài trợ bởi vốn ODA. Ảnh minh họa
 
Áp dụng cách tiếp cận và mô hình viện trợ mới 
 
Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn, hiện nay, Việt Nam thiếu sự chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng dự án, mà dựa chủ yếu vào các nhà tài trợ, do đó nhiều trường hợp nội dung dự án không phù hợp với phương hướng ưu tiên sử  dụng ODA, không đáp ứng được yêu cầu về nội dung của công tác thẩm định, đánh giá theo quy định hiện hành. Hơn nữa Việt Nam thiếu hẳn công tác chuẩn bị và cân đối các điều kiện cần thiết để thực hiện có hiệu quả. Thứ hai, khâu nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi cũng chưa được thực hiện tốt. Trong thời gian vừa qua, các dự án ODA đều được tiến hành nghiên cứu khả thi sau khi đã ký Hiệp định vay vốn, dẫn đến việc các dự án phải mất một khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm không rút vốn để thực hiện những công việc nêu trên, gây lãng phí thời gian ân hạn quy định trong hiệp định. 
 
Theo ông, ngay cả hệ thống thông tin về ODA cũng cần sớm hình thành, mới giúp thúc đẩy sự trao đổi thông tin giữa giữa các bộ, trung ương và địa phương của Việt Nam và giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ. Bên cạnh nỗ lực của Việt Nam để tăng cường sự phối hợp giữa Việt Nam và các nhà tài trợ, cộng đồng các nhà tài trợ cũng cần thực hiện các chương trình viện trợ theo phương thức tạo thông suốt cho quy trình ra quyết định, hạn chế đến mức tối thiểu sự phức tạp do có quá nhiều các dự án với những khác biệt về thủ tục, quy định và điều kiện tài trợ. Một trong những việc làm cụ  thể mà Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ cần làm là đẩy mạnh chương trình hài hoà thủ tục do WB khởi xướng. 
 
Để tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả sử  dụng ODA, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh bổ sung và sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật để phù hợp với cách tiếp cận và mô hình viện trợ mới nhằm bảo đảm một mặt bằng chung cho việc áp dụng các phương thức viện trợ. Việc thiết kế và bổ sung thiết chế tổ chức và trình tự thủ tục cho quá trình áp dụng phương thức hỗ trợ, tài trợ mới cần theo hướng thể chế hóa việc tiếp cận theo chương trình, bắt đầu ngay từ khâu vận động ODA, còn các ngành, vùng, địa phương thì cần xây dựng các chương trình mục tiêu làm cơ sở để thu hút ODA, hạn chế tối đa các dự án đơn lẻ - PGS.TS Nguyễn Ngọc Sơn nói. 
 
Chuẩn bị tốt hơn vốn đối ứng
 
Theo các nhà hoạch định chính sách kinh tế, trong việc thiết lập một lộ trình ưu tiên theo ngành và lĩnh vực khi lên kế hoạch vận động thu hút, sử dụng vốn ODA, quy hoạch tổng thể cần được điều chỉnh linh hoạt hơn. Các dự án ODA đã cam kết cần được đưa vào cân đối trong kế hoạch hàng năm và được nhanh chóng hợp thức hoá bằng các hiệp định vay vốn. Trong những năm tiếp theo, thu hút ODA cần tập trung vào những ngành, lĩnh vực, vùng miền theo thứ tự cần ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, thực hiện xoá đói giảm nghèo; năng lượng và công nghiệp; phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, bảo vệ môi trường, cấp thoát nước và đô thị, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cần cải tiến cơ chế quản lý nhằm nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn ODA, bởi nguồn vốn ODA mới không những đòi hỏi phải thay đổi phương pháp quản lý mà cần phải tăng cường năng lực con người tham gia quá trình quản lý và sử dụng nguồn  vốn này. 
 
