(Baonghean) Công tác tái định cư cho Dự án Nhà máy Thủy điện Hủa Na (Quế Phong) đã cơ bản hoàn tất và 1.406 hộ thuộc diện tái định cư của dự án đã về nơi ở mới; giúp cho dự án thủy điện trọng điểm này thực hiên đúng kế hoạch nút hầm, tích nước vào ngày 4/7. Tuy nhiên, đến nay đã gần 2 tháng Thủy điện Hủa Na tích nước, nhưng trong việc ổn định cho cuộc sống ở nơi tái định cư vẫn còn nhiều dang dở.

Thực trạng ở Piêng Cu

Tại Khu tái định cư đầu tiên Piêng Cu, xã Tiền Phong (triển khai cách đây 2 năm), cuộc sống của bà con vẫn rất khó khăn, thậm chí có những hộ chưa có nhà ở, chưa có điện, công trình nước sinh hoạt hư hỏng vẫn chưa được khắc phục…

Sau mấy ngày mưa tầm tã bởi ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5, chúng tôi ngược đường lên Khu tái định cư Piêng Cu, xã Tiền Phong (đây là điểm sớm nhất trong số 13 điểm tái định cư của Nhà máy Thủy điện Hủa Na). Hình ảnh đầu tiên là đoạn đường rải nhựa đã xuống cấp lầy lội đất bùn, đầy những “ổ voi” nối từ con đường lớn Phú Phương vào đến trung tâm Khu tái định cư Piêng Cu. Anh Hà Văn Phòng – Trưởng bản Piêng Cu 1 cho biết: “Trước đây khu vực này gọi là bản Piêng Cu, nhưng mới chia tách thành Piêng Cu 1 và Piêng Cu 2. Bản Piêng Cu 1 có 72 hộ, 290 nhân khẩu, đều là dân tộc Thái. Khi có Dự án Nhà máy Thủy điện Hủa Na, bà con ở bản Nong Đanh, xã Đồng Văn, di dời ra khu tái định cư mới này từ tháng 10/2010. Đã 2 năm đến nơi ở mới, nhưng bà con vẫn chưa ổn định cuộc sống. Lương thực phụ thuộc vào nguồn gạo hỗ trợ của nhà nước (30 kg người/tháng), ngoài ra người dân mượn đất đồi trồng sắn, vào rừng lấy măng, đào củ mài… hoặc đi làm thuê, làm mướn kiếm thêm thu nhập. Chưa có đất sản xuất đã đành, nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng. Những ngày mới đến, người dân được hưởng nguồn nước tự chảy với 6 cái bể nước cộng đồng, nhưng từ tháng 5/2011, đường dẫn nước dài khoảng 7 km bị hỏng nhiều nơi, nên toàn bộ 6 cái bể khô rang.

780993_small_80848.jpg

     Khu Tái định cư Huồi Siu, Huồi Lạn (xã Đồng Văn) phần lớn chưa xây xong nhà.

Hiện nay nguồn nước sinh hoạt của người dân tập chủ yếu sử dụng của những cái giếng đào do BQL Dự án Thủy điện Hủa Na làm và vào mùa khô là thiếu nước sinh hoạt”. Được biết, theo cam kết của BQL dự án, sau khi hoàn thành nhà ở sẽ hỗ trợ cho người dân lắp quạt điện, nhưng sau 2 năm vào ở, nhiều nhà vẫn chưa có điện và chưa được lắp quạt điện. Bản Piêng Cu 1 có 10 nhà chưa có điện, chưa có quạt, như các gia đình: Lang Văn Chiến, Lô văn Thiếu, Lương Văn Xô, Lương Thị Nhung, Hà Văn Hoạt… Những gia đình này thời gian qua phải dùng điện nhờ những gia đình xung quanh. Tại gia đình trưởng bản Piêng Cu 1, ngôi nhà vừa mới làm xong và mới chuyển đồ vào ở được mấy ngày. Do chưa được lắp nối điện lưới, nên gia đình xin kéo điện ở một gia đình cạnh bên mà cũng chỉ có 1 bóng điện treo giữa nhà.

Tại bản Piêng Cu 2 cũng xảy ra tình trạng tương tự, đặc biệt trong số 61 hộ đến khu tái định cư đã 2 năm rồi, nhưng đến nay vẫn còn 1 hộ chưa có nhà để ở, đó là trường hợp gia đình ông Lang Văn Hoài - Bí thư chi bộ bản Piêng Cu 2 - Hà Hồng Sơn dẫn chúng tôi đến ngôi nhà đang xây dở dang, chỉ còn một số phần hoàn thiện nhỏ trên mái nhà (còn một khoảnh chưa lợp ngói) và hệ thống chuồng trại và nhà vệ sinh. Hiện tại ở công trình này không có thợ làm. Tìm hiểu nguyên nhân được biết, gần 1 tuần nay nhóm thợ làm nhà ở này đang đình công.

Gặp anh Tôn Thế Lừng, là tổ trưởng tổ xây dựng, phàn nàn: “Tổ thợ của anh nhận làm một số căn nhà tái định cư qua Công ty TNHH Anh Đức (Hưng Nguyên). Căn nhà đang làm cuối cùng là của gia đình ông Hoài. Ngôi nhà đó còn thiếu 1.000 viên ngói và công trình phụ chưa làm xong. Hiện nay chúng tôi đang đình công, vì công ty không trả tiền công cho thợ. Riêng tôi đã làm được 137,5 ngày công, số tiền nhân lên được 22 triệu đồng, nhưng đến nay công ty mới trả cho tôi 3.365 nghìn đồng. Khi nào công ty trả tiền công cho chúng tôi từ tháng 7 về trước thì chúng tôi mới tiếp tục làm. Tổ thợ gọi điện hỏi thì lãnh đạo công ty cứ khất nợ hết lần này sang lần khác”. Ở bản Piêng Cu 2 có công trình nước sinh hoạt tự chảy nhưng đã hỏng từ tháng 5/2011, hệ thống giao thông nội bản bằng bê tông cũng bị hư hỏng nhiều nơi. Bà con dân bản cũng phản ánh, hiện nay Trường Tiểu học Tiền Phong 4 dành cho con em đến học đang thiếu nhiều bàn ghế, học sinh phải ngồi chen chúc, chật chội.

