(Baonghean) Phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi là 1 trong 3 phong trào lớn được các cấp hội nông dân ở huyện Quế Phong hưởng ứng, triển khai rộng khắp đa dạng nhiều hình thức. Qua đó, hàng trăm hộ nông dân đã đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên quê hương mình, làm thay đổi bộ mặt của huyện vùng cao.
Đến thăm trang trại VAC của anh Hồ Văn Khương, bản Hải Lâm 2, xã Quế Sơn, một trong những hộ được công nhận hộ sản suất, kinh doanh giỏi cấp huyện nhiều năm liền mới thấy được ý chí, nghị lực của người nông dân nơi đây.
Là người miền xuôi lên Quế Phong lập nghiệp, anh Khương một mình bươn chải, làm đủ các nghề để kiếm sống. Bắt đầu từ nuôi lợn, ban đầu là nhỏ lẻ dăm ba con, dần dà, thấy chăn nuôi có hiệu quả, anh vay mượn vốn về đầu tư xây chuồng, mua giống về thả. Đến nay, anh đã có một trang trại nuôi lợn quy mô lớn. Anh Khương cho biết: “Ban đầu chỉ nuôi bán thịt, nhưng sau thấy giá lợn giống cao quá, tôi mới quyết định chuyển sang nuôi lợn lấy giống. Sau một thời gian, kinh tế của gia đình được nâng lên thấy rõ”. Hiện trang trại của anh Khương có gần 30 con lợn nái và hơn 50 con lợn giống. Có thời điểm, số lợn giống trong chuồng lên tới hơn 150 con. Mỗi năm, gia đình anh Khương thu nhập khoảng gần 70 triệu đồng.
Trang trại nuôi lợn giống của hộ anh Hồ Văn Khương mỗi năm cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng.
Sau khi nuôi lợn thành công, anh Khương tiếp tục xây dựng mô hình VAC khép kín. Hiện anh còn có hơn 1 ha mặt nước để thả các loại cá chép, mè, trôi để tận dụng các tầng nước và thức ăn thừa của lợn, cung cấp cho thị trường mỗi năm hàng tấn cá. Nhận thấy việc kinh doanh nông hộ đơn lẻ chưa tạo ra được giá trị hàng hóa lớn, anh vận động thêm 9 hộ thành lập hợp tác xã chuyên cung cấp giống cây, giống con và sản phẩm nông nghiệp. Những sản phẩm chăn nuôi như cá, gà, vịt bầu Quỳ, lợn và rau được HTX hàng năm cung cấp cho thị trường vùng thị trấn Kim Sơn và các xã lân cận. Đây cũng chính là nơi cung cấp giống lợn cho các Chương trình 30a, nông thôn mới của huyện. Hiện vốn điều lệ của HTX là hơn 1 tỷ đồng và sắp tới sẽ tăng lên 3 tỷ đồng, mỗi lao động thu nhập trung bình hơn 3 triệu đồng/tháng.
Tuy là bộ đội về hưu, nhưng ông Sầm Khắc Nhương, bản Lông Không, xã Mường Nọc lại không chịu ngồi yên an hưởng tuổi già. Sau khi tìm hiểu tình hình thực tế tại địa phương, ông Nhương quyết định xây dựng mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng rừng. Ban đầu quy mô còn nhỏ chỉ vài con bò, nhưng hiện tại, trang trại của ông đã có hơn 20 con trâu bò, hơn 3 ha đất trồng rừng và 2 ha trồng rau màu. Mỗi năm, gia đình ông bán khoảng 6 con trâu, thu về gần 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, ông còn giúp đỡ thêm 3 hộ thoát nghèo bền vững, giải quyết việc làm cho 21 lao động thời vụ. Hay như mô hình của ông Vi Văn Du, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tri Lễ. Ông Du hiện đang trồng hơn 1 ha chanh leo; ông còn mạnh dạn đầu tư vốn đưa ba ba, hươu, nhím về nuôi. Mỗi năm, thu nhập của gia đình ông Du từ 80-100 triệu đồng.
Trên đây chỉ là 3 trong hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn huyện Quế Phong được công nhận hộ sản xuất, kinh doanh giỏi và có hiệu quả. Những năm gần đây, phong trào này đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp, có sức lan tỏa lớn tạo khí thế thi đua sản xuất trong từng xã, từng thôn, bản. Tính đến năm 2012, toàn huyện có 320 hộ nông dân được công nhận đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, cấp Trung ương có 3 hộ, cấp tỉnh có 28 hộ, cấp huyện có 90 hộ và cấp xã có 181 hộ. Trong số này đã xuất hiện nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn, có vốn kinh doanh hàng triệu đồng, thu hút hàng chục lao động, phát huy tiềm năng của địa phương và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Cũng từ đây đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn để liên kết và thực hiện đồng bộ hóa từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Điển hình như mô hình trồng rau ở Quế Sơn, trồng bí xanh ở Tiền Phong, mô hình chanh leo ở Tri Lễ, mô hình lúa chất lượng cao tại xã Mường Nọc…
Ông Kim Văn Mão, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Phong cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp hội đã tạo điều kiện cho hội viên vay nguồn vốn ưu đãi thông qua Ngân hàng CSXH, vốn vay chương trình giải quyết việc làm, quỹ hỗ trợ nông dân… để bà con nông dân phát triển sản xuất. Hiện tổng dư nợ thông qua ủy thác trên 97.995 tỷ đồng với hơn 4.000 thành viên tham gia. Hàng năm, Hội mở nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt. Riêng trong năm 2012, Hội đã tổ chức được 17 lớp tập huấn chuyên môn để “bổ trợ” thêm cho nhà nông những kiến thức mới, hiện đại, những cách làm hay mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó thúc đẩy phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng phát triển, thu hút đông đảo hội viên tham gia đăng ký phong trào… Nhờ đó mà riêng trong năm 2012, 186 hộ nông dân đã thoát được nghèo bền vững.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với người nông dân vẫn là nguồn vốn để đầu tư, phát triển sản xuất. Hiện nay, các hộ dám nghĩ, dám làm đang rất khó tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi thông qua ủy thác. Ông Mão chia sẻ thêm rằng, rất nhiều hộ muốn được mở rộng thêm diện tích chuồng trại, đầu tư thâm canh, nhưng do không có vốn nên đành “dẫm chân tại chỗ”. Vì thế, đa phần các trang trại, gia trại có quy mô sản xuất còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát. Việc ứng dụng các trình độ KHKT còn hạn chế dẫn đến chất lượng sản phẩm còn chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Theo ông Mão: “Cần có một cơ chế đặc thù trong việc cho nông dân đã thoát nghèo vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế là rất cần thiết”, ông Mão nói.
Quế Phong: Nông dân thi đua làm giàu
Phạm Bằng