(Baonghean) - Khu rừng săng lẻ bạt ngàn ở bản Quang Thịnh (Tam Đình, Tương Dương) đã từng được biết đến như một điểm du lịch của miền Tây xứ Nghệ. Nó được gắn với bao nhiêu huyền tích, bao thăng trầm của vùng đất và bà con bản Thái. Trước nạn “chảy máu” khu rừng thiêng, hai người cựu binh đã đứng ra nhận trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ khu rừng này...
Dù có được nhắc đến nhiều trên các phương tiện truyền thông, được coi như là một điểm du lịch thì dường như khách viếng thăm rừng săng lẻ (bản Quang Thịnh - Tam Đình, Tương Dương) vẫn còn ít ỏi…
Mỗi lần dừng chân dưới tán rừng săng lẻ đều lưu trong tôi cảm giác huyền bí. Từng nghe cách đây mấy chục năm, trước năm 1964, ngày khu rừng chưa được đưa vào diện quản lí đặc biệt, vẫn không một ai dám xâm phạm. Người dân trong các bản lân cận vẫn sợ khu rừng săng lẻ, bởi nó là “rừng nghĩa địa” chung của mấy bản. Nỗi sợ những khu rừng ma đã ăn sâu vào tâm thức của người vùng cao. Khi có ai nằm xuống, cả bản lại rồng rắn kéo nhau đi đưa ma ra tận khu rừng.
Chôn cất người chết xong, ai nấy đều quay đầu đi miết về nhà. Người ta tin rằng, nếu ai đó trong đám người đưa ma ngoái đầu nhìn lại, ma sẽ nhớ mặt mà theo về bắt đi. Cũng từ đó, không ai dám vào rừng đốn gỗ để tránh đánh động đến giấc ngủ ngàn thu của người quá cố. Khu rừng nghiễm nhiên được bảo vệ khỏi bàn tan xâm hại của con người. Nhưng rồi cũng đến ngày, cái lợi từ gỗ rừng mang lại đã lấn át nỗi sợ ma quỷ. Những con mắt bắt đầu dòm ngó, bàn tay kẻ phá rừng bắt đầu hành động. Gỗ bị đốn đi và người già bảo nhau: Khu rừng ma đang “chảy máu”. Cũng may những người yêu mến rừng săng lẻ và cả chính quyền địa phương sớm vào cuộc. Ông Vi Chính Nghĩa được cử làm người gác rừng. Có ông Nghĩa, nên suốt nhiều năm liền một cây gỗ khó ra khỏi khu rừng.
Nhưng rồi sau hàng chục năm gác rừng, ông Nghĩa đã trở nên già nua, đôi chân không còn trèo đèo lội núi được nữa, công việc này đành nhường cho lớp sau đảm trách. Khu rừng quý có một không hai ở dải đất Bắc Trung Bộ này không thể một ngày thiếu người canh giữ. Trong thời buổi kinh tế thị trường này, khu rừng già cần được sự bảo vệ của những người có trách nhiệm.
Cách đây 1 năm, tôi gặp Trưởng bản Quang Thịnh - Vi Võ Tuấn. Ông nói: "Gần đây rừng săng lẻ bị xâm hại." Tôi tức tốc lội vào sâu trong rừng, thấy có mấy cái cây chỉ còn trơ gốc. Nghe đâu đợt đó rừng bị người trong bản chặt đi một số cây khiến chính quyền từ xã đến huyện lo lắng. Dẫu rằng kẻ phá rừng đã bị xử lí, nhưng việc cử người gác rừng là điều cấp bách hơn bao giờ hết.
Thế rồi, người bản Quang Thịnh cũng tìm được 2 cựu chiến binh chống Mỹ người trong bản, là ông Vi Trường Vĩnh và ông Vi Viết Lợi. Đôi bạn lính này mới nhận việc từ đầu năm 2013. Họ chăm chỉ lắm. Tối ngày luồn lách, lục lọi tuần tra trên khắp xó rừng. Thế là khu rừng trăm năm tuổi lại có được cơ may trở lại yên bình. Ông Vĩnh là thương binh hạng 4/4, từng chiến đấu tại chiến trường Tây Ninh (1972 - 1974), bị thương rồi giải ngũ, được tặng Huân chương Kháng chiến hạng 2. Xuất ngũ rồi, ông lại tiếp tục tham gia hoạt động phong trào tại địa phương, từng được bầu làm Bí thư Đoàn xã. Khi có tuổi, ông tăng gia sản xuất, vui vầy với vườn nương. Rừng săng lẻ, bị nguy cơ xâm hại, ông ăn ngủ không yên, nên khi đi họp bản được người dân cắt cử, ông hăng hái nhận lời làm gác rừng.
