(Baonghean) Hầu hết các bị cáo trong vụ án "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân" đều sinh ra sau chiến tranh, khi đất nước hòa bình, ổn định, từng bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển. Được sống trong một xã hội hòa bình mà biết bao thế hệ người Việt Nam đã đổ xương máu mới giành được (trong đó có cả người thân của các bị cáo), thế nhưng chỉ vì cả tin vào "miếng bánh vẽ", vì lợi ích tầm thường trước mắt họ đã trở thành"những con rối" của tổ chức phản động Việt Tân quay lưng lại với Tổ quốc, nhân dân. Những hành vi mù quáng, vi phạm pháp luật của họ đã phải trả giá bằng những bản án nghiêm khắc...
-->> Xem Bài 1: Tổ chức phản động Việt Tân và những ảo vọng
Là công dân Việt Nam, chắc các bị cáo đều biết Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo toàn thể nhân dân tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược, thống nhất đất nước, tiến hành công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc. Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước thống nhất, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Các bị cáo đều sinh ra, lớn lên và sinh sống trên đất nước này, được nhà nước tạo điều kiện cho ăn học, sinh sống và làm việc (9/14 bị cáo có trình độ cao đẳng, đại học). Lẽ ra phải biết trân trọng, ý thức được trách nhiệm công dân, đem trí tuệ và sức lực của mình cống hiến cho đất nước, quê hương. Thế nhưng, chỉ vì sự bất mãn khi nhìn thấy một vài mặt trái trong xã hội, sự tiếp thu các quan điểm sai lệch về "dân chủ", "nhân quyền", ngộ nhận cái gọi là "tự do", đội lốt "tự do dân chủ", "canh tân đất nước", ảo tưởng với những viễn cảnh phồn hoa mà các bị cáo đã có những hành vi vi phạm pháp luật, bán rẻ lương tri, tiếp tay cho tổ chức phản động lưu vong Việt Tân với toan tính thay đổi thể chế chính trị Việt Nam, lật đổ chính quyền nhân dân.
Người dự phiên tòa không khỏi xót xa khi chứng kiến 3 mẹ con bị cáo Đặng Ngọc Minh, Nguyễn Đặng Minh Mẫn và Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc cùng đứng trước vành móng ngựa vì tội "hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân". Là một giáo viên có nhiều thành tích, được nhà trường khen thưởng, nhưng Đặng Ngọc Minh đã không giáo dục con cái mình nên người mà còn xúi dục con "đi lạc đường". Theo như lời khai của các bị cáo thì sở dĩ rơi vào hoành cảnh bi đát này là do hai mẹ con (Đặng Ngọc Minh và Nguyễn Đặng Minh Mẫn) đã thường xuyên nghe đài VOA, BBC, Chân trời mới và truy cập vào các trang web của tổ chức Việt Tân. Mê muội trước những lời hứa hão của các thế lực thù địch nên đã gia nhập cái gọi là "Việt Nam canh tân cách mạng Đảng" (tức tổ chức Việt Tân) rồi lầm đường lạc lối, đi vào “mê cung” phạm pháp, chống phá Nhà nước Việt Nam. Sau khi gia nhập tổ chức Việt Tân, Đặng Ngọc Minh và Nguyễn Đặng Minh Mẫn còn tuyên truyền, lôi kéo Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc (con đẻ của Đặng Ngọc Minh và là anh ruột của Nguyễn Đặng Minh Mẫn) cùng vào tổ chức Việt Tân.
