(Baonghean) Như Báo Nghệ An đã khẳng định, hành vi phạm tội có tổ chức, tiếp tay cho các thế lực phản động thù địch, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân của các bị cáo trong vụ án vừa được Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử là rất nguy hiểm, mức án 82 năm tù dành cho các bị cáo là bài học cho những kẻ đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc...

-->> Xem Bài 2: Bài học cho sự mù quáng

Để có được một đất nước Việt  Nam hòa bình, độc lập, thống nhất như ngày hôm nay, biết bao thế hệ cha ông đã phải hy sinh cuộc sống của mình. Sau những năm bị chiến tranh tàn phá, cơ sở vật chất thấp kém, đến nay, nước ta cơ bản đã thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang lãnh đạo toàn dân đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn thể nhân dân ta (trong đó có cả kiều bào nước ngoài) đang cùng chung sức, đồng lòng đóng góp sức lực và trí tuệ đưa đất nước vững bước đi lên trên con đường hội nhập và phát triển.

Thực tế cho thấy, nhờ có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản thì đất nước chúng ta mới có được vị thế như ngày hôm nay; nhân dân ta có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình; có đủ điều kiện để phát triển toàn diện cả thể chất và tinh thần. Vậy mà, các thế lực thù địch, trong đó có tổ chức Việt Tân vẫn luôn rắp tâm đưa ra những luận điệu xuyên tạc, nói xấu Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ sự gắn bó giữa nhà nước với nhân dân, làm cho nhân dân hoài nghi về chế độ… hòng âm mưu phá hoại, lợi dụng lật đổ Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Các thành viên cốt cán của tổ chức Việt Tân đều là các phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, không chịu tỉnh ngộ để hướng về quê hương mà đang rắp tâm rình rập với những mưu toan đen tối, lợi dụng chính sách mở cửa, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước ta để xâm nhập vào Việt Nam dưới nhiều danh nghĩa khác nhau, ra sức tuyên truyền, phát triển lực lượng, công khai tổ chức và tiến hành nhiều hoạt động phá hoại.

Trong khi đó, rất nhiều người, trong đó có cả những ngụy quân, ngụy quyền, lầm đường lạc lối trước đây đã tỉnh ngộ, hối lỗi và hướng về Tổ quốc với những việc làm thiện nghĩa. Ông Nguyễn Cao Kỳ từng giữ cương vị Thủ tướng giai đoạn 1965-1967 và Phó Tổng thống giai đoạn 1967-1971 của chính quyền Việt Nam Cộng hòa là một minh chứng. Trong chuyến lần đầu trở về Việt Nam vào năm 2004, thấy đất nước đổi thay, phát triển vững chắc, vị thế nâng cao; xã hội ổn định, nhân dân ấm no, hạnh phúc, ông bùi ngùi: “30 năm trước tôi khóc vì tôi đã phải rời bỏ quê hương. Có thể nói đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi khóc. Và khi tôi nhìn thấy Thành phố Hồ Chí Minh từ trên máy bay trong lần trở về này thì cũng là lần thứ hai trong đời tôi nước mắt lại tuôn ra. Lại một lần khóc nữa vì tôi tìm lại quê hương”. Ông cũng khẳng định: “...sau 30 năm, khi đất nước đã thống nhất và đây là lúc cần sự tập hợp của tất cả người Việt Nam trong cũng như ngoài nước để phục hưng đất nước, để Việt Nam trở thành một con rồng châu Á.

Thế mà lại có những kẻ vẫn muốn quay về chuyện dĩ vãng. Chuyện không tưởng…”. Kể từ năm 2004, ông Nguyễn Cao Kỳ đã về Việt Nam bốn lần, lần nào trở về ông cũng mang cảm giác “rồi chim lại bay về tổ” , “Tôi nghĩ rằng riêng sự hiện diện của mình ở đây là một hành động rất rõ ràng”, “Tôi mong có một ngôi nhà nhỏ ở miền Bắc, một ngôi nhà nhỏ ở miền Trung, và một ngôi nhà nhỏ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, rồi cứ chu du từ Bắc vào Nam. Tôi đã sống ở cả ba miền, mỗi miền có những nét hấp dẫn, màu sắc đặc biệt, từ món ăn, tư duy, cho đến ngôn ngữ... Tôi nghĩ hoàn toàn có thể thực hiện được mong muốn này bởi tinh thần dân tộc của mình, cội rễ của mình sẽ gắn bó mình với nhau…”.

