(Baonghean) -Trong những ngày cuối tháng 11/2012, nhận lời mời của tỉnh Khăm Muộn (nước bạn Lào), tổ cựu chuyên gia 37 của tỉnh Nghệ An đã từng sang giúp bạn trong những năm chiến tranh chống Mỹ trở lại thăm nơi họ đã từng cống hiến sức lực và cả xương máu của mình vì tình anh em hai dân tộc, tình hữu nghị quốc tế cao cả. Với những cựu chuyên gia năm xưa, đất nước Lào đã là quê hương thứ hai…Phóng viên Báo Nghệ An cùng đi, ghi chép lại những tình cảm, cảm nhận về đất nước Lào.

11 cựu chuyên gia tổ 37 ở Nghệ An năm nay hầu hết đã ở độ tuổi 65-85, khi được tỉnh Khăm Muộn (Lào) mời thăm lại nơi công tác, chiến trường xưa thì ai cũng hăng hái, phấn khởi lên đường. Bởi Khăm Muộn đã là một phần máu thịt, nơi ghi dấu những tình cảm keo sơn… Từ Thành phố Vinh, đoàn theo đường Hồ Chí Minh vào ngã ba Khe Ve, rẽ tuyến đường 12A đến Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, tỉnh Quảng Bình để sang Khăm Muộn. Đường về cửa khẩu phẳng lì, các cán bộ của tỉnh bạn đã chờ đón tiếp, dẫn đoàn từ buổi sáng.

Khăm Muộn thuộc vùng Hạ Lào (Vương quốc Viêng Chăn xưa), phía Bắc giáp tỉnh Bolikhămxay, phía Nam giáp tỉnh Savannakhet, phía Đông giáp 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình (Việt Nam) và phía Tây giáp tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan); tỉnh hiện có 9 huyện và 1 thị xã. Trên đỉnh Trường Sơn (người Lào gọi là Xaiphouluang), xe đưa đoàn hạ dần độ cao, vượt 150km hướng về Thị xã Thakhek – tỉnh lỵ của Khăm Muộn, nằm bên dòng Mê Kông. Khăm Muộn bây giờ là đầu mùa khô, năm nay mùa mưa kết thúc sớm nên núi rừng như héo cả. Anh Xì-Thôn Mồm-Xai-Nhôm, Phó Ban Tuyên huấn tỉnh Khăm Muộn, cho biết: Người Lào ở Khăm Muộn hiện làm ruộng nước, lúa nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm và sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Hiện Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia đầu tư lớn nhất ở tỉnh… Các bác cựu chuyên gia hỏi thăm cán bộ Khăm Muộn về tình hình những người bạn Lào đã cùng ăn, cùng ở, cùng chiến đấu năm xưa; hỏi địa chỉ để đến thăm, buồn vì có những người không còn nữa.

786321_small_86910.jpg

Gặp gỡ đồng chí, đồng đội xưa

Giúp bạn đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng đất nước, từ năm 1965 đến 1975, Nhà nước ta đã có chủ trương thành lập các ban C – cử chuyên gia trên mọi lĩnh vực sang giúp bạn, đã có hàng chục nghìn lượt cán bộ Việt Nam sang Lào. Đây là đội quân không hàm, không hiệu nhưng đã chiến đấu và cống hiến không kém gì lực lượng vũ trang chính quy… Khăm Muộn trong những năm tháng ấy chia làm hai vùng: vùng tự do và vùng bị chiếm đóng; ở các huyện như Lằng Khằng hay Bua La Pha có nhiều bản đã bị xóa trắng bởi bom đạn, B52 mỗi ngày 2 lần “rải thảm” nơi này… Xe đã đưa đoàn đến ngã ba nơi bắt đầu đường Tây Trường Sơn lịch sử (trước là huyện Lằng Khằng, nay đã sáp nhập chung với Bua La Pha).