Tìm hiểu thêm về vấn đề nhận đất làm nông nghiệp, chúng tôi được biết, vừa qua, BQL Dự án Thủy điện Hủa Na đã quy hoạch và tổ chức cho bà con bốc thăm để sắp tới nhận đất vườn, đất đồi và đất màu. Theo tiêu chuẩn, đất được chia theo hộ. Hộ 2 khẩu được nhận 2 ha đất màu, 2 ha đất đồi và 2 đất vườn; hộ 3 – 5 khẩu được nhận 3 ha đất đồi, 3 ha đất màu và 3 ha đất vườn. Nếu được Nhà nước hỗ trợ cây, con giống và chuyển giao KHKT về chăn nuôi, sản xuất thì trên diện tích đó, bà con sẽ tạm ổn định cuộc sống.

Cuộc sống ngay của cả người dân di dời đến nơi ở sớm nhất của khu tái định cư Thủy điện Hủa Na cũng đang gặp nhiều khó khăn, thử thách và để bảo đảm cho bà con yên tâm ổn định cuộc sống thì chính quyền địa phương và đặc biệt là BQL Dự án Thủy điện Hủa Na cần giải quyết kịp thời những vướng mắc trên.

Bất cập... đồng bộ!

Qua tìm hiểu được biết, mặc dù công tác tái định cư của Dự án Thủy điện Hủa Na triển khai sớm nhưng trong quá trình làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc, nên xẩy ra tình trạng tiến độ di dời chậm, ảnh hưởng đến cả tiến độ dự án. Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, thì vấn đề san ủi mặt bằng và chính sách về hỗ trợ đền bù là “nổi cộm” nhất. Vì dân yêu cầu phải được bốc thăm nền nhà thì họ mới chịu nhận tiền hỗ trợ đền bù. Lỗi này là do nhà thầu. Còn chính sách đền bù vướng vào những quy định về nhà xây, nhà sàn, ruộng khai hoang, cây vườn, đất đã cấp bìa… mặc dù thực hiện trong một xã nhưng vẫn điều chỉnh nhiều lần mới thống nhất được.

Một vấn đề bức xúc của người dân tái định cư là năng lực, trách nhiệm của nhà thầu chưa cao, không đáp ứng được yêu cầu thực tế, dẫn đến nhiều hộ dân chuyển đến nơi ở mới nhưng đến nay vẫn chưa có nhà ở, phải sinh hoạt trong lều, lán tạm. Vấn đề này, theo ông Trần Quốc Thành - Bí thư Huyện ủy Quế Phong thì: Nguyên nhân là do thi công trên địa bàn khó khăn, đã vậy năng lực, thiết bị máy móc của một số nhà thầu còn hạn chế, nên công tác san ủi mặt bằng chậm và điều đó kéo theo nhiều hạng mục công trình cũng bị ảnh hưởng, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu sinh hoạt của người dân. Theo chủ trương của Nhà nước, làm nhà cho hộ tái định có 2 cách: Người dân tự nguyện làm nhà và nhận nhà tái định cư. Nghĩa là những hộ có nguyên vật liệu, có nhà sàn bằng gỗ thì tự nguyện chuyển ra nơi ở mới để làm nhà, hoặc đăng ký để nhà nước xây nhà ở. Thống kê cho thấy, có khoảng 25% số hộ tự nguyện làm nhà, số hộ này đương nhiên phải làm nhà tạm để ở; tuy nhiên huyện vẫn đề nghị BQL Dự án Thủy điện Hủa Na hỗ trợ tiền sinh hoạt cho dân. Những hộ này cũng được cấp điện, nước sinh hoạt đầy đủ. Song trong số những hộ tự nguyện làm nhà, nhưng do nguyên, vật liệu của họ quá kém, nên đến giờ chót mới đăng ký nhận nhà xây TĐC. Do đó đến thời điểm này, có những nhà đang giai đoạn đào móng. Những hộ này có thể chấp nhận phải ở trong nhà tạm để chờ nhà trong thời gian khá dài, vì thời điểm mùa mưa ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.

Được biết, một số nhà thầu sau khi ký hợp đồng được ứng vốn trước 40% giá trị công trình, nhưng do thời gian qua, các đại lý bán vật liệu xây dựng không bán chịu và giá cả vật liệu xây dựng tăng, nên nhiều nhà thầu gặp khó khăn. Đây là vấn đề “cực chẳng đã” đối với nhà thầu, song một số nhà thầu cũng chậm được nhận vốn từ chủ dự án là  Ban QLDA Thủy điện Hủa Na? Ngoài ra, các nhà thầu thiếu thợ chuyên nghiệp phải huy động các tổ thợ thời vụ ở Tân Kỳ, Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành… nên vào ngày mùa họ rút về làm ruộng, nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công.

Thực tế, công tác tái định cư của Thuỷ điện Hủa Na hiện vẫn còn nhiều việc phải làm.

(Còn nữa)


X.Hoàng – H.Vĩnh