788436_small_89328.jpg

Bị cáo Minh hứa sau này sẽ giáo dục con cái trở thành người có ích cho xã hội.

Ông Nguyễn Phương Hùng quê ở Bắc Giang, từng tham gia quân đội của chính quyền Sài Gòn trước đây và tình nguyện vào lực lượng đặc biệt, nhảy dù và biệt động quân, làm việc tại cơ quan ngoại vụ tình báo SEC, di tản sang Mỹ ngày 27/4/1975. Tại Hoa Kỳ, Nguyễn Phương Hùng là một trong những nhân vật tham gia tích cực "đấu tranh chống cộng". Cho tới gần đây, qua tiếp xúc với người Việt Nam từ trong nước, đặc biệt là sau ngày về thăm quê hương, được chứng kiến những đổi thay cùng sự phát triển của quê hương, ông đã thay đổi suy nghĩ, có cách nhìn mới về Tổ quốc, về dân tộc.

Báo Nhân dân số ra ngày 28/9/2012 đã trích đăng bài viết “Trở về” của ông. Sau 36 năm xa quê, ông đã nhiều lần phải rơi nước mắt và thốt lên rằng: “Tôi khóc vì tôi yêu quê hương, vì tôi có tội với đất nước, tôi mù quáng tin vào những bông hoa được vẽ thật đẹp bên ngoài chiếc bánh ngọt đã thiu cũ của một thiểu số người cộng đồng hải ngoại. Tôi khóc vì tôi đã có một thời gian không giúp gì được cho đất nước mà lại không im lặng để người ta rảnh tay xây dựng đất nước. Họ - những người chiến thắng trong cuộc chiến và đã đưa một đất nước tàn phá vì chiến tranh và gánh chịu những hậu quả nặng nề của gần một thập kỷ dưới ách thực dân Pháp lên vị trí khá vững chãi tại Đông Nam Á. "Hãy nhìn những gì cộng sản làm", vâng bạn hãy nhìn đi”.



Thành khẩn nhận lỗi, ăn năn hối cải, bị cáo Phúc (X) đã được hưởng lượng khoan hồng với mức án 3 năm tù treo.

Quay trở lại trường hợp 14 bị cáo bị tổ chức phản động Việt Tân lôi kéo, khuyến khích, tài trợ vật chất và phương tiện để tham gia các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, khi được nói lời cuối cùng tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều tỏ ra ăn năn, hối lỗi và mong được gia đình, nhân dân tha thứ, được pháp luật khoan hồng để có cơ hội quay về làm người công dân có ích cho xã hội. Những lời sám hối dẫu có muộn màng nhưng là cần thiết, bởi sẽ không có chỗ dành cho những kẻ phản bội Tổ quốc, quay lưng lại với lợi ích quốc gia, dân tộc. Những người Việt Nam yêu nước chân chính sẽ không bao giờ để cho những kẻ phản động lưu vong đang được tập hợp trong tổ chức Việt Tân phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại chính quyền nhân dân mà các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao xương máu, trí tuệ mới có được. Như trong Bản Tuyên ngôn Độc lập đọc trước toàn thể nhân dân ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Tất nhiên, là công dân Việt Nam, ai cũng có quyền thể hiện lòng yêu nước của mình, có thể đóng góp trí tuệ, công sức và cả tiền bạc vào công cuộc kiến thiết bảo vệ đất nước. Thậm chí có thể xuống đường biểu tình để chống xâm lược như hiến pháp quy định, nhưng phải trong khuôn khổ của pháp luật, thể hiện bằng những đóng góp thực tế cho quốc gia, cho dân tộc, đặt lợi ích của dân tộc, của quốc gia lên trên tất cả. Hành động lợi dụng lòng yêu nước để chống lại nhà nước, chống lại nhân dân như lời ngụy biện của một số bị cáo trong vụ án này thì không người Việt Nam yêu nước nào có thể chấp nhận được. 14 bị cáo trong vụ án này đã “tiếp tay” cho tổ chức phản động Việt Tân thực hiện mưu đồ: gây mất ổn định xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền, xâm phạm đến sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Vì thế, bản án dành cho các bị cáo là hoàn toàn thỏa đáng, đúng người, đúng tội. Đây cũng là lời cảnh báo cho tất cả những kẻ đang lén lút có âm mưu đen tối chống đối, phá hoại thể chế chính trị của nhà nước ta.

