(Baonghean) - LTS: Ở các bản làng của đồng bào dân tộc thiểu số, có những người đang nắm giữ bí quyết nghề truyền thống, cũng là những nét đẹp về văn hóa - nghệ thuật của dân tộc mình. Họ được bà con dân bản xem là nghệ nhân. Từ số báo này, chuyên trang MN-DT Báo Nghệ An sẽ giới thiệu một số bài viết phản ánh nỗi niềm, tâm tư của một số nghệ nhân ấy...

Chúng tôi về bản Mà, xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), tìm gặp ông Lương Thanh Đức (sinh năm 1957) để hỏi chuyện về cây khèn bè của dân tộc Thái. Bởi lẽ, ông được xem là một trong số rất ít người biết sử dụng khèn bè ở khu tái định cư này. Đang làm cỏ lúa ngoài ruộng, hay tin có khách ở xa đến thăm, ông Đức tất tả chạy về. Trước hiên ngôi nhà sàn làm từ chất liệu bê tông, gạch đá, ông bộc bạch những kỷ niệm cùng nỗi niềm của mình về chiếc khèn bè...

Ông Lương Thanh Đức sinh ra và lớn lên ở bản Mà, xã Kim Tiến (cũ), thuộc huyện Tương Dương. Bản của ông nằm bên dòng Nậm Nơn với bao thác, ghềnh hùng vĩ và chứa đựng không ít trầm tích văn hóa. Ở đó, mỗi khi vào mùa hội, mỗi khi bản làng có tin vui, từ chuyện cưới hỏi, làm nhà, đến mừng cơm mới đều vang lên những giai điệu rộn ràng, náo nức. Cùng với tiếng cồng chiêng, khắc luống, tiếng khèn bè ngân vang khắp cả bản làng, gọi bước chân trai gái tìm về cùng “say” điệu lăm, điệu xòe. Độ 10 tuổi, cậu bé Đức đã bắt đầu học cách sử dụng chiếc khèn bè từ bố. Bố cậu là người thổi khèn hay nhất, nhì bản, cuộc vui nào ông không có mặt để thổi khèn thì mọi người đều nhắc. Khoảng 15 tuổi, Lương Thanh Đức đã sử dụng thành thạo khèn bè, biết cách chuyển âm, chuyển điệu linh hoạt và hấp dẫn. Và cũng từ đó, mỗi lần bản có cuộc vui, cậu thường có mặt với vai trò là “nhạc công” khèn bè, đệm cho những bài lăm, nhuôn, xuối. Chiếc khèn bè đã trở thành bầu bạn, theo cậu lên nương, rẫy để xua đuổi nỗi mệt nhọc. Mỗi khi rảnh rỗi, cậu lại đem chiếc khèn ra ngồi trước hiên luyện cho thật nhuyễn. Nhiều lần, có những chiếc thuyền xuôi ngược dòng Nậm Nơn, qua bản Mà nghe tiếng khèn bè quyến rũ, hành khách đề nghị người lái thuyền ghé vào bờ lắng nghe. Và với tài nghệ chơi khèn bè của mình, hồi còn là học sinh cấp 2, Lương Thanh Đức được cử làm đội trưởng đội văn nghệ của trường. 
 
Học xong cấp 2, Lương Thanh Đức làm công nhân Lâm trường Tương Dương, vài năm sau trở về bản làm bí thư Chi đoàn. Chàng trai người Thái ấy lại tiếp tục gắn bó với nương rẫy, với bản làng, với những cuộc vui của bà con dân bản. Chiếc khèn bè tiếp tục là người bạn không thể rời xa, nó giúp chủ nhân chia sẻ những nỗi niềm trong cuộc sống. Thời điểm ấy, phong trào đoàn hoạt động rất sôi nổi, thường xuyên tổ chức giao lưu văn nghệ giữa thanh niên các bản. Có lúc, đội văn nghệ của Chi đoàn bản Mà còn ngược lên Hữu Khuông, Hữu Dương hay xuôi xuống Kim Đa, Yên Na... để giao lưu. Những lần như thế, âm thanh và giai điệu khèn bè của Lương Thanh Đức đã khiến nhiều người phải cảm phục. Có lần, chiếc khèn thường hay sử dụng bị hỏng, không thể phát ra giai điệu rõ ràng, ông Đức ngồi buồn mất mấy ngày, có lúc quên ăn. Hay tin có người ở bản Chà Coong (Hữu Dương) làm được loại khèn này, dù trời sắp tối nhưng ông vẫn chèo thuyền ngược sông để lên mua bằng được. Sau đó, Lương Thanh Đức được cơ cấu vào Ban thường vụ Đoàn xã Kim Tiến và được cử tham gia lớp học nghiệp vụ do Tỉnh đoàn tổ chức. Chiếc khèn bè lại theo bước chân người cán bộ đoàn xuống Thành phố Vinh để ngân lên những giai điệu mượt mà, quyến rũ. Bạn bè cùng lớp, đến từ nhiều vùng quê thường tìm gặp Lương Thanh Đức để chứng kiến và thưởng thức sự tinh tế, tài hoa của loại nhạc cụ đặc trưng của dân tộc Thái cũng như người sử dụng nhạc cụ ấy. Xong lớp học nghiệp vụ, ông Đức trở về được bầu làm Phó Bí thư, rồi Bí thư Đoàn xã. Công việc của ông lại tiếp tục với phong trào văn hóa - văn nghệ của bản mường, làng xã, chiếc khèn bè vẫn là bầu bạn trong mỗi cuộc vui. 
 