Bác Lê Đức Mười, 74 tuổi, ở huyện Đô Lương (nguyên là giảng viên Trường Trung cấp Thủy Lợi sang làm chuyên gia xây dựng cơ bản giúp bạn từ 1967 – 1974) cho hay: “Lằng Khằng là vùng đất mà hàng ngày cán bộ, bộ đội, người dân Lào phải “giơ lưng” chịu bom, chịu đạn; bom na pan, bom phát quang, chất độc da cam dội xuống những hầm tránh của thanh niên xung phong; mìn lá, cây nhiệt đới nhiều vô số kể. Có khi người đi trước chỉ vài bước quay lại nhìn thì thân xác các đồng chí, đồng đội phía sau đã bị bom đánh hòa vào cây cỏ”. Với bác Mười, kỷ niệm đau đớn không thể quên là vào năm 1969, khi đến bản Kồ Pào vào một đêm, bác Mười cùng đồng đội vào hang xin dân bản cho nghỉ nhờ; đến 4 giờ sáng thì dân bản gọi dậy để đi sớm tránh bom thả vào ban ngày; đi chừng 2 tiếng, nghe sau lưng tiếng đạn réo bom rơi. Sáng đó, 100 người dân bản Kồ Pào không còn ai sống sót – vừa kể, nước mắt bác Mười lăn dài trên gò má nhăn nheo.

Cảnh xưa, vật cũ vẫn như còn cả ở nơi đây. Bác Phạm Ngọc Lai (Thị trấn Anh Sơn), 67 tuổi, cựu chuyên gia khí tượng thủy văn, vẫn có thể nhắc tên những con sông, con khe, con suối mà bác và các bạn Lào từng đi qua và đo đạc những số liệu nhằm xây dựng các công trình phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Và phải có một ý chí quyết tâm cao độ vì tình hữu nghị của hai dân tộc mới giúp những người cán bộ vượt qua những cơn sốt rét ác tính, những hiểm nguy bom đạn, cây đè, sông nuốt, hổ vồ… Bác Nguyễn Văn Dũng, 70 tuổi (chuyên gia ngành lâm nghiệp giúp bạn từ 1966-1975) đã kể về thời gian 9 năm hoạt động sôi nổi trên đất Khăm Muộn. Bác tâm tình: vào năm 1969, bác đã từng cùng Xì Thôn, Trung đội Trưởng dân quân tự vệ Lào (sau này từng là Chủ tịch tỉnh Khăm Muộn) và 38 người khác chống trả tiểu đoàn địch 200 tên trong rừng tre huyện Noong Bok, ai cũng dũng cảm xông lên, bắn chết tên chỉ huy và đẩy lùi quân địch; Những ngày Tết của người Việt, người dân Lào đã vào rừng kín đáo tiếp tế bằng cách bỏ kẹo, thuốc vào bì ném lên những con đường mình hay đi và có ghi qùa nhân ngày tết của Việt Nam.

Ở rừng không có rau ăn, thấy cán bộ mình ăn sống ngon lành những bó rau muống bà con Việt Kiều cho, bà con Lào lại rủ nhau trồng rất nhiều rau trong rừng kèm theo lời nhắn “Rau đó cứ tự nhiên lấy mà ăn”. Và ngược lại, cán bộ Việt Nam hoạt động ở đây, khi trở ra vùng giải phóng áo quần có cái nào lành đều để lại cho bà con, có gì ngon đều sẻ chia, khi dân ốm đau có bao nhiêu thuốc men đều tập trung cứu chữa cho bà con. Vì lẽ ấy, bà con rất tin tưởng, đùm bọc… Bác Nguyễn Văn Dũng có một người con nuôi ở Khăm Muộn này – năm 1970, bác về hoạt động tại bản Xiềng Le, Tha Khek, vùng bị chiếm đóng. Đứa con trai lên 6 của ông Khăm Xẩy – Bí thư chi bộ bản bị lên sưởi, lại tắm nước lạnh nên bệnh biến chứng và ác hóa thành viêm phổi, viêm màng não, co thắt ruột. Mặc cho hiểm nguy đang vây quanh, 3 ngày liền bác Dũng và đồng chí y sĩ đã ở lại cứu chữa bằng cách tiêm kháng sinh, tiêm trợ tim, thuốc bổ, xoa bóp, lấy ống đu đủ thổi cho thông ruột. Cháu bé khỏe lại, dân bản làm lễ cho cháu bé nhận bác Dũng và đồng chí y sĩ làm cha nuôi.

