(Baonghean) - Là một trong những xóm văn hóa tiêu biểu của xã Nam Nghĩa (Nam Đàn), xóm văn hóa Tiền Tiến với 100% đồng bào giáo dân luôn đoàn kết một lòng phát triển kinh tế, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư...
Người đảng viên mẫu mực
Được sự giới thiệu của cán bộ văn hóa xã Võ Văn Cường, chúng tôi tìm đến gia đình giáo dân Nguyễn Hồng Hải (sinh năm 1961) – một trong những đảng viên vùng giáo tiêu biểu với 26 tuổi đảng, có 3 con học hành thành đạt. Vừa đến đầu ngõ, ông Hải đã vồn vã: “Chuyện ông đầu tư cho con ăn học, chuyện phát triển kinh tế vườn đồi, và cả chuyện hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới… tất cả ông đều làm theo đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước, là đảng viên mình phải gương mẫu, đi đầu, có như vậy bà con mới làm theo”.
Rồi ông Hải giới thiệu những thành quả mà bao năm qua vợ chồng ông vun vén: Năm 1979 ông đi bộ đội, năm 1983 do sức khỏe kém, ông chuyển về địa phương, lập gia đình với hai bàn tay trắng, các con lần lượt ra đời, biết bao khó khăn, vất vả. Về địa phương, được sự tín nhiệm của bà con lối xóm, ông bắt đầu tham gia công tác xã hội: Từ Công an xã Nam Nghĩa, rồi Xóm trưởng xóm Tiền Tiến và nay là Trưởng ban Mặt trận xóm… Dù ở cương vị nào ông cũng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước tới đồng bào công giáo trong xóm. Theo kinh nghiệm của ông: Muốn dân nghe, dân tin, mình phải là người gương mẫu đi đầu. Năm 1988, ông Hải được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Là một đảng viên, ông thấy mình cần phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu. Vì thế ông quyết định bàn với vợ phải phát triển kinh tế, nuôi con học hành thành đạt, khi đó mới yên tâm làm việc xã hội. Vợ chồng ông đã quyết định nhận khoán 1 ha đất rừng chuyên trồng keo lai đến nay đã 2 mùa thu hoạch, cộng với 5 sào ruộng khoán, hàng chục con gà, 2 con lợn nái, bồ câu và 2 sào rau ngót… Kinh tế gia đình ngày càng ổn định, ông Hải càng có điều kiện chăm lo việc xóm, việc làng.
Ông Hải cho biết: Tháng 12 năm 2012, xóm có chủ trương xây dựng 1 km đường rải nhựa, kinh phí vận động nhân dân đóng góp mỗi khẩu 720 nghìn đồng. Do mặt đường của xóm nhiều chỗ còn hẹp, cần phải mở rộng theo đúng tiêu chí nông thôn mới mà xóm lại không có kinh phí để đền bù nên cần phải vận động một số hộ dân hiến đất. Ban đầu những hộ trong diện cần ủng hộ hiến đất không ai chịu và phản ứng rất gay gắt vì xóm Tiền Tiến là xóm đất chật, người đông, đất ngày càng có giá trị, nhất là đất bám mặt đường lớn của xã. Đợt đó gia đình ông Hải đã hiến 140m2 đất vườn, tháo dỡ hai trụ cổng nhà trị giá số tiền lớn. Sau đó ông còn vận động 5 anh em trong gia đình và dòng tộc hiến 350m2 đất vườn, vận động 4 hộ gần nhà hiến 400m2. Trước việc làm của ông Hải, những gia đình còn lại cũng đã nhận thức ra và vui vẻ ủng hộ phong trào. Tính ra toàn xóm đợt đó đã hiến 2.200m2 đất để mở con đường theo đúng tiêu chí nông thôn mới.
