Những ngày này, trên các cánh đồng vùng bãi Sông Lam ở xã Phúc Sơn bà con nông dân đang tích cực ra đồng làm đất và xuống giống trồng thử nghiệm giống khoai tây Marabel của Đức. Gia đình Đặng Xuân Long ở thôn 12 xã Phúc Sơn có 2 sào diện tích đất bãi, những năm trước chủ yếu trồng bí xanh và bầu. Năm nay chính quyền địa phương triển khai trồng thử nghiệm khoai tây, gia đình anh đã đăng ký tham gia.
Theo anh Long, so với các giống cây trồng khác thì trồng khoai tây bước đầu cũng thuận lợi, ít công hơn, chi phí đầu tư ít hơn và dễ chăm sóc hơn. Ngoài được hỗ trợ 100% giống thì trong quá trình xuống giống, còn có cán bộ xuống tận đồng hướng dẫn kỹ thuật nên bà con rất phấn khởi. Nếu vụ đầu trồng thử nghiệm đạt hiệu quả, những năm tới gia đình anh Long sẽ tiếp tục liên kết với công ty nhân rộng diện tích trồng khoai tây.
Những ngày này, trên các cánh đồng vùng bãi Sông Lam ở xã Phúc Sơn bà con nông dân đang tích cực ra đồng làm đất và xuống giống trồng thử nghiệm giống khoai tây Marabel của Đức. Ảnh: Thu Hiền Để kịp thời vụ cùng với các gia đình trong thôn, những ngày này gia đình anh Nguyễn Đình Trung thôn 13 xã Phúc Sơn đang huy động nhân lực ra đồng xuống giống khoai tây. Anh Trung cho biết: Khi đăng ký tham gia trồng thử nghiệm khoai tây, gia đình anh cùng bà con đã được tập huấn rất kỹ từ khâu làm đất, xuống giống cho đến phòng trừ sâu bệnh.
Cách trồng và chăm sóc cây khoai tây khá đơn giản, sau khi làm đất, luống trồng được vun cao 25 - 30cm, chiều rộng từ 50 - 60cm, củ khoai tây được gieo trồng với mật độ từ 25 - 30cm. Thời gian trồng đến lúc thu hoạch vào khoảng 3 tháng.
Nếu cứ duy trì thời tiết thuận lợi như hiện tại, đến đầu tháng 3 khoai tây bắt đầu vào vụ thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt từ 1,5- 2 tấn/sào. Điều làm bà con yên tâm là công ty sẽ bao tiêu sản phẩm với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg củ. Nếu giá như vậy, trừ mọi chi phí sản xuất cũng cho bà con thu lãi khoảng 5 triệu đồng/sào.
Ông Nguyễn Thế Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: Xã Phúc Sơn có gần 20 ha diện tích đất bãi ven Sông Lam chuyên làm rau màu. Vụ đông năm nay, xã đã đưa vào trồng thử nghiệm 5 ha diện tích khoai tây với sự tham gia của 32 gia đình, hộ trồng ít nhất là 1 sào, hộ nhiều nhất là 10 sào. Đây là mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nhà nông triển khai đầu tiên trong xã, từ khâu lựa chọn giống, chăm sóc, kỹ thuật trồng đều được cán bộ công ty xuống tận ruộng hướng dẫn cho bà con.
Khoai tây Marabel là loại giống mới được chọn lọc theo phương pháp nội nhập từ nước ngoài, có năng suất, chất lượng vượt trội hơn so với các giống khoai tây khác. Ảnh: Thái Hiền Để mô hình này mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao, xã Phúc Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đăng ký thực hiện trồng khoai tây theo quy hoạch vùng sản xuất tập trung, các hộ tham gia trồng sẽ được hỗ trợ 100% tiền giống từ nguồn kinh phí xây dựng NTM cụ thể là 1,4 triệu đồng/sào, với tổng số tiền hỗ trợ toàn xã là 135 triệu đồng.
Đặc biệt, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chuyên môn của huyện và kết nối với Công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế An Việt tại Hà Nội trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, cung cấp giống, hỗ trợ về phân bón, chế phẩm sinh học để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây và bao tiêu sản phẩm, với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg.
Bước vào vụ đông 2019, toàn huyện Anh Sơn gieo trồng rau, đậu, bầu bí các loại là 330 ha; khoai lang 55 ha; lạc, đậu 89 ha. Tập trung nhiều ở các xã Hoa Sơn, Cẩm Sơn, Tào Sơn, Lạng Sơn, Thạch Sơn, Phúc Sơn. Năm nay thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng huyện đã mạnh dạn đưa cây khoai tây Marabel của Đức vào trồng với diện tích là 23 ha, trong đó xã Tam Sơn trồng 7ha, xã Cẩm Sơn 9ha, xã Phúc Sơn 5ha và xã Lạng Sơn 2ha.
Trong quá trình xuống giống, còn có cán bộ xuống tận đồng hướng dẫn kỹ thuật nên bà con rất phấn khởi. Ảnh: Thu Hiền Khoai tây Marabel là loại giống mới được chọn lọc theo phương pháp nội nhập từ nước ngoài, có năng suất, chất lượng vượt trội hơn so với các giống khoai tây khác, năng suất trung bình mỗi vụ từ 1,5- 2 tấn/sào, thời gian sinh trưởng ngắn chỉ từ 90- 100 ngày, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt.
Để khuyến khích các hộ dân tham gia trồng, huyện Anh Sơn đã hỗ 70% tiền giống và 50% tiền phân NPK cho bà con 3 xã Tam Sơn, Cẩm Sơn và Lạng Sơn từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM với tổng số tiền hơn 514 triệu đồng.