Thực tế lịch sử đã chứng minh, Đảng Cộng sản Việt Nam là chính đảng duy nhất được toàn thể nhân dân Việt Nam gọi là “Đảng ta”, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước “của dân, do dân, vì dân”, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi!  Trả lời phỏng vấn trên Báo Tiền phong ngày 4 tháng 9 năm 2012, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cũng khẳng định: Lịch sử đất nước đã bao lần bị giặc xâm lăng, chủ quyền lãnh thổ vẫn còn nguy cơ bị nước ngoài đe dọa xâm phạm, tạo nên một thách thức vô cùng to lớn đối với đất nước ta, hơn lúc nào hết chúng ta cần tỉnh táo, kiên định phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Trong đó, cái bất biến là lợi ích quốc gia, dân tộc. Cái vạn biến là linh hoạt trong hợp tác, khôn khéo trong đấu tranh, sâu sắc trong tạo dựng lợi ích đan xen nhằm bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, củng cố vững chắc chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa.

Và cũng trong bài viết “Trở về”, ông Nguyễn Phương Hùng đã có những lời sám hối tuy muộn màng nhưng chân thành, thẳng thắn: “Tôi đã thật sự trở về với quê hương thân yêu sau những năm tháng dài miệt mài "đấu tranh" trong vô vọng, nhưng không phải vì vô vọng mà "Trở về", mà vì những lý do khác và rất tình cờ. Không một người Việt Nam yêu nước nào không nhớ đến quê hương, không nhớ đến cội nguồn dân tộc. Sự bất đắc dĩ phải bỏ nơi chôn nhau cắt rốn cũng là một cố gắng đối với những người thuộc thế hệ của tôi, huống chi bỏ cả đất nước và đồng bào để định cư tại một vùng xa xôi cách trở nửa vòng trái đất. Xét cho cùng sự ra đi và không trở về cũng là những điều không thể chấp nhận”.

“Tôi viết lên những tâm sự của Người Trở Về sau một cuộc hành trình dài trên đất Hoa Kỳ - đất nước của những người không nói cùng ngôn ngữ. Còn rất nhiều điều để viết vì quê hương đã có quá nhiều đổi thay. Trang sử đã lật qua và quá khứ thì không lấy lại được, cho nên tôi đi về phía trước để đồng hành với toàn thể dân tộc. Tôi nghĩ đã đến lúc tôi và mọi người hải ngoại bỏ nước ra đi nên có một lời tạ tội với đất nước. Qua bài viết này tôi xin tạ tội với Tổ quốc, với tiền nhân vì tôi đã ra đi và 36 năm không một lần trở về. Hôm nay tôi xin có lời cảm ơn tất cả mọi người đã xây dựng một đất nước Việt Nam và tôi hãnh diện trên mỗi bước chân tôi đi qua. Xin đừng cười chế giễu những giọt nước mắt. Tôi nghĩ rằng chỉ có những xúc động chân tình và sự giác ngộ thật lòng mới làm cho con người nhìn nhận được đổi thay không chối cãi”.

Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Phương Hùng... là những người đã từng đi đây đi đó, trải qua nhiều công việc, cương vị khác nhau dưới chế độ cũ, từng "chống cộng điên cuồng". Ra đi khi quê hương đang nghèo đói, lạc hậu bởi chiến tranh tàn phá, họ đi tìm cuộc sống "thiên đường" ở những nơi văn minh hiện đại, nhưng sau bao nhiêu năm xa cách, họ đã "ngộ" ra lỗi lầm và quay về Tổ quốc. Họ thật sự xúc động trước những đổi thay của quê hương đất nước và tiếc cho những năm tháng "không giúp gì được cho đất nước mà lại không im lặng để người ta rảnh tay xây dựng đất nước".  Và chúng tôi tin rằng, 14 bị cáo trong vụ án “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân” tuổi đời còn rất trẻ, lại được học hành đến nơi đến chốn, được trưởng thành và thụ hưởng thành quả mà ông cha để lại ngay trên đất nước Việt Nam này sẽ suy nghĩ về những hành động "mù quáng" của mình để "quay đầu lại", sửa chữa lỗi lầm, trở thành người có ích cho xã hội.

Chúng ta nghiêm khắc với những hành vi trái pháp luật để bảo vệ, xây dựng chính quyền nhân dân ngày càng vững mạnh. Song, truyền thống và đạo lý của dân tộc ta “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, bản án cho 14 bị cáo trong phiên tòa này là những bản án nghiêm minh, đúng người, đúng tội, nhưng cũng đã thể hiện sự khoan hồng đối với thái độ ăn năn hối cải của các bị cáo. Đó cũng là thể hiện bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.


Nhóm PVPL