(Baonghean) Đồng bào dân tộc Thái chiếm tỷ lệ lớn nhất trong tổng số các dân tộc thiểu số đang cư trú trên địa bàn Nghệ An; đồng thời, đây cũng là một dân tộc còn lưu giữ và khôi phục được nhiều nét văn hóa mang đậm giá trị bản sắc truyền thống, tiêu biểu là việc phục dựng đền Chín Gian gắn liền với khôi phục lễ hội.

-->> Xem Bài 1: “Viên ngọc quý” trong kho tàng văn hóa người Thái

Theo truyền thuyết, đền Chín Gian được xây dựng từ thế kỷ XIV trên núi Pú Chò Nhàng (bản Khoẳng- Châu Kim- Quế Phong) để thờ Thẻn Phà (trời), Náng Xỉ Đả (con gái trời) và Tạo Ló Ỳ - người có công  khai bản, lập mường. Đền có tên gọi là tến Xớ Quái (đền Hiến Trâu), vì đền có 9 gian nên bà con còn gọi là tến Cau Hoong (đền Chín Gian).

Đồng bào Thái ở Quế Phong vẫn còn lưu truyền câu chuyện từ xa xưa, khi người dân chín bản, mười mường mở hội tế trời bỗng dưng có con rồng bay đến cuốn đi mất con trâu trắng của Mường Tôn. Thấy điềm xấu, Tạo Mường liền cho giết trâu làm lễ, cầu xin trời và các vị thần cùng tổ tiên dời đền đi nơi khác. Ngay lúc ấy, có con quạ cổ khoang trắng đến gắp miếng xương trâu bay đi và thả xuống một ngọn đồi nhỏ phía nam mường Tôn, còn gọi là Pú Căm (núi Vàng), tục gọi là Pú Quái (núi Trâu), nay thuộc bản Piếng Chào, xã Châu Kim (Quế Phong).

788130_small_88981.jpg

                           Chín bản, mười mường về đền Chín Gian làm lễ tế Trời.

Ngày trước, Lễ hội Đền Chín Gian được tổ chức ba năm một lần vào tháng 8 âm lịch. Đây là dịp để người dân chín bản mười mường tìm về nơi đất tổ mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Chín Gian ngày một xuống cấp và hư hỏng, theo đó lễ hội và tín ngưỡng cũng bị mai một dần. Nhưng trong tâm thức đồng bào dân tộc Thái ở Tây Bắc Nghệ An, ngôi đền trên núi Pú Căm vẫn luôn hiện hữu và việc phục dựng ngôi đền linh thiêng trở thành niềm mong ước, khát khao cháy bỏng. Niềm mong ước của bà con đã trở thành hiện thực vào năm 2004, đền Chín Gian được phục dựng gồm 9 gian, một ngôi nhà thờ hai gian (một gian thờ Bác Hồ và một gian thờ Phật). Hai năm sau (năm 2006), Lễ hội Đền Chín Gian được phục hồi với quy mô khá lớn và từ đó đến nay trở thành lễ hội truyền thống diễn ra vào trung tuần tháng 2 âm lịch hàng năm, để bà con nhớ về tổ tiên, nguồn cội và cũng là dịp để vui chơi giải trí đầu xuân, chuẩn bị tinh thần cho mùa vụ sản xuất mới. Năm 2008, đền Chín Gian được UBND tỉnh công nhận Di tích văn hóa.