Chuyện bạn giúp mình và mình giúp bạn thì dài lắm, như bác Nguyễn Văn Cầu, 74 tuổi, ở xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc (chuyên gia thủy lợi và nông nghiệp giúp bạn từ 1965 – 1975) nhớ chuyện năm 1968, bác đã cứu sống vợ một đồng chí Huyện ủy viên huyện Na Kai, người Lào Thơng, nhà ở bản Tơng do chị này bị bệnh hậu sản. Chẳng là khi bác Cầu và cán bộ mình qua bản thì gặp trường hợp vợ đồng chí huyện ủy viên vừa sinh xong, bị băng huyết. Nhà đã mời thầy mo nhưng thầy mo bắt ngồi ôm xôi gà để cúng; được chừng dăm tiếng, do mất máu nhiều, chị vợ đã gục xuống, ngất lịm. Bác Cầu vốn đã được đào tạo tương đối về công tác cứu chữa, từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng đã tiêm hết 40 ống Vitamin K, B1, B12 và thuốc bổ cho chị vợ; hướng dẫn người nhà rang gạo muối nóng chườm lên bụng. Gần sáng thì sức khỏe chị này đã cơ bản phục hồi. Bao nhiêu thuốc của đội công tác đưa đi đều để lại cho gia đình hết và bày cho gia đình lên nương lấy xơ những quả mướp già đốt thành tro, hòa nước sôi cho chị uống – bổ sung Vitamin K…

Bác Đặng Văn Nông thì kể về kỷ niệm năm 1969, khi bác cùng các đồng chí đang họp chi bộ trong hang tập trung hàng hóa ở bản Thà Thột, huyện Nhom Ma Lath thì bị địch phát hiện bắn phá dữ dội. Bị thương những tưởng là chết thì vừa dứt đạn, dứt bom, dân bản đã xông vào kéo ra cứu chữa, từ 14 giờ chiều đến 24 giờ đêm, dân bản đã bốc dỡ hàng chục tấn hàng di chuyển đến nơi an toàn.

Bác Phạm Xuynh, nguyên Tổ trưởng Tổ chuyên gia tuyên huấn giúp Ban Tuyên huấn tỉnh Khăm Muộn từ năm 1966 – 1973, bày tỏ: Luôn mong muốn hai nước Việt – Lào mãi mãi tiếp tục gắn bó hợp tác, mở ra những hướng hợp tác mới, nhất là trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, thương mại, văn hóa, du lịch, khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư hợp tác phát triển kinh tế, bảo vệ đường biên giới để giúp nhau càng phát triển… Những câu chuyện của ngày chưa xa về quê hương Nghệ An, quê hương Khăm Muộn như kéo quãng đường xích lại gần hơn.

Về đến khách sạn Mê Kông của Công ty Du lịch Trường Sơn - một đơn vị thành viên của Công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4, ở Thị xã Tha Khek thì cũng vừa lúc đồng chí Khăm Bay Đăm Lắt, Bí thư - Tỉnh trưởng Khăm Muộn đến chào đón đoàn. Đồng chí Khăm Bay khẳng định: Quan hệ hữu nghị truyền thống, đặc biệt giữa nước CHDCND Lào và Việt Nam nói chung, tỉnh Khăm Muộn và các tỉnh ở Việt Nam nói riêng đã được vun đắp qua nhiều thế hệ, mãi mãi bền vững và không gì có thể chia cắt được. Trong những năm qua, quan hệ hai nước, hai tỉnh ngày càng được củng cố và phát triển. Trong thời kỳ chiến tranh, nhân dân Lào luôn ghi nhớ công lao to lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam; trong chặng đường phục hồi và tái thiết đất nước, Việt Nam đã tiếp tục giúp đỡ Lào cả về vật chất, tinh thần…

Cuối chiều, dòng Mê Kông tím thẫm sương khói, những con đường ở Thị xã Tha Khek và Thị xã Nakhon Phanom (tỉnh có Khu di tích Bác Hồ, Thái Lan) bên kia sông đã lên đèn. Các cựu chuyên gia tổ 37 náo nức rủ nhau đến thăm nhà những người bạn cũ trên quê hương Khăm Muộn.
                                                                                      (Còn nữa)


Thành Chung