Sau năm 2015 sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa (SGK) khác nhau trên cơ sở một chương trình chung.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu bên lề hội thảo “Đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào điều kiện ở Việt Nam” vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Lập tức vấn đề trên thu hút sự quan tâm và đồng tình của nhiều người. Không phải vì nó còn mới mẻ ở trong nước mà quan trọng hơn nếu được áp dụng, nó sẽ giải phóng người thầy khỏi khuôn khổ hạn hẹp của nội dung bài giảng của một bộ SGK hiện nay. Có nhiều bộ SGK, người thầy có nhiều phương án để hình thành nội dung tiết dạy mà theo mình là tốt nhất, hiệu quả nhất. Có nghĩa là thay vì thụ động, người thầy được kích thích khơi dậy sự sáng tạo nghề nghiệp. Điều mà lâu nay ta hô hào nhưng làm không được bao nhiêu.
Thật ra, đây là kết quả từ nhiều lần hội thảo trước đó về việc ban hành nhiều bộ SGK trên cơ sở một chương trình. Còn nhớ từ năm 2006, tại hội thảo “Nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông TP.HCM”, ông Huỳnh Công Minh, lúc đó là Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, đã đặt vấn đề: “Giới hạn của cơ chế ban hành chương trình hiện nay là chỉ thể hiện qua một bộ SGK. Mặc nhiên bộ SGK ấy có tính pháp lệnh. Cùng với phương thức thi cử và đánh giá, quản lý hành chính hiện nay, cơ chế ấy đã gò bó không ít tính sáng tạo của giáo viên (GV)”.
Do chỉ có một bộ SGK và những quy định “các bước” nội dung chặt chẽ của tiết dạy, GV khó vận dụng sát hợp đến từng học sinh (do chênh lệch về nhận thức, trình độ) và từng địa phương (do khác biệt về điều kiện kinh tế, xã hội, địa lý). Nếu vẫn cứ áp dụng một bộ SGK thì không thể giải quyết được những bất cập về yếu tố học sinh và vùng miền nêu trên.
Tất nhiên cũng có nhiều người e ngại việc sử dụng nhiều bộ SGK vì sẽ khó cho vấn đề quản lý nội dung bài giảng ở cấp trường, cấp sở. Để trả lời những khó khăn, bỡ ngỡ trên, có thể tham khảo cách làm ở các nước, từ đó rút ra cách làm của mình. Từ lâu việc biên soạn nhiều bộ sách trên một chương trình chung rất phổ biến ở nhiều nước (cả ở miền Nam trước 1975). Theo cách làm chung của nhiều nước, GV chỉ tuân thủ theo chương trình quy định thống nhất, còn bài dạy do GV tự biên soạn trình hiệu trưởng phê duyệt trước khi sử dụng. SGK và sách GV chỉ là tài liệu tham khảo.
Vấn đề còn lại là liệu GV có kịp đáp ứng với yêu cầu đổi mới này không. Có một thực tế là sau một thời gian dài “dạy theo sách, nói theo sách”, nay chuyển qua chủ động thực hiện bài giảng của mình, không phải GV nào cũng được chuẩn bị tốt về mặt tâm lý; đó là chưa nói về trình độ GV cũng còn có sự chênh lệch.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhìn nhận: Khó khăn là vấn đề đào tạo đội ngũ GV để có năng lực giảng dạy thực hiện theo yêu cầu chương trình mới. Bởi vậy, song song với việc đổi mới chương trình, SGK là việc nâng cao chất lượng GV. GV là một mấu chốt quan trọng của đổi mới. Nếu không giải quyết vấn đề GV thì đổi mới sẽ thất bại.
Đổi mới giáo dục: Cần nâng cao chất lượng giáo viên là vấn đề mấu chốt
Theo (phapluattp.vn) - HL