Xóm văn hóa tiêu biểu
Rời nhà ông Hải, đi trên con đường bê tông phẳng lỳ được mở rộng bằng sự đóng góp tích cực của những giáo dân xóm văn hóa Tiền Tiến. Hai bên đường nhà cửa san sát, khang trang. Các gia đình ở đây nhà nào cũng vườn rộng nhưng không một tấc đất để trống, tất cả là một màu xanh của rau ngót, của vườn cây ăn trái sum suê, trù phú. Cán bộ văn hóa xã Võ Văn Cường vừa đi vừa giới thiệu với chúng tôi về cuộc sống của bà con xóm Tiền Tiến: Ban đầu chỉ có 20 hộ dân, đến nay xóm đã có 123 hộ trong đó có 121 hộ giáo dân. Với điều kiện thuận lợi nằm sát chân rú Nậy nên người dân trong vùng vận dụng phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê hàng hóa, ngoài ra còn khai thác nhựa thông, cùng với đó là chuyển đổi cây trồng vườn tạp sang chuyên canh rau màu hàng hóa mà chủ yếu là cây rau ngót. Hiện toàn xóm có 35 hộ chuyên canh trồng loại cây này, thương lái vào tận nhà để thu mua; 50 lao động chuyên làm nghề xây dựng, xuất khẩu lao động… Nhờ năng động trong phát triển kinh tế, chịu thương chịu khó, đoàn kết thống nhất trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước mà thu nhập bình quân hàng năm của người dân Tiền Tiến ngày một tăng: nếu như năm 2011 là 1,1 triệu đồng/người/tháng thì năm 2013 là 1,3 triệu đồng/người/tháng, phấn đấu năm 2014 sẽ đạt 1,5 triệu đồng/người/tháng.
Kinh tế ổn định, nhân dân đã chú trọng hơn trong việc đầu tư cho giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa mới. Nếu như trước đây tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng vẫn còn thì nay đã chấm dứt hẳn. 100% trẻ trong độ tuổi được tới trường. Đặc biệt, tỷ lệ các em đậu vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng cao, bình quân mỗi năm có từ 2 – 3 em. Để động viên các em, hàng năm, xóm đều tổ chức trao quà khuyến học. Bên cạnh đó, phong trào xây dựng gia đình văn hóa, sống tốt đời đẹp đạo được chú trọng. Nếu như năm 2011 có 79% gia đình văn hóa thì năm 2013 toàn xóm có 81% gia đình văn hóa. Ngoài gia đình ông Hải, trong xóm ngày càng xuất hiện nhiều gia đình văn hóa tiêu biểu nuôi con học giỏi, phát triển kinh tế giỏi như gia đình giáo dân Nguyễn Văn Huệ (năm nay 52 tuổi) có 2 con học đại học (1 đại học Cảnh sát biển, 1 đại học Kinh tế); giáo dân Nguyễn Văn Hân (70 tuổi) có 2 con tốt nghiệp đại học nay đã ra trường và có việc làm ổn định; giáo dân Nguyễn Văn Hùng (54 tuổi) con cái thành đạt, phát triển kinh tế trang trại, vườn đồi cho lãi ròng 50 triệu đồng/năm…
Ông Nguyễn Hồng Hải – Trưởng ban Mặt trận xóm cho rằng: Thuận lợi nhất của xóm là đội ngũ cán bộ nhiệt tình, dám nghĩ, dám làm. Chi bộ có 12 đảng viên, 6 năm liền đạt trong sạch vững mạnh, đảng viên phát huy vai trò gương mẫu đi đầu - đây là nòng cốt, là “đòn bẩy” để xóm Tiền Tiến phấn đấu xây dựng các phong trào khác. Đồng thời thực hiện tốt quy chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Bà con giáo dân luôn đoàn kết một lòng nên hầu như tất cả các hoạt động, phong trào xã phát động, xóm đều hoàn thành xuất sắc. Năm 2013, xóm Tiền Tiến là xóm giáo toàn tòng đầu tiên của xã Nam Nghĩa được công nhận xóm văn hóa tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với cuộc vận động “Sống tốt đời đẹp đạo” của Ủy ban MTTQ tỉnh trao tặng.
Thanh Thủy