(Baonghean) - Mong muốn viết thật hay, thật đẹp về miền biên viễn xứ Nghệ, thế rồi những ngày đầu tháng 7, trên 2 chiếc xe máy, chúng tôi đã vượt hơn 1.000 km để tìm đến những bản làng, điểm chốt từ Anh Sơn qua Môn Sơn – Lục Ngạn lên Cửa khẩu Nậm Cắn,  vòng về lại Tri Lễ, Quế Phong. Những trải nghiệm đã cho chúng tôi nhiều cảm nhận về người lính biên phòng, hiện thực cũng như sự đổi thay cuộc sống của người dân các xã vùng biên.

800644_small_102758.jpg

Ngược dòng Khe Khặng lên bản Cò Phạt (xã Môn Sơn, Con Cuông).

Cao Vều không còn xa ngái như nhiều người vẫn tưởng. Con đường nhỏ trải nhựa bóng loáng xuyên qua những đồi cao su vừa mới trồng tươi tốt, rồi vượt cầu treo Sông Giăng bốn mùa con nước đưa chúng tôi đến Cao Vều:  Nơi đây, những ngôi nhà sàn xinh xắn nép dưới tán cây rừng, những ruộng, bãi bắt đầu vào vụ mới…

Xanh tươi xóm nhỏ

Bản lớn Cao Vều được chia thành 4 thôn nhỏ, lần lượt là Vều 1, Vều 2, Vều 3, Vều 4 – Ông Lương Văn Kim, Xóm phó phụ trách an ninh kiêm chỉ đạo sản xuất Vều 4 giới thiệu: Cao Vều của những năm 1980 là một vùng núi rừng điệp trùng chỉ mươi hộ ở. Điều này chỉ thay đổi vào đầu những năm 1990, nhiều người dân tộc Thái từ các xã của huyện Tân Kỳ nghe tin bản Cao Vều đất còn rộng và rất màu mỡ đã sang khai khẩn rồi định cư. Bản Cao Vều bên dòng sông Giăng dần hình thành và phát triển với 300 hộ, 1.500 nhân khẩu. Người dần thêm, “lộc rừng” có hạn, đất bãi cũng hiếm hoi. Bản Cao Vều đông nhưng không trù phú, đời sống người dân khó khăn nhiều. Cơm ăn còn bữa đói, bữa no, nói chi đến việc phát triển văn hóa, học hành của con trẻ. Cao Vều là bản khó khăn nhất trong 25 xóm, bản của xã miền núi Phúc Sơn, huyện Anh Sơn.

Cuộc sống nơi đây mới chỉ đổi thay từ 4-5 năm nay, khi Nhà nước làm đường nhựa, kéo điện, xây trường trạm, nhà văn hóa. Bên cạnh đó là Nhà nước chia đất rừng, đất ruộng cho từng hộ dân và được bộ đội biên phòng hướng dẫn cách làm ăn, sản xuất: Từ đốt nương làm rẫy, bà con đã biết trồng lúa, trồng ngô, hoa màu trên đất bãi, biết thâm canh tăng vụ.

Núi rừng hoang trước chỉ tre măng, bà con đã biết khoang nuôi bảo vệ thành rừng trồng với những giống keo, cây ăn quả. Trước chăn nuôi tự cung, tự cấp nay người dân đã biết nuôi lợn, gà hàng hóa. Vều 4 có 68 hộ, tuy còn nhiều hộ nghèo nhưng nay đã không có hộ đói và xuất hiện nhiều hộ khá giả với các mô hình kinh tế tổng hợp… Sau cốc nước chè “ôn cố tri tân”, để chứng thực lời của mình, ông Kim dẫn chúng tôi đi một vòng quanh bản.

Dọc triền sông, đất vừa được cày xới xong chuẩn bị trồng mía. Đây là vụ đầu cây mía được đưa vào trồng thực nghiệm. Các nhà dân, người lớn đều đi làm, chỉ có vài cháu nhỏ chơi đùa, học bài. Bên núi, hai người đàn ông cặm cụi làm hệ thống dẫn nước khe về nhà, xuống kênh mương dưới bãi.