Đã nhiều lần cùng các con ra nước ngoài tham gia các lớp huấn luyện của tổ chức Việt Tân và tích cực tham gia các hoạt động do những kẻ cầm đầu của tổ chức này chỉ đạo, nhưng khi được nói lời cuối cùng trước tòa, bị cáo Minh nghẹn ngào: “Tôi là thân đàn bà, thiếu hiểu biết pháp luật nên tham gia Việt Tân, vi phạm pháp luật. Từ khi bị bắt và trước tòa tôi thành khẩn khai báo và nhận tội. Xin tòa xem xét cho hoàn cảnh của 3 mẹ con. Tôi đã không nghe lời chồng và đã đẩy 2 đứa con vào con đường phạm tội. Bây giờ 3 mẹ con vào tù, chỉ còn một mình chồng tôi bệnh tật già yếu nhưng phải làm lụng để kiếm tiền thăm nuôi chúng tôi”. Ngước mắt về hàng ghế bên dưới như muốn tìm kiếm người chồng đau khổ đang ngồi lẫn trong đám đông, bị cáo sụt sùi: “Em xin lỗi anh. Ngàn lần xin lỗi anh. Chỉ vì em không nghe lời anh nên đã đẩy các con vào kết cục ngày hôm nay. Xin tòa khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho tôi và các con. Tôi hứa sau này sẽ giáo dục con tôi trở thành người có ích cho xã hội”. Cũng giống như mẹ mình, khi được nói lời cuối cùng trước tòa, Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc run rẩy: “Tôi đã có hành vi vi phạm pháp luật, xin được hưởng lượng khoan hồng để tôi sớm trở về với xã hội”. Còn bị cáo Nguyễn Đặng Minh Mẫn lúc khai báo thì quanh co, chối tội, nhưng khi nói lời sau cùng trước tòa cũng phải thốt lên: “Con xin lỗi ba, xin tòa giảm án cho mẹ và anh tôi. Tôi thừa nhận tôi là thành viên của tổ chức Việt Tân. Tôi xin chấp nhận sự phán xét của pháp luật”.
Ngồi ở hàng ghế thân nhân, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, già nua trước tuổi của người đàn ông là chồng, cha của 3 bị cáo. Từ Vĩnh Long, ông lặn lội ra Nghệ An trong tiết trời giá buốt để được nhìn mặt vợ và các con, chứng kiến cảnh vợ và hai con đứng trước vành móng ngựa, suốt 2 ngày xử án, ông chỉ biết ngồi bất động với đôi mắt đỏ hoe. Ông chỉ mong sao vợ và các con ông khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải để được khoan hồng giảm án, sớm trở về làm lại cuộc đời. Khi nghe tòa tuyên án đứa con trai là Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc do ăn năn hối cải, thành khẩn hợp tác khai báo cả trong quá trình điều tra và trước tòa nên được khoan hồng và cho hưởng án treo, ông mới dám ngước mắt lên.
Trong phiên tòa này, nhiều người còn tiếc cho một số bị cáo được học hành đến nơi đến chốn, có việc làm đàng hoàng nhưng vẫn mù quáng tin vào “miếng bánh vẽ” của tổ chức Việt Tân. Đó là bị cáo Hồ Đức Hòa, một người tốt nghiệp đại học, trước khi bị bắt là giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Trần Đình. Với những hiểu biết của mình, Hòa "lang thang" trên mạng internet, rồi tiếp xúc và liên lạc với Lương Văn Mỹ (bí danh Dương) - thành viên tổ chức Việt Tân tại Hoa Kỳ. Với những "ảo vọng" do các đối tượng cầm đầu tổ chức phản động này vẽ ra, Hòa đã mù quáng trở thành thành viên đắc lực của tổ chức Việt Tân. Để rồi khi phạm tội, Hòa lại cho rằng: "Ủng hộ đa nguyên đa đảng vì thấy điều đó văn minh hơn và tốt hơn cho con người, nhất là đối với người nghèo. Tìm hiểu Việt Tân để xây dựng một xã hội tiến bộ hơn và bị cáo chưa có hoạt động gì để lật đổ chính quyền, bị cáo không nhận thức được hành vi của mình là có tội". Khi tham gia hoạt động, nếu không có lỗi, không phạm tội thì sao Hòa và các đối tượng do Hòa giới thiệu với Việt Tân phải mang bí danh? Việc Hòa khai "bị mê hoặc bởi phương pháp "bất bạo động" của tổ chức Việt Tân" trước tòa chỉ là ngụy biện, thiếu thành khẩn. Hòa có nghĩ rằng mình đã bị mê hoặc bởi "mùi đô la" và những chuyến "du lịch miễn phí" ra nước ngoài khi tham gia tổ chức Việt Tân mà quên mất mình đang đi ngược lại với lợi ích dân tộc?
