(Baonghean) - Hiện nay, việc chăm lo cho giáo dục không chỉ thu hút sự quan tâm của cha mẹ học sinh mà còn nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các tổ chức, đoàn thể và của cả xã hội. Xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao. Tuy nhiên, sự thiếu công khai trong việc chi và chi các khoản xã hội hóa chưa hợp lý đã gây nên những bức xúc, những dư luận không tốt...

-->> Xem Bài 1: Hiệu quả từ sự đồng thuận

Công văn 6890/BGDĐT-KHTC của Bộ GD&ĐT hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục và đào tạo nêu rõ: “Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của các trường, một trong những giải pháp được các trường sử dụng là huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân trường, nhà để xe, cổng trường, tường bao quanh.. hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy - học”. Thế nhưng 3 năm nay, Trường THPT Thái Lão (Hưng Nguyên) buộc phải dùng số tiền huy động xã hội hóa hàng năm để trả nợ công trình nhà học 3 tầng.

Năm học 2010-2011, nhà trường đưa vào sử dụng công trình nhà học 3 tầng (gồm 12 phòng) với tổng kinh phí đầu tư trên 6 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước cấp theo đề án kiên cố hóa là 4,2 tỷ đồng, còn tiền nhà trường phải đối ứng từ các nguồn thu hợp pháp là 1,8 tỷ đồng. Không có nguồn thu nào khác để đối ứng, nhà trường buộc phải dùng số tiền xã hội hóa huy động được từ phụ huynh để trả nợ công trình. Thầy giáo Trần Văn Đông, Hiệu trưởng Trường THPT Thái Lão cho biết: “Các khoản xã hội hóa chỉ dùng để sửa chữa nhỏ và mua sắm thiết bị dạy học chứ không phải để làm các công trình lớn. Nhưng khi nhà trường phải đối ứng 30% để xây dựng nhà học 3 tầng, không có nguồn nào khác đành phải vận dụng từ xã hội hóa. Năm học 2011-2012, trong số 530 triệu đồng từ đóng góp của cha mẹ học sinh, nhà trường phải dành 400 triệu trả cho nhà thầu, số tiền còn lại dùng để mua sắm trang thiết bị dạy học; dự kiến năm học này tổng số tiền huy động được là khoảng 600 triệu đồng, trong đó sẽ dành 500 triệu đồng để trả nợ công trình, số tiền còn lại sẽ đầu tư xây dựng hệ thống nước sạch cho học sinh và các thiết bị dạy học...”. Thực tế hiện nay, Trường THPT Thái Lão đang thiếu thốn về thiết bị dạy học, các phòng thực hành, thư viện chưa đạt chuẩn, thiếu dụng cụ... nhưng hàng năm số kinh phí huy động được để đầu tư cho khoản này còn rất hạn chế vì phải ưu tiên trả nợ công trình.

788488_small_89383.jpg



Trong lúc thư viện đang thiếu sách thì Trường Tiểu học Nam Nghĩa (Nam Đàn) lại mua sắm bàn ghế mới.

Còn Trường Tiểu học Nam Nghĩa (Nam Đàn) chi tiền xã hội hóa chưa hợp lý. Là trường thuộc địa bàn đặc thù (xã miền núi, có đông giáo dân), tỷ lệ học sinh nghèo cao (25 em thuộc diện hộ nghèo và 16 em thuộc diện cận nghèo, chiếm tỷ lệ 14%), nên việc huy động xã hội hóa rất hạn chế. Trung bình mỗi năm nhà trường chỉ huy động được khoảng 50 triệu tiền đóng góp tự nguyện từ cha mẹ học sinh. Nhưng thay vì sử dụng nguồn tiền này để mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học - một việc cấp thiết hơn, thì nhà trường lại dành toàn bộ số tiền này để đóng bàn ghế mới thay thế cho số bàn ghế cũ “chưa thật đúng quy cách”.

Năm học 2011-2012, toàn trường huy động được 42,8 triệu đồng, đã dùng để đóng mới 50 bộ bàn ghế (bàn liền giường để phục vụ học sinh bán trú); trong dự toán huy động xã hội hóa năm học 2012-2013, nhà trường dự kiến huy động được khoảng 43 triệu đồng và sẽ đóng mới 40 bộ bàn ghế để “thay thế một số cũ không còn phù hợp mẫu mã mới”. Trong khi đó, theo sổ sách của phòng thư viện và thiết bị, từ nhiều năm nay, số lượng sách và thiết bị được bổ sung chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thiết bị dạy học cũng chẳng khấm khá hơn; nhiều bộ môn, cả khối (2-3 lớp học) nhưng phải dùng chung 1 bộ thiết bị, có nhiều môn phải dạy chay hoặc phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng “sáng tạo” của mỗi giáo viên. Cô giáo Nguyễn Thị Hà, chủ nhiệm lớp 3B, Trường Tiểu học Nam Nghĩa cho biết: “Đồ dùng dạy học chủ yếu do giáo viên tự làm, có nhiều môn thiếu như môn tự nhiên xã hội, môn tập làm văn, tập đọc, cả khối chỉ có 1 bộ dùng chung nên đã cũ, rách...”. Sách, thiết bị phục vụ trực tiếp cho dạy học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học nhưng không được nhà trường quan tâm, ưu tiên mà chỉ chăm lo đến hình thức của bàn ghế... Điều đó thực sự không hợp lý.