Trên con đường nhựa độc đạo qua các xóm, dẫn lên Đồn Biên phòng, Cửa khẩu đã mọc lên nhiều cửa hàng tạp hóa, có cả những người dân 2 bản Phun Mường và Mương Chăm của huyện Xay Chăm Phon, Lào sang mua bán. Bên bờ sông Giăng, đàn trâu, bò thủng thẳng gặm cỏ. Gà, lợn kiếm ăn bên vệ đường… Xóm phó Kim dẫn chúng tôi đến ngôi nhà sàn đang thi công dở. Những cột gỗ cho thấy nhà rất bề thế. Chủ nhà Hà Văn Nếp cười rõ tươi: “Gia đình có 5 sào ruộng, gần 1 ha đất rừng, được cấp trên hướng dẫn cho cách trồng dưa hấu, trồng bí hiệu quả gấp 5-6 lần so với trồng lúa, nên hai năm rồi trúng lắm. Gia đình nhờ đó mà có tiền để xây nhà. Ở bản giờ đã có nhiều hộ mua được xe máy, tivi, điện thoại”.

“Ngoài sự đầu tư, giúp đỡ của Nhà nước, quan trọng nhất thì người dân phải tự nỗ lực vươn lên. Cao Vều được như hôm nay nhờ ơn dạy chữ của bộ đội biên phòng đấy”. Nói rồi, ông phó bản chia tay chúng tôi, lên xã tiếp thu thêm kỹ thuật chăn nuôi gà đen do Chi cục Phát triển nông thôn tập huấn để về hướng dẫn cho bà con duy trì và phát triển đàn… Nắng sớm trên cánh rừng cao su rộng 3.000 ha (của Công ty CP Đầu tư và Phát triển cao su Nghệ An) nhảy nhót lấp lánh lên vai áo.

Ánh sáng đã về

Đầu giờ chiều, chúng tôi theo lời hẹn với ông phó bản vượt qua những con dốc cao đến thăm lớp học xóa tái mù cho chị em người Thái Cao Vều. Lớp học do Đồn Biên phòng Phúc Sơn phối hợp với Phòng Giáo dục – Đào tạo, Hội Phụ nữ huyện Anh Sơn tổ chức. Cán bộ, chiến sỹ biên phòng đảm nhận từ việc soạn giáo án đến giảng dạy. Lớp khai giảng từ năm 2009, chương trình chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 gồm 750 tiết (dạy biết đọc, biết viết, phép tính cơ bản, đã hoàn thành vào năm 2010). Giai đoạn 2 có 540 tiết và có thể hơn (dạy kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, vệ sinh môi trường, hiện đang tiến hành). Thời gian học rất linh động tùy thuộc vào thời tiết, mùa vụ, công việc của các chị em mà có thể tiến hành vào các buổi. Buổi học có khi chỉ kéo dài 1 tiếng, có khi xuyên suốt cả ngày. Chị em rảnh rỗi là các chiến sỹ đến dạy.



Thượng úy Lộc Văn Xao luyện viết chữ cho phụ nữ ở Cao Vều (Anh Sơn).

Lớp được tổ chức ở hội quán cũng là Trường Mầm non bản Trống, với một bảng đen, vài chiếc bàn ghế mượn từ Trường THCS Cao Vều. Khi chúng tôi tới, “thầy giáo” Thượng úy Lộc Văn Xao đang vừa hướng dẫn cho hơn 20 chị em cách trồng mía, vừa cầm tay uốn nét cho một vài người khác (mới nhập học). Học sinh đều có độ tuổi từ 30-50, nhiều người còn dẫn cả con, cháu cùng đi học. Có khách đến, thầy trò vui lắm, tiếng Thái, tiếng Kinh ríu rít. Các “Ợi, Noọng” thấy có chụp ảnh thì xoắn xít “Để ta về nhà ta mặc cái váy đẹp đã nhé”… Thầy giáo Lộc Văn Xao cho hay: Trước đây, qua điều tra thấy rất nhiều phụ nữ bị mù chữ và tái mù nên chính quyền xã đã đề nghị với Đồn mở lớp giúp đỡ. Hồi khai giảng, lớp có 32 chị đăng ký, nhưng sau đó có 6 chị vì con nhỏ, nhà quá khó khăn nên xin nghỉ. Lớp duy trì sĩ số 26. Chuyển qua chương trình dạy làm ăn, chị em đến xin học chữ đông hơn.

