Trong khi châu Âu muốn duy trì truyền thống, đưa người của họ lên làm Giám đốc IMF thì Mỹ tỏ ý muốn góp nhân sự. Cùng lúc đó, Trung Quốc và Ấn Độ cũng lên tiếng đòi sự thay đổi. 

Không lâu sau khi thư từ chức của ông Strauss-Kahn được công bố, tất cả các thành viên của Ủy ban châu Âu, cả Thủ tướng Đức lẫn Bộ trưởng tài chính Pháp đều lên tiếng muốn người tiếp theo ngồi vào chiếc ghế Giám đốc điều hành IMF phải đến từ châu Âu.
 
Các quan chức châu Âu kết luận rằng theo họ, người lãnh đạo Quỹ phải có đủ hiểu biết và sức ảnh hưởng chính trị trong khu vực để tiếp tục giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện tại.
 
"Trên quan điểm của châu Âu, điều tiên quyết trong việc lựa chọn nhân sự là phải tìm ra người xứng đáng, có đầy đủ kinh nghiệm chính trị, kinh tế cũng như năng lực. Trong thời điểm cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, sự am hiểu vững chắc về kinh tế châu Âu và khả năng ra quyết định sẽ là các lợi thế của ứng viên", ông Olli Rehn, Ủy viên của Ủy ban châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tiền tệ phát biểu.
 
Tuy nhiên, các quan chức từ Mỹ ngay lập tức bày tỏ ý kiến của mình. Từ Wasington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nói: "Chúng tôi muốn nhìn thấy quá trình bầu người lãnh đạo mới được diễn ra một cách cởi mở".
 
Tuyên bố lấp lửng của ông Geithner như để ngỏ khả năng Mỹ, vốn cũng là tiếng nói quan trọng trong Quỹ Tiền tệ, sẽ đóng góp một ứng viên cạnh tranh cho chiếc ghế vừa bỏ trống. Giới phân tích cho rằng Chính phủ Mỹ sẽ tỏ rõ quan điểm hơn ở chốn hậu trường, trong khi vẫn giữ thái độ "vô tư" trước dư luận.
 
Đã thành lệ, người đứng đầu IMF đến từ châu Âu trong khi Ngân hàng Thế giới do một người Mỹ điều hành. Châu Âu đã nắm quyền điều hành IMF kể từ khi Quỹ này thành lập sau Thế chiến lần thứ 2. Còn người Mỹ duy trì vị trí thứ 2 tại IMF, cùng vị trí dẫn đầu trong tổ chức "anh em" với IMF là Ngân hàng Thế giới. Lâu nay, nhiệm vụ chính của IMF là duy trì sự ổn định cho nền kinh tế thế giới, trong khi Ngân hàng Thế giới chủ yếu tài trợ dự án cho các quốc gia đang phát triển.
 
Người ta vẫn chưa rõ khi nào IMF sẽ đưa ra quyết định nhân sự mới. Đề tài này có thể được đưa ra bàn bạc trong cuộc họp của nhóm G8 sẽ diễn ra tuần tới tại khu nghỉ dưỡng bên bờ biển tại Deauville, Pháp.

765433_small_62837.jpg
 Nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde, một trong những ứng viên sáng giá cho chiếc ghế Giám đốc điều hành IMF. Ảnh: AP

Hiện Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde được nhận định là một trong những ứng viên sáng giá. Là một nhà thương thuyết sắc bén, bà đã có danh tiếng trên phạm vi toàn cầu.
 
Mặc dù vậy, không có nhiều ý kiến từ phía Chính phủ Pháp đứng ra công khai ủng hộ bà, ngoại trừ Bộ trưởng Giao thông Pháp Thierry Mariani nói với kênh France-Info hôm qua rằng bà là sự lựa chọn hoàn hào.
 
Điều này được giải thích là vì nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp đóng vai trò cánh tay thân cận của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Nếu ông Sarkozy công khai ủng hộ bà Bộ trưởng, hành động này có thể càng thổi bùng lên những nghi ngờ cho rằng Strauss-Kahn là nạn nhân của một sự sắp đặt, nhằm cản đường ông đến với cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm sau. Trước đó, khảo sát cho thấy 60% người Pháp tin rằng ông Strauss-Kahn đã bị gài bẫy.
 
Trước đó, dư luận đồn đoán rằng dù kết quả phiên xử thế nào, Strauss-Kahn cũng sẽ phải từ chức vì scandal sex gây ầm ĩ lần này. Tuy nhiên, chỉ khi ông chính thức công bố lá thư từ chức, những ý kiến quanh chiếc ghế đang bỏ trống mới nổi lên mạnh mẽ.
 
Không riêng gì Mỹ, các quốc gia mới nổi như Trung Quốc và Brazil cũng cho rằng đã đến lúc phá vỡ lối mòn, và Giám đốc IMF nên đến từ một quốc gia đang phát triển.
 
"Đã đến lúc chúng ta cần thiết lập một chế độ mới trọng dụng người tài, lựa chọn người dẫn dắt IMF năng lực thực sự chứ không chỉ vì họ là người châu Âu", hãng AP trích lời phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega vào hôm thứ tư.
 
Ngoài ra, giới phân tích từ khắp nơi trên thế giới cũng "tiến cử" những cái tên như cựu Bộ trưởng Thổ Nhĩ Kỹ Kemal Dervis, Bộ trưởng Tài chính Singapore Tharman Shanmugaratnam hay nhà kinh tế học người Ấn Độ Montek Singh Ahluwalia.


Theo VnExpress