Theo tờ Bưu điện New York, Tiến sĩ Francis Collins nhận định rằng, virus SARS-CoV-2 dường như sẽ tiếp tục đột biến từ chủng gốc được phát hiện lần đầu ở Vũ Hán, Trung Quốc.
“Rất có khả năng đây không phải biến thể cuối cùng thu hút sự chú ý và gây lo ngại”, ông Colline khẳng định và suy đoán rằng Omicron đã phát triển ở một người bị suy giảm miễn dịch khi người này bị nhiễm biến thể virus khác.
“Đây là biến thể có số lượng đột biến nhiều nhất mà chúng tôi từng thấy cho đến nay. Nó có khoảng 50 đột biến so với chủng ban đầu ở Vũ Hán. Omicron dường như đã phát triển ở một người bị suy giảm miễn dịch không có khả năng chống lại virus. Đây là một giả thuyết nhưng có vẻ rất hợp lý. Như vậy, virus có thể đã tồn tại trong cơ thể người bị suy giảm miễn dịch trong vài tháng. Trong thời gian đó, virus sẽ có cơ hội tích tụ thêm các đột biến”, ông nói.
Chuyên gia Mỹ cũng cảnh báo "kịch bản tương tự có thể xảy ra trong tương lai và dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể khác. Kịch bản này sẽ tiếp tục xảy ra nếu dân số toàn cầu không có miễn dịch đầy đủ. Chúng ta có thể sẽ phải chứng kiến các biến thể mới xuất hiện và sẽ phải tiếp tục sử dụng một chữ cái khác trong bảng chữ cái Hy Lạp để đặt tên cho biến thể đó".
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phân loại Omicron là một biến thể “đáng lo ngại”, mặc dù vẫn chưa có bằng chứng chứng minh nó gây bệnh nặng hơn, hay có khả năng kháng các loại vaccine hiện có hay không. Tuy nhiên, hồ sơ bệnh nhân được các nhà nghiên cứu ở Tshwane của Nam Phi, “tâm chấn” của đợt bùng phát biến thể Omicron, cho biết biến thể mới này có thể gây bệnh COVID-19 ít nghiêm trọng hơn so với các biến thể trước đó. Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy Omicron làm tăng tỷ lệ tái nhiễm virus SARS-CoV-2.
Kể từ khi được phát hiện lần đầu ở Nam Phi, biến thể này đã lây lan sang hơn 40 quốc gia trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng vẫn cần thêm thời gian để tìm hiểu và xác định mức độ nghiêm trọng mà biến thể này gây ra đối với con người.