Bị cáo Đặng Xuân Diệu cũng là một người tốt nghiệp đại học, giám đốc một công ty xây dựng, nhưng qua lời rủ rê của Hòa, lại được tổ chức Việt Tân bao ăn ở, đi lại nên đã 3 lần xuất cảnh ra nước ngoài, gia nhập tổ chức và tham gia các khóa huấn luyện của Việt Tân. Riêng đợt từ ngày 26 đến 31/8/2009, Diệu và Hồ Đức Hòa xuất cảnh qua Cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), sang Lào và Thái Lan. Tại đây, Hòa, Diệu được các đối tượng cầm đầu của tổ chức Việt Tân ở nước ngoài là Nguyễn Ngọc Đức (bí danh Quang), Nguyễn Kim (bí danh Tân), Ngô Trọng Đức (bí danh Minh), Nguyễn Hoàng Thanh Tâm (bí danh Thanh), Lương Văn Mỹ và một người có tên Hùng giới thiệu về tổ chức Việt Tân và huấn luyện các nội dung về phương pháp đấu tranh "bất bạo động", về kỹ năng lãnh đạo, an toàn vi tính, hướng dẫn cách lựa chọn người cho tổ chức Việt Tân theo 5 tiêu chí: trung thực, uy tín, kín đáo, nhiệt tình và có học thức. Ngoài ra, Hòa, Diệu còn được hướng dẫn cách thức liên lạc riêng rẽ với từng đối tượng cốt cán tổ chức Việt Tân qua skype, email, sim rác điện thoại, mật khẩu. Vậy nhưng, khi đứng trước tòa, Diệu vẫn quanh co không thừa nhận mình đã gia nhập vào tổ chức Việt Tân dù Việt đã được mời ra nước ngoài 3 lần và dự các khóa huấn luyện với những nội dung quan trọng, bí mật của Việt Tân.
Bị cáo Lê Xuân Sơn, tốt nghiệp cao đẳng, là hướng dẫn viên du lịch đi đây đi đó, có hiểu biết, nhưng cũng vì những “chuyến du lịch miễn phí”, những đồng đô la “cho không” của tổ chức Việt Tân nên đã gia nhập và phục vụ đắc lực cho tổ chức này. Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Sơn vẫn tỏ ra ngoan cố, không khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Thế nhưng, khi được nói lời cuối cùng, các bị cáo Hòa, Diệu, Sơn biết không thể trốn tránh được hành vi vi phạm pháp luật của mình nên đều phải thốt lên: “Bị cáo chấp nhận sự phán quyết của pháp luật”.
Bị cáo Hồ Văn Oanh có bố từng tham gia quân đội và được tặng thưởng huân chương, bố mẹ của Oanh từng được UBND tỉnh tặng Bằng khen vì đã có thành tích tham gia trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bị cáo Nguyễn Xuân Anh từng là một vận động viên đoạt nhiều HCV, HCB, HCĐ, bố cũng từng tham gia quân đội, được tặng thưởng huân chương, có chú ruột là liệt sỹ, bà nội là Mẹ Việt Nam anh hùng… Nhưng rồi nghe lời rủ rê của Hồ Đức Hòa, lại được xuất ngoại không mất tiền (tổ chức Việt Tân bao ăn ở, đi lại), nên đã mù quáng gia nhập tổ chức Việt Tân, phản bội lại lý tưởng của chính những người thân trong gia đình mình và Tổ quốc mình.
Bị cáo Nông Hùng Anh là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Lạng Sơn, được bố mẹ cho học hành tử tế, đang là một sinh viên đại học ở Hà Nội, mang theo biết bao nhiêu kỳ vọng của gia đình, họ tộc và quê hương. Thế nhưng, thay vì chăm chỉ học hành để đền đáp lại công lao nuôi dưỡng của bố mẹ, Nông Hùng Anh lại dùng kiến thức học được để “lang thang” trên internet, thông qua blog kết thân với thành viên của tổ chức Việt Tân và gia nhập tổ chức này.
Những ngày Nông Hùng Anh bị tạm giam, bố của y đã rất hẫng hụt và đau khổ vì đứa con mà mình gửi gắm biết bao hy vọng lại gia nhập một tổ chức phản động, phản bội lại Tổ quốc, điều mà ông không bao giờ tưởng tượng ra.
Bức thư của bố bị cáo Nông Hùng Anh gửi cho Tòa án Nghệ An để xin cho con mình được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
Khi biết tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An sẽ xét xử vụ án có con mình phạm tội, ông đã viết liền mấy thư gửi tới tòa án để mong con mình được hưởng lượng khoan hồng, trong thư có đoạn: “Con trai tôi là Nông Hùng Anh, là sinh viên trong khi đang học tập không nhận thức đầy đủ, lòng cả tin đã bị kẻ xấu lợi dụng, lôi cuốn và có hành vi vi phạm pháp luật, là bị can trong vụ án Hồ Đức Hòa. Bản thân tôi là người lính tham gia chống Mỹ cứu nước, tôi rất buồn và giận những việc làm sai của con tôi”, “Tôi rất tin ở sự tốt đẹp của chế độ ta. Tôi tha thiết đề nghị các đồng chí lãnh đạo tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, tổ luật sư đang thụ lý vụ án xem xét, chiếu cố, khoan hồng và giảm nhẹ cho con tôi được sớm trở về để có cơ hội học tập”.
