(Baonghean) - Theo số liệu Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam công bố, nếu năm 2011 có gần 57,2 triệu người tham gia BHXH, BHYT thì đến năm 2014, đã có trên 64,1 triệu người và tính đến thời điểm 30/6/2015 đã tăng lên trên 65,263 triệu người tham gia... Số thu BHXH, BHYT tại thời điểm năm 2011 đạt gần 100 nghìn tỷ đồng thì năm 2014, số thu đã đạt gần 200 nghìn tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2011 và năm 2015 ước thu 213 nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, điều nhức nhối đối với toàn ngành và đối với xã hội là tệ nạn nợ đọng BHXH gia tăng. Tính đến ngày 31/6/2015 tổng số nợ đã vọt lên gần 11 nghìn tỷ đồng.
Hướng tới nền tảng an sinh bền vững
BHXH, BHYT là 2 chính sách xã hội quan trọng, trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội. Song trong giai đoạn tới, bên cạnh những thuận lợi thì ngành BHXH cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân. Theo Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh, năm 2015 và giai đoạn 2016 - 2020 là thời gian tập trung thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 21 - NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012- 2020”, đồng thời thực hiện các giải pháp để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển của ngành. Nhiệm vụ của ngành rất nặng nề, khi mục tiêu phấn đấu là đến năm 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, 35% lực lượng lao động tham gia BH thất nghiệp, trên 80% dân số tham gia BHYT… Điều này đòi hỏi ngành BHXH cần rút kinh nghiệm hoạt động trong giai đoạn qua, có bước đi mang tính đột phá nhằm thực hiện các mục tiêu nêu trên - Tổng giám đốc Nguyễn Thị Minh nói.
Để thực hiện các mục tiêu đã được đề ra, một trong những nhiệm vụ nặng nề mà ngành BHXH còn phải đối mặt là tệ nạn nợ đọng BHXH tràn lan. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, luôn coi nhiệm vụ thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và giảm nợ tiền đóng BHXH là nhiệm vụ hàng đầu của ngành. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ký quy chế phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm thuộc Bộ Công an trong việc thực hiện chính sách BHXH; phối hợp với các địa phương. Chúng tôi đã tiến hành nhiều giải pháp như: phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn đôn đốc, kiểm tra, chấn chỉnh các đơn vị cố tình né tránh việc tham gia BHXH đối với người lao động, khởi kiện các đơn vị nợ, đưa danh sách các đơn vị nợ lên các phương tiện thông tin đại chúng và đề nghị không tôn vinh, khen thưởng các đơn vị còn nợ tiền đóng BHXH... nhưng kết quả cũng vẫn còn chưa đạt như mong muốn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đỗ Văn Sinh nói.
Cố tình nợ để chiếm dụng quỹ BHXH
Không chỉ số nợ lớn mà còn có nhiều đơn vị để nợ trong thời gian dài, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Đặc biệt một số chủ doanh nghiệp (DN) trích tiền lương của người lao động để đóng BHXH nhưng không nộp hoặc khi các cơ quan thanh tra, xử lý thì DN mới chịu nộp. Một số trường hợp thanh tra lao động ra quyết định xử phạt hành chính về nợ tiền đóng BHXH nhưng DN không chấp hành nộp phạt. Thậm chí, một số DN bị kiện ra tòa về việc chậm đóng BHXH nhưng vẫn không chấp hành các phán quyết của tòa.
Nguyên nhân của tình trạng nợ BHXH ngày càng tăng có nhiều, trong đó có cả nguyên nhân do cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, chưa sát thực. Trong đó, do quy định mức lãi suất chậm đóng BHXH thấp hơn mức lãi suất vay ngân hàng nên đại bộ phận DN cố tình nợ BHXH chấp nhận chịu phạt để chiếm dụng quỹ BHXH. Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH còn nhiều bất cập như: thủ tục xử phạt phức tạp, không quy định xử lý hình sự khi chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động...Trước đây, cơ quan BHXH không có chức năng thanh tra, xử phạt vi phạm BHXH, do đó khi kiểm tra, phát hiện các đơn vị sử dụng lao động vi phạm pháp luật về BHXH chỉ nhắc nhở đề nghị DN chấp hành, sau đó phản ánh với UBND tỉnh hoặc UBND huyện để xử lý – Phó Tổng giám đốc Đỗ Văn Sinh nói.