Rời công tác Đoàn, ông Lương Thanh Đức về làm cán bộ Chi hội Nông dân và lại trở thành hạt nhân của phong trào văn nghệ bản Mà. Ở vùng cao, không chỉ nam, nữ thanh niên mới say mê ca hát, mà lứa tuổi trung niên và người già cũng rất yêu thích văn nghệ. Tiếng khèn của ông Đức vẫn thường xuyên vang lên giữa không gian bản làng, hòa nhịp cùng thanh âm của đại ngàn và “tiếng thở” của dòng Nậm Nơn. Tiếng khèn ấy không chỉ vang xa đến bản trên, mường dưới mà còn ra Thị trấn Hòa Bình, xuống tận TP. Vinh trong những chuyến giao lưu, công diễn. Đặc biệt, năm 2001, ông Đức được thay mặt toàn bộ bà con bản Mà xuống báo cáo thành tích tại Hội nghị điển hình của Hội Nông dân tỉnh. Trong buổi giao lưu văn nghệ, ông tham gia tiết mục múa và thổi khèn bè. Các đại biểu đều thán phục tài biểu diễn của người đàn ông dân tộc Thái đến từ một bản làng bên dòng Nậm Nơn. Sau lần ấy, ông Lương Thanh Đức về bản, tập hợp lứa tuổi thanh - thiếu niên và vận động họ học cách sử dụng khèn bè. Một vài người kiên trì theo học đã ít nhiều có được thành công, trở thành “cây” văn nghệ có triển vọng của bản.
 
images1022986_img_0399.jpgÔng Lương Thanh Đức và chiếc khèn bè.
 
Năm 2006, bản Mà và nhiều bản khác của xã Kim Tiến thực hiện cuộc thiên di lớn nhất trong lịch sử bản làng: Về khu tái định cư ở Thanh Chương, nhường chỗ cho công trình Thủy điện Bản Vẽ. Ngày rời quê cũ, bao nhiêu đồ đạc ngổn ngang, có những cái tiếc lắm nhưng đành để lại, có những vật phải bán đi. Thế nhưng, chiếc khèn bè vẫn luôn ở bên ông Đức trên hành trình về quê mới. Cuộc sống nơi quê mới thời gian đầu còn rất đỗi bộn bề, phải đối mặt với bao khó khăn, thiếu thốn. Một lần nữa, chiếc khèn trở thành người bạn tâm tình, chia sẻ với ông bao nỗi buồn, vui, nhất là mỗi khi ông nhớ nơi ở cũ, nhớ tiếng thác của dòng Nậm Nơn. Cuộc sống nơi ở mới dần đi vào ổn định, phong trào văn hóa - văn nghệ tiếp tục được quan tâm, ông Lương Thanh Đức vẫn say sưa hoạt động. Ông từng có mặt trong Đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Tương Dương tham dự Liên hoan Văn hóa - Văn nghệ các dân tộc thiểu số toàn tỉnh. Nhưng có điều khiến ông băn khoăn là về khu tái định cư xã Ngọc Lâm, phong trào văn nghệ có xu hướng theo phong cách hiện đại, từ ca khúc, vũ khúc đến nhạc cụ. Những cái được xem là bản sắc âm nhạc của dân tộc Thái (dân ca, dân vũ, nhạc cụ) vai trò ngày càng giảm nhẹ. 
 
Thêm một điều khiến ông Lương Thanh Đức không khỏi buồn lòng, là chiếc khèn bè ông mang theo khi rời quê cũ đến nay đã 8 năm, nó không còn được như xưa nữa. Âm của nó giờ đã chệch, không thể chỉnh theo ý của mình nữa. Chiếc khèn bè giờ gần như chỉ dùng để làm cảnh, không thể thực hiện được chức năng chính là cất lên giai điệu đệm cho những khúc hát dân ca Thái. Mấy lần xã, rồi bản đưa vào đội văn nghệ đi giao lưu, biểu diễn, ông Đức đều từ chối với lý do chiếc khèn bè không còn dùng được. Ông muốn sửa lại chiếc khèn hoặc mua một chiếc mới, nhưng chưa biết nhờ ai sửa, chưa biết ở đâu có bán loại khèn này? Một lần, trong bản có đám cưới, có người khách từ Con Cuông mang theo khèn bè xuống giao lưu. Tiếng khèn ngân vang, lan tỏa khắp vùng khiến ông Đức tiếc nhớ những ngày chiếc khèn của mình khi còn tròn âm, rõ nhịp. Ông mượn thổi, rồi mê luôn. Ông hỏi mua, giá mấy cũng sẵn sàng nhưng người khách nhất quyết không bán. Ông lặng lẽ trở về nhà mày mò sửa chiếc khèn của mình, cuối cùng vẫn lực bất tòng tâm...
Tiễn khách ra về, ông Lương Thanh Đức chia sẻ: “Anh có điều kiện đi nhiều, biết ở đâu có ai bán khèn bè chỉ giúp cho tôi, đắt mấy tôi cũng mua. Hoặc anh mua giúp đem về tôi sẽ trả công. Không có khèn bè, thấy thiếu đi một nét bản sắc âm nhạc của dân tộc Thái!”.
 
 
Công Kiên