Chị Hà Thị Minh, 45 tuổi, Chi hội phó phụ nữ, thành viên Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình bản Vều 4 mời nước khách, kể chuyện: Để hình thành nên lớp học cũng rất gian nan. Hội Phụ nữ và các chiến sỹ ở Đồn phải đi đến từng nhà vận động chị em tham gia học. Ban đầu chị em rất ngại ngần vì bận rộn việc nhà, đồng áng, người thì con mọn, người thì nhận thức sai “sợ đi học bị mờ mắt”. Nhưng rồi, chúng tôi đã kiên trì vận động được, nói cho cả vợ lẫn chồng hiểu “muốn xóa đói, thoát nghèo thì phải đi học, biết cái chữ mới biết cách nuôi trồng, sản xuất đúng, có hiệu quả”.

Chính những ông chồng là người lọt cái tai trước nên đã động viên vợ đi học. “Trong gia đình 2 vợ chồng thì phải một người biết chữ, sau còn bày cho con, cháu biết đọc, biết viết nữa”… Các chị vẫn nhớ mãi thầy giáo đầu tiên Nguyễn Tiến Lượng với những bài học vỡ lòng A, B, C. Chị nào không biết cách cầm bút, thầy đã kiên trì nắn từng nét chữ. Chị em chăm chỉ, vừa học thầy, học bạn nên tiến bộ rất nhanh. Chị Vy Thị Luận, 52 tuổi, học được 3 ngày thì đã thuộc được bài ca dao “Con mèo mà trèo cây cau”.

Chị Vy Thị Thường, 46 tuổi đã lên chức bà ngoại, dẫn cả cháu đi học tâm sự: Mẹ tôi mất lúc tôi mới tuổi rưỡi nên về ở với bố và dì, học đến lớp 3 phải nghỉ để giúp việc nhà và chăm em. Lấy chồng, sinh con rồi lên đây lập nghiệp, tôi cứ nghĩ không cần cái chữ nhưng khi muốn vay ngân hàng tiền để làm ăn lại không biết viết, ký ở đâu. Thế là phải đi học thôi… Đi học biết thêm nhiều cái hay, nhất là cách chăn nuôi, trồng lúa, trồng keo. Hay nữa là, thấy ông bà đi học, con cháu lấy đó để làm theo. Ở bản giờ không còn cháu nào bỏ học, hơn 10 cháu đã tốt nghiệp cấp 3.

Những góc tối

Chiều dần buông bên dòng sông Giăng, nắng dệt lên sóng muôn vàn hình mắt lưới. Giọng ông Lương Văn Kim trầm buồn: Mấy năm ni, sông cũng đổi dòng đấy, lấn vào phần đất canh tác của bà con. Nguyên nhân dẫn đến là bà con ở đây vẫn lên rừng phát nương, chặt gỗ. Và không biết từ đâu những con thuyền hút, đãi vàng về tàn phá dòng sông. Mấy thuyền này hoạt động ngay ở chân cầu tạo thành hố sâu, bà con bản tổ chức đẩy đuổi thì lại chạy xuống mạn dưới bản. Năm ngoái đã có 2 cháu chết đuối vì tắm rơi xuống hố sâu do khai thác vàng gây ra. Sâu thẳm trong mắt ông Kim vảng vất những ngày u tối chưa xa - dân trí thấp, vi phạm Luật Bảo vệ rừng, dân bản rượu chè… Sự thật tình trạng này vẫn đang còn mà bằng chứng là từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã bắt 8 vụ, 12 đối tượng buôn bán lâm sản trái phép, dùng kích điện, chất nổ đánh cá trên sông, gây rối trật tự công cộng, đánh bạc.

Trên đường về Đồn Biên phòng Phúc Sơn cùng Thiếu tá Vi Văn Cương, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ, ngang qua xóm Vều 3, chúng tôi đã gặp đám cưới do gia đình chị Lương Thị Huế tổ chức. Đã thấy anh Cương lẫn lộn buồn vui… Gặng hỏi mới hay: Cô dâu hôm nay chính là nạn nhân của vụ buôn người sang Trung Quốc được các chiến sỹ biên phòng cứu về trong năm trước. Cô dâu mới chỉ vừa tròn 15 tuổi.