Đồng thời, cần nâng cao trình độ, năng lực  của cơ quan và cán bộ thẩm định dự án ở các bộ ngành, địa phương, cả  chuyên môn nghiệp vụ, pháp luật và ngoại ngữ, kinh nghiệm quản lý. Công việc quản lý dự án ODA đòi hỏi  các cán bộ dự án phía tiếp nhận phải rất chủ động. Bộ máy quản lý dự án cũng cần được tổ chức, hoàn thiện theo hướng chuyên nghiệp. Đối với mỗi dự án ODA, nhà tài trợ đều yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải cung cấp vốn đối ứng theo một tỷ lệ nhất định, qua đó nâng cao tính trách nhiệm của Việt Nam, cũng như việc lựa chọn dự án ưu tiên. Như vậy, việc chuẩn bị tốt các nguồn vốn đối ứng sẽ nâng cao hiệu quả thu hút, thúc đẩy nhanh các dự án, cũng như củng cố lòng tin đối với các tài trợ. 
 
Các dự án vay vốn OECD (tổ chức hợp tác và phát triển Kinh tế) thường quy định vốn bảo đảm trong nước bằng 15% tổng trị giá dự án; các dự án viện trợ của các tổ chức Liên hợp quốc thường yêu cầu vốn bảo đảm trong nước bằng 20% trị giá dự án, do đó, nếu vốn đối ứng không được cung cấp đủ và kịp thời sẽ gây ra sự chậm trễ đối với tiến trình dự án, và việc bố trí đủ vốn đối ứng sẽ giúp cho quá trình triển khai dự án diễn ra nhanh hơn. 
 
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân 
 
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, tốc độ giải ngân thường thấp hơn kế hoạch vẫn là một hạn chế đáng quan tâm trong việc sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam. Mức giải ngân ODA của Việt Nam hiện nay còn thấp hơn mức giải ngân trung bình trong khu vực. Đây là điều rất đáng lo ngại vì nếu không đẩy nhanh tốc độ giải ngân, Việt Nam sẽ không thực hiện đúng tiến độ đưa các công trình được tài trợ bằng ODA vào hoạt động, từ đó sẽ ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, giảm hiệu quả sử dụng vốn, ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ KT-XH của đất nước, nhất là đối với các dự án có quy mô lớn như điện, đường sá. 
 
Mặt khác, tốc độ đầu tư công cộng chậm lại có thể ảnh hưởng đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tương lai. Giải ngân chậm sẽ  làm cho thời gian ân hạn của vốn vay bị rút ngắn, gây căng thẳng cho kế hoạch trả nợ của một số dự án. Và giải ngân chậm có thể làm giảm sút lòng tin của các  nhà tài trợ, do đó có thể tác động tới mức gia tăng nguồn ODA trong những năm tới. Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cần bảo đảm mọi vấn đề trong quá trình thực hiện dự án ODA phải được giải quyết một cách nhanh chóng và chính xác. Giải pháp quan trọng nhất là hoàn thiện môi trường pháp lý để không gây ra những bất cập trong quá trình thu hút, quản lý và sử dụng ODA như hiện nay - TS. Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho biết.  
 
Ngoài ra, một trong những định hướng quan trọng cho việc huy động, quản lý và sử dụng ODA trong thời gian tới đây là cần xây dựng cơ chế để khu vực tư nhân tiếp cận được nguồn ODA vốn vay, tăng cường sự tham gia cộng đồng trong thu hút và sử dụng ODA. Việc tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân được tiếp cận bình đẳng với ODA trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm, lợi ích và rủi ro cùng với Chính phủ trong sử dụng nguồn vốn này là rất quan trọng. Để thực hiện được, cần thể chế hóa sự tiếp cận của khu vực tư nhân  bằng các văn bản pháp luật với các hướng dẫn, quy định cụ thể đối với từng phương thức ODA và bảo đảm được sự an toàn vốn vay, giảm thiểu rủi ro.
 
Bên cạnh đó cần xây dựng cơ chế để khuyến khích cộng đồng dân cư, nhà khoa học, nghiên cứu… tham gia trong các khâu từ thu hút, vận động đến triển khai thực hiện và giám sát, đánh giá các dự án ODA. Theo các nhà tài trợ, muốn đạt được các mục đích đó, trước hết cần xây dựng cơ chế minh bạch thông tin tới tất cả các bên như nhà nước, tổ chức dân sự, người dân và xây dựng cơ chế theo dõi đánh giá, giám sát các dự án ODA cũng như các cơ chế để các đối tượng hưởng lợi hiểu rõ về vai trò, quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia vào các dự án ODA. 
 
 
 
Sông Hồng