(Baonghean.vn) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Với Người, báo chí cũng là một thứ vũ khí sắc bén trên mặt trận văn hoá tư tưởng.
1- Nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công.
( Sđd, tập 9, tr.415 )
2- Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Ðể làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng.
( Sđd, tập 10, tr.616 )
3- Trong nghề làm báo, ta có những kinh nghiệm của ta, nhưng ta cũng cần phải học thêm kinh nghiệm của các nước anh em. Muốn thế, thì những người làm báo ít nhất cũng cần biết một thứ tiếng nước ngoài.
( Sđd, tập 9, tr.415 )
4- Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và phải học ở nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn.
( Sđd, tập 6, tr.50 )
5- Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội... cho hòa bình thế giới. Chính vì thế cho nên tất cả những người làm báo (người viết, người in, người sửa bài, người phát hành, v.v.) phải có lập trường chính trị vững chắc.
( Sđd, tập 9, tr.141 )
6- Báo chí của ta đã có một địa vị quan trọng trong dư luận thế giới. Ðịch rất chú ý, bạn rất quan tâm đến báo chí ta. Cho nên làm báo phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết.
( Sđd, tập 10, tr.615 )
7- Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Ðồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy.
( Sđd, tập 7, tr.118 )
Trần Quỳnh (st) - TP Vinh