Năm học 2011-2012, Trường Mầm non Cửa Nam (TP.Vinh) vận động được 115 triệu đồng từ xã hội hóa giáo dục, theo sổ sách của trường thì khoản này dùng để chi cho việc mua 40 phản nằm bằng i-nốc, 33 giá đồ chơi các loại cho 9 lớp học. Năm học 2012-2013, nhà trường vận động được gần 94 triệu đồng và phân khai các khoản chi như sau: Bổ sung bàn ghế, thay mới giá đồ chơi, mua thảm trải sàn mùa Đông. Từ con số phân khai các khoản chi cho thấy có sự lãng phí. Trong điều kiện hiện tại, cơ sở vật chất của trường đang chật chội, đồ dùng, vật dụng cho lớp học phải để tràn ra hành lang; đồ dùng, đồ chơi được cấp về không có chỗ để đành để tạm ở chân cầu thang. Vậy, việc sử dụng nguồn quỹ xã hội hóa để thay mới giá đồ chơi trong các lớp học liệu có cần gấp?

Từ khảo sát việc chi tiền xã hội hóa một số trường nói trên, có thể nói việc chi còn thiếu hợp lý, tồn tại nhiều bất cập. Thứ nhất, đó là tỷ lệ số tiền dành cho mua sắm sách, thiết bị trực tiếp phục vụ dạy và học rất ít so với kinh phí huy động được. Theo thống kê, năm học 2011-2012, toàn tỉnh huy động được 105.423 triệu đồng, nhưng kinh phí dành cho mua sách, thiết bị là 54.662 triệu đồng, trong đó, có một số đơn vị đạt thấp như: Diễn Châu (7,2%), Tân Kỳ (15%), Thanh Chương (16%). Thứ hai, khoản xã hội hóa chưa được sử dụng vào nhu cầu thiết yếu của học sinh, phục vụ lợi ích thiết thân của các em. Nhiều trường xây cổng ra vào hoành tráng với kinh phí đầu tư cả trăm triệu đồng nhưng khu vực nhà vệ sinh chỉ là một bức tường chắn, không có mái che, ẩm thấp, hôi hám. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh mới có khoảng 40% số trường có nhà vệ sinh đạt chuẩn. Có trường đổ dồn tiền xã hội hóa để thay mới bàn ghế, trong khi cô và trò lên lớp không có thiết bị, phải dạy và học chay, học sinh không có dụng cụ tập thể thao theo đúng nghĩa. Và điều bất hợp lý nhất là nhiều đơn vị, trong bảng lập dự toán để huy động thường là “Bổ sung bàn ghế, thay mới giá đồ chơi...” và năm nào cũng “bổ sung, thay mới”. Dù là bàn ghế bằng gỗ, bằng i-nốc hay nhựa thì cũng phải có “tuổi thọ” và “độ bền” nhất định, không thể chỉ dùng tạm 1 năm rồi thay như vậy được.

Bên cạnh đó, việc giám sát thu chi chưa được triển khai đồng bộ, chặt chẽ. Theo Công văn 1787/SGD&ĐT-KHTC về thực hiện các khoản thu chi năm học 2012-2013 của Sở GD&ĐT thì các trường phải “Báo cáo cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp để xin chủ trương và chỉ được tiến hành vận động và thực hiện sau khi có sự đồng ý của cơ quan cấp trên quản lý trực tiếp”. Theo đó, phòng GD&ĐT các huyện, thành, thị chịu trách nhiệm phê duyệt chủ trương đối với các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, hướng nghiệp dạy nghề huyện; Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm phê duyệt chủ trương đối với các trường THPT, trung tâm GDTX và các đơn vị trực thuộc tỉnh. Sau khi hoàn thành công việc, các trường phải niêm yết công khai và báo cáo quyết toán số kinh phí đã huy động và kết quả thực hiện với các tổ chức, cá nhân đã đóng góp kinh phí. Tuy nhiên, theo số liệu từ Sở GD&ĐT, đến thời điểm hiện nay, mới chỉ có 36/92 trường THPT xin chủ trương của Sở GD&ĐT để vận động; còn ở một số huyện như Nam Đàn mới chỉ có khoảng 50% số trường báo cáo với phòng GD&ĐT xin chủ trương vận động... Như vậy, ngay từ quy trình tiến hành vận động xã hội hóa các trường chưa thực hiện nghiêm túc, chưa chấp hành quy định theo công văn hướng dẫn của Sở chứ chưa nói đến các khoản chi tiền xã hội hóa.

Có thể nói, thiếu rõ ràng trong các khoản thu cùng sự bất hợp lý trong sử dụng nguồn xã hội hóa đã khiến việc huy động xã hội hóa giáo dục không có sức thuyết phục, tạo nên dư luận không tốt trong nhân dân.

(Còn nữa)


Thanh Phúc