Với những hành vi phạm tội đã gây ra, không những các bị cáo phải nhận sự trừng phạt của pháp luật, mà còn bị sự phán xét của tòa án lương tâm.
Nỗi đau khổ tột cùng của người mẹ khi có con mình là bị cáo trong vụ án này.
Điều đáng nói là trong vụ án này, đa số các bị cáo tuổi đời con trẻ, được học hành chu đáo, đáng ra họ phải đưa những kiến thức đã học được để phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước, song do muốn có cuộc sống sung sướng, không chịu tu dưỡng bản thân, làm ăn chân chính nên đã bị một số đối tượng phản động trong và ngoài nước lôi kéo vào con đường phạm tội, tin vào những viễn cảnh cuộc sống phồn hoa do bọn chúng vẽ ra.
Và một vấn đề đặt ra là tại sao những thanh niên, trí thức trẻ lại dễ dàng bị dụ dỗ, lôi kéo vào những trang mạng điện tử độc hại, để rồi nhanh chóng trở thành kẻ lầm đường đến vậy? Phải chăng, tâm lý khao khát cái mới là nguyên nhân để tuổi trẻ tự nguyện trở thành “tín đồ” của cộng đồng mạng? Có thể tìm thấy ở đây lời giải thích cho sự dễ dãi, cả tin mà một số bị cáo trong vụ án này đã vấp phải. Không phải mọi cái mới đều là cái hay, cái tốt và đó chính là cạm bẫy đối với giới trẻ khi trên cộng đồng mạng đầy rẫy những trang “web đen, blog độc” nhưng được ngụy trang kín đáo như là hiện thân của cái mới. Việc vào mạng internet để học tập, tìm tin tức và làm quen qua nhiều trang mạng xã hội đa dạng với các cư dân mạng khác là chuyện bình thường, ngày càng phổ biến và không bị pháp luật Việt Nam ngăn cấm. Tuy nhiên, do thiếu chín chắn và phiến diện về nhận thức chính trị, thiếu kinh nghiệm sống thực tế để tỉnh táo nhận diện thật - giả, đúng - sai, cho nên các bị cáo trong vụ án này đã mắc vào cái "bẫy độc" mà bọn phản động giăng mắc, để rồi phải chuốc lấy hệ quả ngoài mong đợi và cũng không bất ngờ.
Cũng chỉ vì những lợi ích nhỏ trước mắt như: được tài trợ tiền đi nước ngoài, được cho tiền và trang bị một số thiết bị và những lời hứa hão về những viễn cảnh phồn hoa… mà nhiều bị cáo trong vụ án này đã “ngoan ngoãn” trở thành “con rối” để các đối tượng cầm đầu tổ chức Việt Tân giật dây. Câu chuyện này phản ánh một “con đường” khá phổ biến đối với những người “lạc lối” đã bị kẻ xấu “đánh trúng huyệt”, những kẻ hám lợi nhất thời này chỉ “bảo vệ” những gì mà họ cho rằng mang lại “lợi ích” cho mình, để rồi sa vào con đường tội lỗi, phản bội lại Tổ quốc, nhân dân mình, mà quên đi mình và gia đình mình đang sống ở đâu, cuộc sống đó từ đâu mà có?
Vị chủ tọa xét xử phiên tòa này đã tâm sự với chúng tôi: Chính những lời nói ăn năn, hối lỗi cuối cùng của các bị cáo tại phiên tòa này đã giúp các bị cáo được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật.
82 năm tù dành cho 14 bị cáo là một bản án nghiêm khắc, là "cái giá phải trả" dành cho những người đi ngược lại lợi ích quốc gia, dân tộc; là bài học để cảnh tỉnh những kẻ mê muội, mù quáng đang âm mưu phá hoại Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam - thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam!
(Còn nữa)
Bài 2: Bài học cho sự mù quáng
Nhóm PVPL