Bên cạnh đó, nguyên nhân cơ bản là do tình hình kinh tế - xã hội thời gian qua gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng chậm, sản xuất kinh doanh đình đốn, sức mua thị trường giảm, nhiều DN phá sản, giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động không có khả năng đóng BHXH làm cho nợ BHXH tăng nhanh. Ngay cả trong nhận thức về trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc của người sử dụng lao động còn hạn chế, nhất là khu vực ngoài Nhà nước, do vậy cố tình không đóng BHXH hoặc chỉ đóng BHXH cho một số người trong bộ khung quản lý của đơn vị để giảm chi phí, thu lợi nhuận nhiều hơn. Việc ký kết hợp đồng lao động chưa được thực hiện đầy đủ, ký hợp đồng lao động theo vụ việc để tránh đóng BHXH; tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động thấp, chủ yếu theo mức lương tối thiểu vùng. Ngoài ra, chính người lao động cũng còn không am hiểu pháp luật và sợ mất việc làm hoặc bị đuổi việc khi đấu tranh với chủ sử dụng lao động về quyền lợi tham gia BHXH - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội Bùi Sỹ Lợi thẳng thắn cho biết.
Tăng cường tổ thu hồi nợ liên ngành địa phương
Ngoài các nguyên nhân trên, một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng nợ đọng tràn lan là do công tác tổ chức thực hiện có vấn đề. Các cơ quan quản lý và tổ chức chính trị, xã hội chưa phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động, người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc tại các DN. Các cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc đóng BHXH của các DN. Việc báo cáo tham mưu đề xuất của một số BHXH tỉnh, thành phố với cấp ủy, chính quyền về tình hình nợ BHXH chưa kịp thời; phối hợp giữa BHXH tỉnh và các sở, ngành trong tỉnh còn chưa chặt chẽ, cũng như UBND một số tỉnh, thành phố chưa kiên quyết thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về BHXH – Phó Tổng giám đốc Đỗ Văn Sinh bức xúc.
Chính vì vậy, một trong các giải pháp khắc phục của BHXH Việt Nam chính là tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể trong công tác thu hồi nợ đọng tiền đóng BHXH. Cần phải phối hợp có hiệu quả với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ công tác liên ngành, công an địa phương, Sở Y tế, Cục Thuế, Liên đoàn Lao động tỉnh... giao chỉ tiêu phấn đấu giảm nợ, số lượng đơn vị kiểm tra, thanh tra, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề và kiên quyết xử lý các đơn vị nợ. Kiên quyết lập hồ sơ khởi kiện ra toà án đối với DN nợ BHXH, BHYT, BHTN kéo dài, đồng thời báo cáo UBND tỉnh, thành phố để ngăn chặn sự trốn tránh nộp BHXH, BHYT của chủ DN.
Trong quá trình đó, việc phối hợp với cơ quan báo chí, đài truyền hình Trung ương, địa phương đánh giá phản ánh về nợ BHXH nhằm tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia là rất quan trọng. Về phía mình, chúng tôi cần thường xuyên tổ chức tổng kết, sơ kết đánh giá công tác thu BHXH, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức thu, thu hồi nợ nhằm kịp thời chỉ ra những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện và rút ra bài học kinh nghiệm. Để làm được như vậy, chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, đề xuất nội dung phân cấp, phân quyền cụ thể theo chức năng nhiệm vụ đối với BHXH các cấp và các bộ phận liên quan nhằm nâng cao trách nhiệm lao động chỉ đạo và điều hành, đồng thời tăng cường công tác trao đổi thông tin và kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan Trung ương với BHXH các địa phương để kịp thời giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thu BHXH. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh hoạt động phối hợp của cơ quan BHXH với Tổ thu hồi nợ liên ngành do UBND tỉnh, thành phố thành lập. Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp với hướng dẫn, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố có biện pháp tích cực hơn nữa đối với việc phát triển đối tượng, đôn đốc và thu hồi nợ BHXH - Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh bày tỏ quan điểm.
Sông Hồng
Trong những kiến nghị, đề xuất giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ đọng, BHXH Việt Nam đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện chức năng giám sát trong quá trình thực hiện chính sách về BHXH. Tăng cường giám sát cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012 – 2020. Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, cần phối hợp với cơ quan BHXH chia sẻ thông tin liên quan đến quản lý DN khi thành lập, hoạt động, khai báo thuế và quyết toán thuế hằng năm. Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn xử lý nợ khó thu BHXH. |