Điểm nhấn của Lễ hội Đền Chín Gian là lễ hiến trâu. Sau khi trâu được đưa xuống tắm ở bến sông Tà Tạo (bến Quan) sẽ được dắt theo đoàn rước lên gần sân đền. Trâu được buộc chặt quanh cột gỗ, trai gái nhảy múa xung quanh theo nhịp tiếng cồng, tiếng chiêng mỗi lúc một rộn ràng. Lễ chém trâu được tiến hành trong tiếng reo hò của mọi người về dự lễ. Xong nghi thức chém trâu, thịt trâu được xẻ ra và chia cho các mường tiến hành làm lễ tế. Ở mỗi gian đền, khi bà mo hành lễ, đằng sau thường có 6-8 cô gái hát đệm bài cúng, kể về cuộc hành trình lên mường Trời, hành trình ấy có cả đường sông và đường bộ. Khi bà mo cúng đến chỗ đi thuyền, các cô gái hát "Hắp khắp nhứa", tức hát đẩy thuyền, tới chỗ Vua ở thì hát Chầu Phủa, tức lạy Vua. Buổi tế lễ diễn ra trong không khí rất đỗi linh thiêng, tất cả mọi người tham dự đều thành kính cầu xin sự bình an, phát đạt. Khi phần lễ được tiến hành xong, mọi người vui vẻ hòa vào dòng hội. Đó là chương trình giao lưu văn hóa- văn nghệ đặc sắc với tiếng cồng chiêng rộn rã; điệu nhuôn, điệu xuối ngân vang, điệu xòe quyến rũ và màn múa sạp uyển chuyển, nhịp nhàng. Tiếp đến là màn trình diễn trang phục truyền thống của các thiếu nữ Thái đến từ chín bản, mười mường. Với bước đi nhịp nhàng, uyển chuyển cùng một vóc dáng khỏe mạnh, các cô gái Thái vùng Tây Bắc xứ Nghệ đã góp phần tôn vinh vẻ đẹp hài hòa, kín đáo nhưng không kém phần tinh tế của bộ váy áo do tổ tiên bao đời truyền lại. Ngoài sân, hội trại đang tưng bừng, náo nhiệt, các trò chơi và môn thể thao truyền thống như kéo co, vật, ném còn, đẩy gậy, khắc luống, bắn nỏ, uống rượu cần lôi cuốn hàng nghìn người cùng tham gia cổ vũ. Ở Lễ hội Đền Chín Gian còn có những sản vật mang đậm hương vị của núi rừng qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Thái như cơm lam, chả moọc, thịt nướng...

Có thể nói, Lễ hội Đền Chín Gian là điều kiện lý tưởng để huyện Quế Phong đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ; đồng thời, cũng là để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng đối với các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, lễ hội còn góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa cũng như quảng bá tiềm năng du lịch của huyện nhà nói riêng và vùng núi Tây Bắc xứ Nghệ nói chung. Và qua đây, Quế Phong có thêm cơ hội để giao lưu văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em và kết nối vòng tay bè bạn.

Đối với Lễ hội Xăng Khan, thì đây là một nét tín ngưỡng tâm linh độc đáo của đồng bào dân tộc Thái. Lễ hội là dịp để bà con dân bản tạ ơn công lao của các ông mo - những người đóng vai trò nối kết giữa đời sống thực tại của bản làng và đời sống tâm linh - nơi hiện hữu của thần sông, thần núi, thần rừng và ông bà tổ tiên. Thông thường, Lễ hội Xăng Khan thường được tổ chức 3- 5 năm/lần vào dịp đầu xuân. Khi hạt thóc đã nằm trong bồ, khí trời đã ấm áp, vạn vật đang sinh sôi, các ông mo chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức lễ hội. Lễ hội Xăng Khan thường được tổ chức tại nhà ông mo có uy tín nhất bản, được gọi là mo chủ. Mấy ngày trước khi lễ hội diễn ra, trai gái trong làng đến nhà giúp ông mo hoàn tất các công việc chuẩn bị. Họ giã gạo, đánh trống, khua chiêng, khắc luống ngân vang khắp cả rừng núi, sông suối để báo cho các vị thần linh và ông bà tổ tiên biết rằng bản làng sắp mở hội. Tiếng trống chiêng vang xa đến đâu, người dân nơi ấy liền tìm đến chung vui.

