Trận động đất và sóng thần lịch sử vừa qua tại Nhật Bản đã gây ra những thiệt hại vô cùng to lớn cho nhân dân đất nước mặt trời mọc. Ngoài thiệt hại về người và vật chất, trận động đất và sóng thần còn gây ra sự cố rò rỉ phóng xạ rất nghiêm trọng tại nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima. Từ sự cố này đã đưa đến những thay đổi lớn trong chính sách năng lượng không chỉ của Nhật Bản mà còn của nhiều nước trên thế giới.

765509_small_62918.jpgLò phản ứng hạt nhân (Nguồn: Internet)
Ngay sau khi xảy ra vụ rò rỉ hạt nhân ở Fukushima, Đức đã là nước đi tiên phong trong việc thay đổi chính sách năng lượng hạt nhân.

Sau Đức là Pháp, một cường quốc hạt nhân lớn nhất Châu Âu, ở đây chính quyền các địa phương đã bỏ phiếu yêu cầu dừng hoạt động các nhà máy hạt nhân kiểu cũ.

Tiếp theo đó, Italia đã tiến hành xóa bỏ bộ luật cho phép tái sử dụng năng lượng hạt nhân được ban hành từ năm 2008. Đặc biệt, Nhật Bản, "tâm chấn" của cuộc khủng hoảng hạt nhân lần này đã phải hủy bỏ kế hoạch xây thêm các nhà máy mới.

Thủ tướng Nhật Bản, Naoto Kan nhấn mạnh kế hoạch của chính phủ sẽ sửa đổi chính sách năng lượng hạt nhân và tập trung nhiều hơn vào năng lượng tái sinh.

Tuy nhiên, bất chấp thực tế này, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn xúc tiến xây dựng các lò phản ứng hạt nhân mới bởi năng lương hạt nhân là lựa chọn khả dĩ cho nhiều nước ở thời điểm hiện tại khi giá dầu đang tăng cao mà lại thiếu năng lượng thay thế hiệu quả.

Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước đang ủng hộ mạnh mẽ nhất cho loại năng lượng này. Hiện nay, Trung Quốc đã có 13 lò phản ứng đang hoạt động cùng 17 nhà máy đang được thi công và 50 nhà máy khác được dự kiến xây thêm. Ấn Độ có 20 lò phản ứng đang hoạt động, 5 lò đang được thi công và 18 lò khác đang được lên kế hoạch xây dựng. Nhưng đất nước phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân nhiều nhất ở châu Á lại là Hàn Quốc.

Trong khi các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản chỉ chiếm 29% sản lượng điện cung cấp thì các lò phản ứng hạt nhân ở Hàn Quốc lại chiếm tới 35% lượng cung cấp điện. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch xây thêm khoảng 7 nhà máy điện hạt nhân nữa để đưa vào hoạt động cùng với 21 nhà máy hiện nay.

Từ nay đến năm 2030, số nhà máy hạt nhân ở Hàn Quốc vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Đổi lại, chính phủ Hàn Quốc đang tăng cường hơn nữa các biện pháp an toàn, đặc biệt là ở các lò phản ứng cũ.

Rõ ràng cho dù mối lo ngại về an toàn hạt nhân đang lan rộng nhưng nhiều quốc gia trên vẫn tiếp tục thực hiện chính sách năng lượng hạt nhân để đối phó với tình trạng thiếu năng lượng hiện nay.

Thực tế, nếu dừng hoạt động của các nhà máy hạt nhân thì ngay lập tức sẽ đẩy lượng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch tăng cao và hậu quả là gia tăng lượng khí thải nhà kính gây hại cho môi trường.

Chính vì cả hai nguyên nhân phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường nên nhiều quốc gia vẫn ủng hộ nhà máy điện hạt nhân đồng thời cam kết sẽ thắt chặt các quy định về an toàn trong vận hành nhà máy.

Đứng trước tình hình này, các chuyên gia đã đưa ra nhận định thời gian tới sẽ có một loạt các hành động đơn phương từ Liên minh Châu Âu (EU) hoặc có thể EU sẽ cùng các cường quốc như Nga và Nhật Bản đồng thuận với nhau thông qua các công ước về vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu hay thậm chí gia hạn thêm Nghị định thư Kyoto…

Trong lúc chờ đợi quyết định cuối cùng của từng nước về việc dừng lại hay tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân, thì chắc chắn sẽ các nước sẽ đặt trung tâm vào các nguồn năng lượng tái sinh, trong đó phong điện và điện mặt trời là những nguồn năng lượng được chú ý hơn cả./.
Theo TTXVN