(Baonghean) - Bão số 8 chưa khắc phục xong hậu quả, bão số 10 lại ập đến, bao mất mát, nước mắt, nghẹn đắng. Cả nước đang hướng về miền Trung  ruột thịt sẻ chia từng ngày lương, gói mỳ  thì bão số 11 tiếp tục hoành hành cướp đi sản nghiệp của hàng ngàn gia đình miền Trung. Bão lũ liên miên, miền Trung chìm trong biển nước…

Mặc dù bão không trực tiếp đổ bộ vào Nghệ An, nhưng hoàn lưu sau bão đã gây mưa, lũ với những hậu quả khủng khiếp. Nhà nông đã 3 lần xuống giống vụ đông và  mất cả ba. Đợt xuống giống vụ đông đầu tiên trước cơn bão số 8, ngô đã lên xanh, bất chợt bão về, ngô đổ rạt. Những nơi vừa xuống giống, mất trắng. Sau bão số 10, nông dân Đô Lương, Tân Kỳ, Nam Đàn, Nghi Lộc… lập tức ra đồng làm lạc, trỉa ngô giành giật với trời. Họ làm ngô trên đất lúa, gieo ngô trên bãi phù sa, nhưng mưa  trắng trời, hơn 10.000ha vụ đông gieo sau bão số 10 mất trắng. Những giàn đậu cô ve xác xơ, những vườn xà lách dập nát. Nông dân Quỳnh Trang vớt vát những hạt lúa giống để hy vọng gieo trồng cho vụ xuân. Nông dân  Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) đắng lòng nhìn muối tan giữa biển nước. Nông dân Quỳnh Vinh  đau xót khi có gia đình trở về sau lũ cả đàn hươu 8 con đã chết rục trong chuồng. Nông dân Quỳnh Bảng chưa kịp thu hoạch tôm  đã trôi cả  ra biển. Thiệt hại của nhà nông trong mùa mưa lũ năm nay không thể đong đếm được. 
 
Nay  bão số 11 lại làm cho 19.000ha ngô,  rau màu vụ  đông mới gieo  có nguy cơ xóa sổ, trong đó có 7000ha rau màu và 12.000ha ngô.  Người làm báo nhớ như in từng đợt xuống giống, báo chưa ráo mực khi phản ánh không khí ra đồng sản xuất, nay lại phải đưa tin nước lũ  trắng đồng, trắng bãi. 
 
Những thửa ngô xanh tốt ở Nghi Lộc, Nam Đàn gieo trồng từ rằm tháng 7 (âm lịch) tưởng vượt qua được, nhưng đã đổ rạp trước gió to dữ dội của bão số 11.  Cả bãi đê dài dọc theo sông Lam, dọc Nam Đàn, Hưng Nguyên  trắng nước, phân bón, giống vừa đổ xuống đã mất trắng.
 
Làm gì tiếp trong vụ đông này là bài toán khó đối với cả ngành nông nghiệp và nhà nông. Ba lần xuống giống, ba cơn bão. Thời vụ vụ đông sắp hết, trong khi vụ xuân đang đến gần. Theo kế hoạch vụ đông năm nay, cả tỉnh  nỗ lực khép kín 50.500ha cây trồng, trong đó cây ngô 30.000 ha, lạc 2.000ha, khoai lang 7.500ha, rau đậu các lại 10.500ha.  Ngoài ra còn 3.200ha cá lúa. Về ngô tăng 4.543 ha so với vụ đông 2012, cơ cấu ở  đất màu bãi, đất đồi vệ, hướng khai thác mở rộng diện tích được cơ cấu trên đất 2 lúa,  đất màu ven biển. Cây lạc 2.000ha, tăng 613ha so với vụ đông 2012. Sở dĩ tăng diện tích ngô, lạc nhằm  bù đắp sản lượng mất mùa vụ xuân 2013. Nhưng nay kế hoạch vụ đông có nguy cơ không đạt. Bởi thời vụ của ngô ở vùng cao là 20/8 đến 20/9, vùng ngập lụt gieo trồng trước 20/10. Nhưng nay vùng ngập lụt vẫn lụt nặng. Lạc phải gieo trước 15/8 nay đã hết thời vụ. Đậu tương gieo trước 10/10, khoai lang trước 15/10… như vậy những cây trồng ngắn ngày của vụ đông cơ bản đã hết thời vụ. Chỉ còn khoai tây (20- 30/10) và rau các loại. Như vậy một diện tích rất lớn có nguy cơ bị bỏ trống hoặc phải trồng rau trong khi nếu trồng toàn rau thì bán cho ai?.
 
Thêm một lần nữa cho thấy không đơn giản với những kế hoạch và ứng phóvới thiên tai. Những người làm quản lý nông nghiệp lâu năm thở dài: Thiên tai ngày càng khắc nghiệt!
 
Sắp tới chắc chắn ngành nông nghiệp sẽ tư vấn cho nông dân sản xuất rau màu ngắn ngày chạy đua với thời vụ. Ở những nơi chờ nước rút mới trỉa ngô được thì đã quá thời vụ. Nếu như nơi nơi làm rau, màu thì  đầu ra sẽ giải quyết thế nào. Còn nhớ năm ngoái nhà nhà làm rau, người người làm rau thế rồi rau phải đổ đống, phải nhổ bỏ quanh bờ ruộng vì quá rẻ mạt. 1000 đồng/ kg xà lách, 3.000 đồng/kg cà chua, đó là giá của rau màu sau Tết Nguyên đán năm ngoái. Bởi vậy, cây gì, con gì để kịp thời vụ và có giá vẫn là bài toán nan giải cho vụ đông năm nay, đòi hỏi các địa phương, các xã phải hết sức linh hoạt trong chỉ đạo, hướng dẫn, kịp thời cấp phát giống cho nông dân gieo  bù trồng lại hoặc động viên nông dân đẩy mạnh chăn nuôi, tái đàn gia súc, gia cầm, cá… bù đắp lại những thiệt hại trên lĩnh vực trồng trọt.
 
Châu Lan