Khi tổ chức hành lễ, giữa nhà mo chủ được dựng một cây hoa làm bằng tre hoặc nứa gọi là xăng tan (tương tự như cây nêu của người Kinh), chung quanh có chạm trổ và treo nhiều thứ hoa và sản vật núi rừng (chim chóc, cá, thóc lúa...) được làm bằng giấy hoặc chạm khắc từ gỗ. Khi cây xăng tan được chuẩn bị xong, mỗi ông mo trong trang phục truyền thống bắt đầu hành lễ bằng việc mở vò rượu cần. Vị mo chủ tay cầm quạt, đầu đội khăn và tiến hành việc cúng tế. Nội dung các bài cúng của các ông mo trong buổi hành lễ xăng khan là ca ngợi và bày tỏ lòng biết ơn của dân làng đối với các vị thần linh và tổ tiên đã ban cho con người nguồn nước, cây rừng, sản vật, ánh mặt trời và dạy cách chữa bệnh cứu người... Khi các ông mo đang hành lễ, mọi người có mặt chung quanh cùng đánh cồng chiêng, thổi khèn, pí và hát lên những điệu dân ca cổ truyền của người Thái (khắp, lăm, nhuôn). Rồi mọi người tay trong tay mở rộng vòng xòe, hòa cùng điệu lăm vông nhịp nhàng, uyển chuyển quanh cây xăng tan. Khi hội vui sắp kết thúc, chủ nhà hái từng bông hoa, sản vật buộc trên cây xăng tan đem tặng cho mọi người, điều này tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành sẽ đến trong thời gian tới. Một số vị cao niêm am hiểu văn hóa Thái ở các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn cho biết thêm, sau khi hành lễ xăng khan ở nhà mo chủ, tất cả mọi người cùng nối đuôi nhau thành đám rước đi khắp bản làng, qua cổng từng nhà để đem đến niềm vui, sự may mắn cho tất cả các gia đình, làng bản.

Có thể nhận thấy tín ngưỡng trong Lễ hội Xăng Khan của đồng bào Thái bắt nguồn từ quan niệm vạn vật hữu linh (tất cả mọi sự vật đều có linh hồn) và thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng. Nhưng rồi do nhiều nguyên nhân khác nhau (có cả khách quan lẫn chủ quan) nên Lễ hội Xăng Khan đã dần vắng bóng trong các bản làng người Thái từ 30- 40 năm nay. Nó chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của người già và thi thoảng được tái hiện qua các tiết mục văn nghệ biểu diễn trên sân khấu. Thời gian gần đây, nhận thấy vai trò của Lễ hội Xăng Khan trong đời sống văn hóa - tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, một số địa phương đã và đang hình thành ý tưởng khôi phục Lễ hội Xăng Khan. Điển hình như huyện Kỳ Sơn hiện đang xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch”. Một trong những nội dung quan trọng của đề án là ưu tiên việc nghiên cứu khôi phục lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc, trong đó có Lễ hội Xăng Khan của đồng bào Thái.

Nằm trong khuôn khổ đề án này, từ năm 2010 đến nay, bà con dân tộc Thái ở bản Na - xã Hữu Lập (Kỳ Sơn) đã hai lần tổ chức Lễ hội Xăng Khan. Ông Vi Đình Tới, người giữ vai trò mo chủ trong hai lần tổ chức lễ hội xăng khan ở bản Na cho biết: “Tôi thật sự không lưu giữ được tài liệu nào hướng dẫn cách tiến hành xăng khan, nhưng ngày còn trẻ, tôi thường theo chân các thầy mo khi hành lễ nên vẫn còn nhớ rất rõ. Qua hai lần tổ chức xăng khan, tôi thấy bà con bản Na hưởng ứng rất vui vẻ và nhiệt tình, tình đoàn kết bản làng càng được thắt chặt...”. Ngoài huyện Kỳ Sơn, chúng tôi được biết các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong hiện cũng đang triển khai sưu tầm, nghiên cứu để khôi phục Lễ hội Xăng Khan. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng đối với đồng bào dân tộc Thái, bởi lẽ họ đang có cơ hội tìm lại một nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo có lúc tưởng như đã bị thất truyền.


Công Kiên