Thiếu tá Vi Văn Cương kể: Đầu tháng 11/2012, Đồn Biên phòng Phúc Sơn nhận được đơn của chị Lương Thị Huế sinh năm 1982, ở xóm Vều 3 trình báo về việc con gái đầu của chị là Lương Thị Lan, sinh năm 1998 bị lừa bán sang Trung Quốc. Qua điều tra nắm tình hình: Chị Lương Thị Huế có 3 con gồm 2 gái, 1 trai, chồng đã mất, gia cảnh rất khó khăn. Tháng 9/2012, các đối tượng Lô Văn Truyền và Lương Thị Áng (trú tại xã Nga My, huyện Tương Dương) đã đến dụ dỗ con gái đầu của chị Huế sang Trung Quốc làm việc ở nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, lương cao. Sau đó hai đối tượng này đưa con gái chị sang bán làm vợ cho một người đàn ông Trung Quốc.

Điều tra rõ bản chất vụ việc, Đồn Biên phòng Phúc Sơn đã báo cáo với Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh và được chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai kế hoạch giải cứu. Cháu Lan đã được về nhà, còn các đối tượng Áng và Truyền bây giờ đang phải trả giá cho những tội lỗi gây ra. Thiếu tá Vi Văn Cương buồn buồn: “Những câu chuyện kiểu này ở miền núi cao không hiếm”.

Đêm mau qua

Đêm ở vùng cao, sương mù giăng kín, không gian tĩnh mịch. Sau giờ cơm, các chiến sỹ Đồn Biên phòng Phúc Sơn lại lên đường đi tuần. Trò chuyện cùng Thượng tá Trần Đình Nghi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cao Vều được biết, năm nay là năm thứ 6, ông công tác ở rẻo cao này.

Với Thượng tá Nghi: Mỗi ngày ở đây là một ngày vui, không có gì phấn khởi bằng khi giúp đỡ bà con xây dựng kinh tế, xây dựng các phong trào văn hóa, văn nghệ. Mô hình trồng bí và dưa hấu, từ chỗ thí điểm ở 6 hộ nay đã nhân rộng ra cả xã. Mô hình chăn nuôi trang trại được phổ biến, như: trang trại của ông Nguyễn Bá Ngọ ở Cao Vều 1 trồng 15 ha keo, đào 2 ao cá, nuôi 15 con trâu và 40 con lợn; Trang trại của anh Bạch Đình Diện, Cao Vều 2 trồng 10 ha keo, nuôi 20 con bò, 15 con dê. Cả xã hiện có 10 trang trại như vây. Mỗi trang trại đều cho thu nhập hàng năm từ 50-100 triệu đồng. Trong đêm ở Cao Vều, chúng tôi đã được vị chính ủy ngâm nga câu thơ “Biên phòng bảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tú kế cứu an” (Lê Lợi).

Nhìn về đỉnh núi Cao Vều cao 1.342m xa xa, Thượng tá Nghi cho hay – nơi đó chính là 17,2 km đường biên giới Đồn quản lý. Từ cuối năm 2012, khu vực biên giới này xuất hiện một con hổ lớn, vẫn thường về nơi Khe Súp gần Cửa khẩu; Cánh lính trẻ đi tuần tra thường tếu táo chọc nhau nhưng thấy vết chân hổ, không dám nói to… Nghe câu chuyện của Chính ủy Đồn, bất chợt nhớ tiếng hổ gầm trên núi Đại Can, huyện Thanh Chương mà người dân vẫn kể vào những năm đường mòn Hồ Chí Minh bắt đầu thi công kiên cố.

Đường Hồ Chí Minh đã giúp miền Tây Nghệ An phát triển lên trông thấy… Xưa, khu vực Cao Vều - Mương Chăm vốn là căn cứ cách mạng của cả hai nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Xu pha nu vông từng có ước nguyện sau khi giành độc lập sẽ xây dựng nơi đây thành cửa khẩu quốc tế. Và hôm nay, hổ lại về Cao Vều khi nơi đây đã trở thành cửa khẩu phụ và đang trong giai đoạn nâng cấp lên thành cửa khẩu chính để hai nước Việt - Lào có thể thông thương. Ánh sáng của sự phát triển đang về, đêm sẽ mau qua.


Nhóm PV