Ông Vi Trường Vĩnh (trái) và ông Vi Viết Lợi dưới tán rừng săng lẻ.
Cũng như ông Vĩnh, ông Vi Viết Lợi lớn lên bên cánh rừng săng lẻ. Từ thuở chăn trâu, cắt cỏ đã gắn bó với khu rừng. Nhờ có rừng này, bà con làng bản yên bề cày cấy, không bao giờ biết đến chuyện nước dâng hay lũ quét. Khu rừng quý của bản luôn theo vào trong mỗi giấc mơ của ông Vĩnh, kể cả trong những ngày tham chiến trên đất Xiêng Khoảng (Lào). Từ nhỏ ông Lợi, ông Vĩnh đã là một đôi bạn thân, khi về già họ lại được cùng chung tay gìn giữ khu rừng săng lẻ.
Công việc bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ, khi con gà gáy tan canh là phải thức dậy sửa soạn ăn sáng, rồi lên đường đến thăm từng gốc cây trong khu rừng rộng hàng trăm ha. Quãng đời lính chiến rèn luyện cho họ sự cần mẫn và tự giác trong công việc. Chỉ cho tôi xem gốc săng lẻ bị chặt hạ một năm về trước, ông Vĩnh cho biết: “Những kẻ phá rừng lúc nào cũng chờ bọn tôi sơ hở là đến chặt trộm đấy. Ngay cả khi về nhà dưới bản, đôi tai lúc nào cũng phải lắng nghe mọi động tĩnh từ khu rừng. Hễ nghe tiếng rìu, hay một âm thanh khả nghi nào là lập tức mình có mặt kịp thời kiểm tra.” Chính vì sự sát sao này, 2 người giữ rừng gần như nắm chắc được tình trạng “sức khỏe” của từng cây săng lẻ lớn. Những biến động dù là nhỏ nhất của khu rừng đều được ông Vĩnh ghi lại cẩn thận trong nhật ký giữ rừng.
Buổi chiều hè chợt có cơn mưa rào, tôi cùng 2 người gác rừng nán lại dưới tán săng lẻ mặc cho những hạt mưa mát lạnh tuôn xuống. Ông Vĩnh bảo: "Mưa gió thế này là dân bản mình được dịp nghỉ ngơi ở nhà, còn bọn này thì lại phải mang bao dao, khoác túi lên rừng đấy, chú ạ. Mưa gió là điều kiện tốt để kẻ xấu vào rừng chặt cây. Những đêm mưa, bọn tôi thường thức trắng, đôi tai lúc nào cũng như dỏng lên lắng nghe mọi động tĩnh”.
Trong một lần vui chuyện, trưởng bản Vi Võ Tuấn kể lại chuyện có người từng đến tìm ông Vĩnh xin đào đi 2 cây sung tại rừng săng lẻ để làm cây cảnh. Họ tự nhận là cán bộ kiểm lâm, nhưng rồi cũng bị 2 người gác rừng phát hiện và đuổi đi. “Từ ngày có 2 ông già này, không có một cây gỗ nào bị đưa ra khỏi rừng” – Ông Tuấn cho biết thêm.
Đã gần 6 giờ chiều, sau một vòng tuần tra, 2 người gác rừng thả bộ ngắm khu rừng một lần nữa rồi trở về bản. Ông Vĩnh bảo với tôi: “Mình thấy rất vui nếu ngày càng có nhiều người đến với khu rừng này. Nó như một ngôi nhà đẹp, cần nhiều khách đến thăm. Nhưng mà đến thăm thôi, đừng làm hại khu rừng này nhé!”.
Tiếng gọi rừng thiêng
Hữu Vi